Loại thẻ tín dụng nào nên mở nhất?
Thẻ tín dụng thường có 2 ưu đãi chính là ưu đãi hoàn tiền khi mua sắm và trả góp lãi suất 0% miễn phí. Tuỳ vào nhu cầu chi tiêu của mỗi người thì mở loại thẻ tương ứng. Nên mở nhất là các loại thẻ được hoàn tiền (cashback) và nên mở loại hoàn tiền thẳng vào tài khoản hơn là loại tích điểm mua sắm. Vì đôi khi tích điểm xong lại phải quy đổi ra quà và có những thứ quà không cần thiết, không mang ý nghĩa tiết kiệm.
Trong số các ngân hàng hiện nay thì VPBank, Sacombank và VIB là những ngân hàng có các loại thẻ hoàn tiền đa dạng nhất và phù hợp với nhu cầu mua sắm đa dạng của tất cả mọi người. Các lĩnh vực thường được hoàn tiền là: Bảo hiểm, du lịch (vé máy bay), chi tiêu nước ngoài, mua sắm online, y tế, giáo dục, ẩm thực, siêu thị,..
Vì dùng thẻ tín dụng rất dễ lạm chi và mất khả năng thanh toán. Điều đó dẫn đến việc dẫn đến chủ thẻ phải dùng đến các dịch vụ chuyển đổi trả góp dư nợ của thẻ tín dụng, chi phí lãi vay phát sinh từ 0,8-1%/tháng tương đương 10-12,7%/năm, hay nếu không chuyển đổi kịp, trả nợ chậm thì lãi phát sinh có thể từ 28-42%/năm. Vì thế, nếu mới sử dụng, chỉ nên dùng 1 thẻ để thực hành thói quen và tạo kỷ luật trả nợ đúng hạn, khi đã biết cách kiểm soát thẻ và chi tiêu thì mới tính đến việc mở thêm để tận dụng thêm các chương trình ưu đãi hoàn tiền khác nhau của mỗi thẻ.
Hạn mức của mỗi thẻ không nên vượt quá 1 tháng chi tiêu. Tổng hạn mức tín dụng của tất cả các thẻ cũng không nên vượt quá số dư quỹ khẩn cấp của (quỹ khẩn cấp thường bằng 3-6 tháng chi tiêu). Việc này để đề phòng trường hợp có khoản nào chi tiêu lớn phát sinh thì mình cũng có sẵn tiền để trả nợ.
Ví dụ nếu tổng chi tiêu 1 tháng của mình là 20 triệu thì chỉ nên để hạn mức thẻ là 20 triệu thôi, có thể mở thêm 2 thẻ nữa để tổng hạn mức là 60 triệu trong trường hợp mình cũng có sẵn khoản quỹ khẩn cấp tối thiểu là 60 triệu để dự phòng.
Nên quẹt thẻ tín dụng trong trường hợp nào?
Theo bà Trần Thị Mai Hân - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại CTCP FIDT, ngay khi nhận được thu nhập, việc đầu tiên cần làm là trích ra khoản tiết kiệm. Sau đó, phần còn lại dành nên được phân loại thành chi tiêu thiết yếu và khoản chi nhu cầu.
Do đó, bạn có thể dùng thẻ tín dụng, miễn sao nhớ được thời hạn thanh toán (ngân hàng phát hành sẽ có email, tin nhắn nhắc nhở về việc này). Chưa kể, các chương trình ưu đãi của thẻ tập trung khá nhiều vào các khoản chi thiết yếu như đi siêu thị, đóng học phí, đóng bảo hiểm.
"Càng dễ dàng với chi tiêu thiết yếu bao nhiêu, chúng ta càng phải cẩn trọng bấy nhiêu khi dùng thẻ tín dụng để thanh toán cho các khoản chi hưởng thụ. Một số bí kíp để hạn chế các khoản chi này là định sẵn ngân sách tối đa không vượt quá 15% thu nhập, hoặc chờ đợi thêm một vài ngày để chắc chắn về sản phẩm, dịch vụ chọn mua và dùng tiền mặt thay vì dùng thẻ để hạn chế mua sắm chỉ vì tiện lợi.
Như vậy, nếu là một người quản lý chi tiêu tốt, biết phân bổ ngân sách hợp lý cho chi tiêu thiết yếu và chi tiêu nhu cầu, người dân hoàn toàn có thể tận dụng những lợi thế do thẻ tín dụng mang lại và hạn chế những điểm bất cập của việc dùng thẻ. Để tạo thành thói quen chi tiêu và trả nợ đúng hạn, nên bắt đầu với một thẻ, hạn mức có thể từ 1 - 2 lần thu nhập theo tháng của mình.
Về việc lựa chọn loại thẻ nào, khách hàng nên xem khoản chi nào chiếm tỉ trọng lớn trong ngân sách để lựa chọn thẻ có ưu đãi đối với lĩnh vực đó" - bà Hân lưu ý.