Báo bão bằng đường không là một thành phần rất quan trọng trong việc giảm nhẹ hậu quả thiên tai đối với các hoạt động của ngư dân hay tàu thuyền khác trên biển. Do đặc thù điều kiện kinh tế đất nước, phần lớn các hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông thường tổ chức theo kiểu đơn lẻ.
Máy bay vận tải An-26 của Không quân Việt Nam đang bắn pháo hiệu báo bão trên Biển Đông trong cơn bão số 15 vừa qua. Ảnh: Quân đội nhân dân. |
Các tàu thuyền chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện thông tin liên lạc nên việc tiếp nhận thông tin dự báo thời tiết trên biển, đặc biệt những lúc bão hoạt động trên Biển Đông, gặp nhiều khó khăn. Do bị hạn chế về thông tin liên lạc, các tàu thuyền đánh cá của ngư dân đi lạc vào vùng có bão gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản.
Trong khi đó, diễn biến thời tiết trên biển thời gian qua trở nên phức tạp và khó đoán. Các cơn bão xuất hiện ngày một nhiều với cường độ ngày càng lớn hơn. Cảnh báo cho ngư dân đưa tàu thuyền vào bờ trú tránh hoặc di chuyển đến những vùng biển an toàn hơn có ý nghĩa rất quan trọng.
Nhằm khắc phục vấn đề này, góp phần giảm nhẹ hậu quả thiên tai thời gian qua Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều động một số máy bay làm nhiệm vụ báo bão trên Biển Đông. Các máy bay này sẽ bắn pháo hiệu đỏ báo bão, hướng dẫn các tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm. Máy bay được trang bị các túi thuốc chống cá mập, lương khô, nước uống, dù, phao, thuyền cứu hộ trong nhiệm vụ báo bão.
Máy bay tuần tra hàng hải CASA C-212 của Cảnh sát biển Việt Nam. Máy bay này sẽ góp phần quan trong trong nhiệm vụ tuần tra hàng hải và báo bão trên Biển Đông trong thời gian tới. Ảnh: Airline.net |
Hiện tại, nhiệm vụ báo bão trên Biển Đông thường do máy bay vận tải An-26 đảm nhận. Đây là một máy bay vận tải quân sự hạng nhẹ 2 động cơ cánh quạt do hãng Antonov do Liên Xô sản xuất (nay thuộc Ukraine).
Máy bay này có khả năng chở theo 40 người hoặc 5.500 kg hàng hóa các loại. An-26 có phạm vi hoạt động tới 2.500 km với nhiên liệu tối đa cho phép thực hiện nhiệm vụ trên một vùng biển rộng lớn. Hiện nay An-26 là máy bay vận tải chủ lực của Không quân Việt Nam.
Sắp tới gánh nặng báo bão trên Biển Đông có thể được san sẻ với các máy bay mà Việt Nam đã tiếp nhận trong năm 2013 như thủy phi cơ DHC-6, máy bay tuần tra hàng hải CASA C-212. Trong đó, DHC-6 là một thủy phi cơ lưỡng dụng đa năng. Nó có thể cất hạ cánh ở sân bay và ở trên mặt biển do tập đoàn Viking Air của Canada sản xuất.
Thủy phi cơ DHC-6 được trang bị tích hợp radar thời tiết và các hệ thống điện tử hàng hải hiện đại khác nên rất phù hợp với nhiệm vụ tuần tra báo bão trên Biển Đông. Mặt khác, do có khả năng cất hạ cánh trên biển nên thủy phi cơ này rất thuận lợi trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Với khả năng cất hạ cánh trên biển, thủy phi cơ DHC-6 của Hải quân Việt Nam sẽ là một máy bay rất hữu ích trong nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và báo bão trên Biển Đông. Ảnh: Viking Air. |
DHC-6 có thể chở theo 20 người hoặc hàng hóa tùy theo nhiệm vụ. Thủy phi cơ này có phạm vi hoạt động khoảng 1.480 km, đủ khả năng làm nhiệm vụ trong thời gian 6 tiếng đồng hồ.
Trong khi đó, CASA C-212 của Cảnh sát biển Việt Nam cũng là một máy bay được thiết kế cho nhiệm vụ tuần tra hàng hải do công ty Construcciones Aeronáuticas SA EADS CASA (một chi nhánh của Airbus Military) ở Tây Ban Nha sản xuất.
Đây cũng là một máy bay rất hữu ích trong các hoạt động báo bão hay tìm kiếm cứu nạn trên Biển Đông. C-212 có sức chứa 24 người hoặc 2.700 kg hàng hóa. Máy bay có phạm vi hoạt động 1.811 km nên có thể thực hiện nhiệm vụ trên một khu vực khá rộng lớn. Máy bay này có cửa khoang hàng hóa phía sau khá lớn nên cũng rất thuận lợi trong các hoạt động thả hàng hóa, pháo cứu nạn trên biển.
Với sự có mặt của những máy bay trên, nhiệm vụ tuần tra hàng hải, báo bão, tìm kiếm cứu nạn trên Biển Đông của Việt Nam trong thời gian sẽ trở nên thuận lợi hơn, góp phần bảo vệ cho các hoạt động của ngư dân trên biển và giảm nhẹ hậu quả thiên tai.