Hãy đọc câu chuyện từng kinh động đến vua Khang Hy:
"Những năm Khang Hy đời nhà Thanh, có huyện lệnh Cao Minh, Quảng Đông là vị quan thanh liêm, tiếng tăm rất tốt, tên là Nữu Tú, tự Ngọc Tiều, người Giang Tô.
Trong thời gian giữ chức, ông thường hay sưu tầm những câu chuyện kỳ lạ trong dân gian rồi ghi chép lại thành sách. Trong tác phẩm “Cô Thừa” của mình, ông kể lại một câu chuyện luân hồi đã từng kinh động đến Hoàng đế Khang Hy như sau:
Phía Đông thành Bắc kinh có một gia đình thường dân sinh hạ một bé gái, vừa chào đời đã khác với mọi người, có thể cất tiếng nói chuyện. Bé gái nói:“Tôi là phu nhân của lang trung công bộ Trịnh Liêm, sao lại ở đây thế này? Tôi muốn về nhà“.
Bố mẹ nghe thấy lời của con mình, bèn cho người tìm kiếm nơi ở của Trịnh Liêm, thì ra nhà họ Trịnh cách nhà của họ chỉ hơn 2 dặm đường. Phụ thân của bé gái tuy đã biết được Trịnh gia ở đâu nhưng lại cảm thấy chuyện này rất quái dị, bèn căn dặn người nhà phải giữ kín bí mật.
Đến khi bé gái lớn lên, có lúc chạy ra ngoài hẻm, nói là muốn về nhà họ Trịnh. Bố mẹ cô bởi vậy thường phải bồng bế, trông chừng, không cho cô tự mình ra ngoài.
Nhưng mong muốn trở về nhà của cô bé không vơi đi chút nào. Vào năm cô bé lên 8 tuổi, bất đắc dĩ cha cô đành phải tìm đến Trịnh gia. Vừa hỏi thăm thử thì biết được vợ của Trịnh Liêm quả thật đã qua đời nhiều năm.
Ông bèn nói ra sự việc quái dị khó tưởng tượng này. Nhà họ Trịnh vừa nghe, vội cử kiệu hoa đến nghênh đón. Bé gái 8 tuổi đến nhà Trịnh Liêm, lại không cảm thấy chút lạ lẫm nào. Tuy nhà họ Trịnh rất rộng, nhiều phòng ốc, nhưng cô bé như quen thuộc mỗi từng ngóc ngách.
Cô bé tiến thẳng vào phòng trong, ngồi nghiêm trên giường, mặt hướng về phía nam nói với mọi người rằng: “Con trai và con dâu của tôi đâu rồi? Còn không mau mau đến gặp mặt tôi“.
Mọi người nhìn thấy cô bé làm ra điệu bộ của phu nhân đều không khỏi bụm miệng cười trộm, tuy không nghe theo nhưng cũng không dám đưa mắt nhìn thẳng.
Vừa hay lúc đó Trịnh Liêm từ bên ngoài đi vào, bé gái đứng dậy nói: “Tôi với ông cách xa đã rất lâu rồi, lẽ nào ông không nhận ra tôi ư?“. Cô bé còn chỉ chỗ quần áo, giày dép ngày trước của mình để, thói quen giống hệt vợ Trịnh Liêm lúc còn sống.
Trịnh Liêm cảm thấy chuyện này quá kỳ lạ, hôm đó lại đưa cô bé về lại nhà. Một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng bao lâu người khắp kinh thành không ai không biết chuyện. Câu chuyện còn vang đến tận hoàng cung.
Hoàng đế Khang Hy nghe thấy hiếu kỳ, bèn cho mời Trịnh Liêm vào cung hỏi thăm. Thời đó ai dám dối gạt hoàng đế thì chính là đại tội khi quân, sẽ bị chém đầu cả nhà. Trịnh Liêm hai đầu gối quỳ xuống đất, miệng run rẩy tường tận kể lại đầu đuôi sự tình với hoàng đế.
Hoàng đế nghe xong, thấy rằng chuyện này quả là đáng tin mười phần, liền lệnh cho Trịnh Liêm tiếp tục nhân duyên đời trước, cưới cô bé đó về. Nhưng Trịnh Liêm vội từ chối: “Khấu tạ hoàng ân, nhưng thần và cô bé tuổi tác chênh lệch thật quá lớn. Con trai thần nay đã có cháu. Nếu lấy về thành ra chồng già vợ trẻ, ngay cả xưng hô cũng thấy ngượng, e rằng không thích hợp“.
Hoàng đế nói: “Ai bảo không thích hợp? Mệnh trời khó cãi, đợi sau khi nàng lớn lên rồi các ngươi hãy thành hôn để tiếp tục nhân duyên từ kiếp trước“.Sau này, khi bé gái đến tuổi gả chồng, Trịnh Liêm phụng chỉ kết hôn với nàng, tình cảm vợ chồng lại ân ái như xưa."
Tục ngữ có câu: “Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu ngàn năm mới chung chăn gối”. Ý câu này là, những người có thể ngồi chung trên một chuyến thuyền đều là người hữu duyên, còn có thể kết thành vợ chồng thì giữa họ với nhau mối duyên càng sâu đậm.
Duyên nợ vợ chồng kiếp này có được nhờ mối quan hệ nhân quả từ các đời trước mang đến cho đời này.
Nếu vợ chồng bạn sống bình yên bên nhau, hẳn là các kiếp trước hai bạn có thiện duyên với nhau, người này đã làm những việc tốt cho người kia và ngược lại. Nếu vợ chồng bạn đời này thường xuyên xung đột với nhau, người chồng hay lấn át, bắt nạt vợ hoặc ngược lại, thì đó là do trong kiếp trước một trong hai bạn đã gây ác duyên với người kia, và đến kiếp này thì hoán đổi lại.
Duyên là cớ gặp gỡ, nợ là gắn kết bền lâu. Trong cõi vô thường này, mỗi người chúng ta tồn tại chỉ như khói như sương. Đời người mỏng manh mà vũ trụ thì tận cùng, chính bởi vậy mà mỗi người nên tự tìm cho mình những an lạc bình yên để có thể sống trọn được kiếp người. Tình yêu và duyên nợ vợ chồng chính là một trong những điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời mà mỗi người nên chiêm nghiệm.
Chính vì thế, vợ chồng nên trân trọng lẫn nhau. Dù có phong ba bão táp gì cũng đừng nghĩ đến chuyện buông tay mà hãy cũng nhau vượt qua. Phải trải qua ân tình trăm năm mới có thể nên duyên chồng vợ, một khi đã buông tay thì có khi cả đời, cả kiếp cũng không bao giờ còn gặp lại.