Cãi nhau để giữ lửa chứ không phải phá nát
Vậy nên, khi cãi nhau, điều cấm kỵ bạn nên tránh đó là không moi móc chuyện quá khứ, không bới lông tìm vết. Ngay chính bản thân bạn cũng không muốn người khác “soi” vào chuyện cũ của mình, huống chi là những ông chồng. Bạn nên nói thẳng vào vấn đề mình muốn tranh luận như vậy, việc tranh luận hay cãi vã sẽ diễn ra nhanh hơn và người nghe cũng dễ dàng hiểu vấn đề hơn.
Tranh cãi là vấn đề “góc độ”, “quan điểm” chứ không phải vấn đề “đúng sai”
Nguyên nhân khiến vợ chồng cãi nhau thường là do nghĩ rằng sự việc chỉ có một đáp án duy nhất. Tâm lý của người tham gia vào cuộc tranh cãi chỉ là để khẳng định “Việc này nhất định là tôi đúng, anh sai”. Thế nhưng vấn đề là ở chỗ cả hai người đều nghĩ như vậy vì thế mà cãi nhau không dứt.
Trên thực tế không có bất cứ một đáp án cố định nào cho những vấn đề tranh cãi hay bất hoà trong gia đình bởi trong mỗi cuộc tranh cãi đều thuần tuý là vấn đề quan điểm chứ không phải vấn đề đúng sai. Những người biết cãi nhau là những người cố gắng lĩnh hội ý kiến thực sự của đối phương hoặc đi so sánh sự khác biệt về quan điểm của hai người. Ngược lại những người không biết cãi nhau sẽ lại cực lực tìm cách bác bỏ ý kiến của đối phương để chứng minh rằng mình đúng khiến cho đôi bên đều chịu thua thiệt.
Tuyệt đối tránh lôi “người thứ ba” vào cuộc
Mọi sự tranh cãi của các cặp vợ chồng trước hết đều nảy sinh từ bất đồng giữa những người trong cuộc. Vậy nên, đừng bao giờ vì nóng giận mà nói với nhau những mẫu câu như: “Lúc chúng ta mua nhà, bố mẹ anh không cho được một đồng”, “Đám bạn nhậu của anh chẳng làm được gì ngoài việc dựa dẫm tiền bạc”…. Những lời nói như thế vô tình biến người đàn ông trở thành kẻ bị động, thiếu chính kiến và dễ bị xúi giục. Một chuyên gia tâm lý học người Anh từng phân tích, việc lôi kéo người khác vào cuộc sẽ càng khiến trận khẩu chiến của hai vợ chồng thêm nghiêm trọng hơn. Nên giữ bí mật đối với bố mẹ.
Dũng cảm nhận sai trước
Cãi nhau là mâu thuẫn do bất đồng quan điểm vì thế những người chín chắn sẽ luôn tìm mọi cách để tránh cãi nhau. Phương pháp tốt nhất để không xảy ra những trận đấu khẩu chính là thừa nhận ý kiến của đối phương, cho rằng ý kiến của đối phương tốt hơn của mình. Để có thể làm được điều này bạn cần phải có đủ sự tự tin, phải là người chín chắn mới làm được, điều này rất đáng được mọi người học tập.
Nhượng bộ người bạn đời của mình không phải là một sự tổn thất mà là sự thu hoạch. Tuy nhiên nếu thấy đối phương nhượng bộ trước bạn cũng đừng bao giờ nói: “Đã biết là sai mà bây giờ mới chịu thừa nhận”, ngược lại bạn càng nên khích lệ và tôn trọng người bạn đời của mình, có như thế nếu lần sau còn xảy ra tranh cãi thì đối phương sẽ càng sẵn lòng nhượng bộ.