Nộp đơn ra Tòa đã được coi là ly hôn xong hay chưa?

13:54, Chủ nhật 04/09/2022

( PHUNUTODAY ) - Thực tế, nhiều người mới chỉ nộp đơn ly hôn Tòa đã xem quan hệ vợ chồng hoàn toàn chấm dứt. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, liệu có phải thực sự như thế không?

Nộp đơn ly hôn: Quan hệ vợ chồng đã hoàn toàn chấm dứt chưa?

Theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, ly hôn được định nghĩa như sau:

14. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Như vậy, có thể thấy, quan hệ vợ chồng chỉ chấm dứt khi có bản án hoặc quyết định của Tòa đã hiệu lực. Mà để Tòa án ra bản án, quyết định ly hôn thì hai vợ chồng phải làm thủ tục ly hôn. Hiện nay, ly hôn gồm hai hình thức: Ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình. Trong đó:

- Ly hôn đơn phương: Đây là trường hợp một trong hai vợ chồng gửi đơn đến Tòa án để yêu cầu ly hôn và Tòa án sẽ ra bản án ly hôn nếu có căn cứ vợ, chồng bạo lực gia đình hoặc vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng nghiêm trọng khiến hôn nhân trở nên trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Empty

- Ly hôn thuận tình: Trường hợp này hai vợ chồng cùng có mong muốn ly hôn, thỏa thuận được với nhau về việc chấm dứt quan hệ vợ chồng, tự nguyện và thỏa thuận được chia tài sản, trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con. Và khi hai vợ chồng gửi đơn ly hôn cho Tòa, Tòa án xem xét thấy đủ điều kiện thì sẽ ra quyết định ly hôn.

Tuy nhiên, để được xem là chấm dứt quan hệ vợ chồng thì không dừng lại ở việc nộp đơn ly hôn. Bởi sau khi nộp đơn ly hôn, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án còn phải xem xét yêu cầu ly hôn có đủ căn cứ để ra quyết định hoặc bản án ly hôn hay không.

Trong đó, sau khi nộp đơn ly hôn, Tòa án sẽ tiến hành các thủ tục sau đây trước khi đưa ra quyết định, bản án ly hôn:

Ly hôn đơn phương

Bước 1: Nộp đơn ly hôn và các giấy tờ liên quan đến việc ly hôn: Đăng ký kết hôn, chứng cứ về việc bạo lực gia đình, ngoại tình… (nếu có)…

Bước 2: Tòa án xem xét, giải quyết

Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ xem xét hồ sơ hợp lệ, yêu cầu người nộp đơn ly hôn nộp tiền tạm ứng án phí, tiến hành thủ tục hòa giải

Bước 3: Mở phiên tòa sở thẩm

Sau khi hòa giải không thành, Tòa án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ gửi giấy triệu tập các bên, mở phiên tòa giải quyết ly hôn đơn phương

Bước 4: Ra bản án ly hôn chấm dứt quan hệ vợ chồng

Lưu ý: Bản án ly hôn đơn phương sẽ có hiệu lực pháp luật sau thời hạn kháng cáo(15 ngày) và kháng nghị (tối đa 01 tháng).

Ly hôn thuận tình

Bước 1: Nộp đơn ly hôn thuận tình và các tài liệu kèm theo như giấy kết hôn, giấy khai sinh (nếu có con), giấy tờ về tài sản (nếu yêu cầu công nhận phân chia tài sản)…

Empty

Bước 2: Tòa án giải quyết yêu cầu. Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ yêu cầu các bên nộp lệ phí, xét đơn yêu cầu, hòa giải…

Bước 3: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn nếu hai vợ chồng hòa giải mà không thành.

Lưu ý: Quyết định ly hôn có hiệu lực ngay sau khi được ban hành.

Căn cứ quy định trên, có thể khẳng định, nếu mới chỉ nộp đơn ra Tòa mà chưa có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì việc ly hôn chưa hoàn tất, quan hệ vợ chồng chưa thực sự chấm dứt trên mặt pháp luật.

chia sẻ bài viết
Theo:  xevathethao.vn copy link
Tác giả: Mộc