Người con gái Việt giả trai ra trận đánh giặc Minh
Bà Nguyễn Thị Bành là vợ của tướng quân Nguyễn Chích trong kháng chiến chống quân Minh.Trong lịch sử Việt Nam, nhiều nữ tướng dũng mãnh trên sa trường nhưng đóng giả thành nam nhi để ra trận thì chỉ có bà Nguyễn Thị Bành. Đây là nữ tướng nổi tiếng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vợ của Nguyễn Chích - khai quốc công thần hàng đầu của nhà Hậu Lê.
Theo Việt Nam sử lược, Nguyễn Chích (1382-1448) quê ở thôn Vạn Lộc, huyện Đông Sơn, châu Ái (Đông Sơn, Thanh Hóa ngày nay).
Văn bia quốc triều tả mệnh công thần cho biết ông mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, tính hiền lành, trung thực, ít nói, có chí lớn. Năm 25 tuổi, ông dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược ở Hoàng Nghiêu (Thanh Hóa).
Trong số các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh thời kỳ này, cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Chích lãnh đạo có quy mô lớn. Dựa vào địa hình hiểm trở, gồm những vách núi dựng đứng, Nguyễn Chích đã nhiều lần đẩy lùi các cuộc tấn công của quân Minh.
Để củng cố sức mạnh, mở rộng căn cứ khởi nghĩa, Nguyễn Chích tăng cường tuyển chọn quân sĩ. Trong một lần như thế, ông đã gặp nữ tướng Nguyễn Thị Bành.
Một hôm, ông ở trong doanh trại thì nghe nghĩa binh báo có chàng trai trẻ tuổi xin gặp chủ tướng. Khi đối mặt, Nguyễn Chích thấy dáng người này nhỏ nhắn, thư sinh “trói gà không chặt”. Ông cất tiếng hỏi: "Anh có tài năng gì, vì sao lại tìm đến đây?".
Tráng sĩ đáp bằng giọng nói nhỏ nhẹ nhưng cương quyết: “Tôi học võ từ nhỏ, nay vì căm thù giặc nên đến xin đầu quân”. Nguyễn Chích liền nói: “Anh hãy trổ tài cho ta xem”.
Ông mời người lạ mặt ra ngoài tỉ thí võ với một bộ tướng của mình. Trong chốc lát, “tráng sĩ”đánh ngã bộ hạ của Nguyễn Chích. Sau đó, lần lượt những tướng khác bị hạ, cả doanh trại đều kinh ngạc, khâm phục. Nguyễn Chích vui mừng, thu nhận nhân tài vào đội quân của mình.
Qua chứng kiến sinh hoạt hàng ngày, ông để ý tráng sĩ kia có cử chỉ và thói quen sinh hoạt khác hẳn với mọi người. Dáng vẻ thùy mị, khuôn mặt, làn da, vóc dáng, đi đứng, bàn tay… giống như con gái.
Nguyễn Chích cho tổ chức một cuộc thi đấu vật, ai cũng phải tham dự. Bị đưa vào thế bí, “tráng sĩ” lúc đầu tìm cách từ chối khéo. Trước mệnh lệnh, sự thúc ép của binh tướng, người này buộc phải thú nhận với Nguyễn Chích rằng mình là gái giả trai, tên thật Nguyễn Thị Bành.
Trời se duyên lành xứng đôi vừa lứa
Sau khi tướng Nguyễn Chích phát hiện Nguyễn Thị Bành gạt mình, nhưng mến mộ tài năng và ý chí của nàng, Nguyễn Chích vẫn giữ lại. Tình yêu nảy nở, ông cưới bà làm vợ và phong làm phó tướng.
Sau khi kết hôn với tướng quân Nguyễn Chích bà Nguyễn Thị Bành cùng chồng chỉ huy binh sĩ đánh tan quân địch. Trong trận ấy, nữ tướng cùng chồng chỉ huy một cánh quân tiến đánh trại quân Minh, diệt nhiều quân địch.
Sau những chiến công đó, vua Lê Lợi khen ngợi vợ chồng Nguyễn Chích. Trong suốt cuộc đời mình, bà Nguyễn Thị Bành là người vợ hết lòng vì chồng, sát cánh cùng Nguyễn Chích trong mọi hoàn cảnh. Dù sau này vì nhiều lý do Nguyễn Chích bị phế quan trở thành người thường dân nhưng Nguyễn THị Bành vẫn luôn sát cánh cùng chồng của mình trong mọi khó khăn của cuộc đời.