Ở đâu, không gian cộng đồng đô thị?

08:36, Thứ bảy 04/06/2011

( PHUNUTODAY ) - Người ta khai thác lợi thế kinh doanh của các công viên, nơi tấp nập thị dân đi tìm "lá phổi" cho mình, và các công viên với các loại hình sinh hoạt (kinh doanh) cứ lập đi lập lại nhộn nhịp một cách uể oải, ồn ào một cách tẻ nhạt.

 

a
Dãy ghế đá tự nhiên trong công viên Tao Đàn

 Ở đô thị, con người vừa tất bật vừa cô đơn. Tất cả mọi người đều tiềm ẩn stress mức độ khác nhau, kể cả những thiếu niên vừa biết ham thích giao tiếp cộng đồng.

 

Điều gì thiếu thì người ta tìm- nông thôn hướng về những tiện nghi đô thị và đô thị thì thiếu thiên nhiên. Chính vì thế mà người ta ví công viên đô thị quý và gần như là những lá phổi xanh của thành phố.

Song đất đô thị cũng lại quý như vàng. Phải chăng vì vậy mà người ta khai thác lợi thế kinh doanh của các công viên, nơi tấp nập thị dân đi tìm "lá phổi" cho mình, và các công viên với các loại hình sinh hoạt (kinh doanh) cứ lập đi lập lại nhộn nhịp một cách uể oải, ồn ào một cách tẻ nhạt. Đó là các công viên được phát triển trước nhất bởi ý thích (có khi bởi trọng trách kinh doanh) của lãnh đạo địa phương hơn là từ sự nghiên cứu hẳn hoi về chức năng cá biệt (cso khi rất đặc biệt) của từng công viên.

Theo tôi, công viên đô thị dù cần thiết, quan trọng, hay đặc biệt thế nào cũng không phải là cứu cánh cho việc xác lập bản sắc đô thị nếu nó vẫn có một vòng rào, một cổng vào, bán vé, gửi xe....

Tôi thích thú với những khoảng xanh, khoảng trống tự do hơn và tôi cho nó quan trọng hơn, giữ vai trò chủ đạo hơn trong sinh hoạt cho người dân đô thị lẫn khách du lịch.

Người ta đến, người ta cảm nhận ở những nơi này dễ dàng, tự nhiên như ở nông thôn mà ra hàng nước đầu ngõ, giếng nước, sân đình, bóng trâm bầu trên bưng cháy nắng. Tôi tin chắc một người khách đến thành phố lạ, thích đuổi bắt những hình ảnh lề đường hơn là vào công viên, thích ngắm nghía sinh hoạt ở một góc phố hơn là vào rạp hát...còn thanh thiếu niên và cả người lớn của nó-thành phố- khi đi xuống phố, đi vào "phòng khách của ngôi nhà đô thị" của mình, cứ ngồi xe máy chen chúc chạy và chạy trên đường, thu nạp thêm stress và...về nhà! Những buổi tối đến quảng trường trước Nhà hát thành phố và Ủy ban Nhân dân, người ta tụ tập đông đúc và lòng đường thì xe cộ đứng lại đông gấp đôi, gấp ba- rõ ràng, người dân cần một sinh hoạt giải trí dễ dàng thuận tiện hơn.

Suy nghĩ như vậy, ở góc độ mỹ thuật môi trường, tôi cho rằng thành phố cần đầu tư nghiên cứu cho hai mảng không gian: lề đường và các không gian sinh hoạt cộng đồng trên phố. Tất nhiên, kiến trúc chỉ là một thành viên cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội, quản lý đô thị...

 

1
Bé vẽ trong công viên Tao Đàn

 Với những mảng không gian lề đường chứa đựng phần lớn nhất bản sắc văn hóa sinh hoạt đô thị. Ở các nước tiên tiến châu Âu vẫn tồn tại sinh hoạt sinh hoạt lề đường rất thu hút khách du lịch: cà lhee lề đường, hát rong, họa sĩ ký họa...Tất nhiên được quy hoạch cẩn thận chứ không tồn tại hỗn loạn, tràn lan- ta cẩn thận khoác lên sinh hoạt lề đường một ý nghĩa văn hóa (mà bản thân nhu cầu sinh hoạt tự nhiên cũng là một nét văn hóa) hơn là quản lý trật tự đơn thuần- hãy để người thành phố góp phần làm ra, hưởng thụ và tự hào về những phố sách cũ, phố cà phê, phố ăn vặt của học trò, phố tình nhân, phố tây ba lô v.v...đừng để các phố giống nhau và đơn điệu có mỗi một giao tiếp: giao tiếp buôn bán.

 

Lề đường, góc phố dẫn đến những tụ điểm là cần thiết. Tưởng tượng một ngôi nhà mà tất cả các phòng đều đổ ra một hành lang thẳng băng, đơn điệu dẫn ra đến cửa. Những góc, những hiên ngoài một phòng khách chính là rất cần để làm phong phú sinh hoạt. Đó là những tụ điểm, những khoảng trống trên đường phố như vườn hoa Chi Lăng, Đồng Khởi, vườn hoa Lý Tự Trọng...nhưng phải khác hơn về sinh hoạt chứ không phải: xin đừng giẫm chân lên cỏ (!), đề nghị mua nước giải khát (!)...

Tôi hình dung một mạng lưới quảng trường sinh hoạt cộng đồng sẽ được quy hoạch, được chỉ định tổ chức và xây dựng phù hợp theo chuyên đề: quảng trường cực chiến binh, quảng trường văn hóa dân gian, tụ điểm thiếu nhi, tụ điểm văn nghệ dân gian...đây sẽ là nơi lý tưởng đặt các tượng danh nhân khoa học, văn hóa, lịch sử...gần gũi hàng ngày với mọi người. Mọi người đến các tụ điểm dễ dàng, không phải qua quan hệ quản lý, kinh doanh. Được như vậy, có khi người dân siêng xuống phố hơn, thoải mái hơn chăng?

Dù sao, cũng chỉ mới là một cách đặt vấn đề. Nhưng thành tâm của tôi là tôi vẫn kỳ vọng vào một không gian đô thị lãng mạn hơn, hình ảnh của nó đủ khắc họa niềm tự hào và kỷ niệm cho mỗi thị dân.

 

  • KTS Nguyễn Văn Tất

[links()]

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc