Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỡ lợn có giá trị dinh dưỡng cao. Mỡ lợn có chức năng bồi bổ ngũ tạng, bổ tỳ vị, dưỡng âm, dưỡng phổi,…
Ăn một lượng nhỏ vừa phải mỡ lợn trong bữa ăn hàng ngày sẽ không gây hại cho sức khỏe..., nên nếu muốn ăn mỡ lợn, bạn có thể tự rán tại nhà.
Tuy nhiên, nhiều người lại phàn nàn, mình đã rán mỡ lợn rất cẩn thận nhưng mỡ không trắng, thỉnh thoảng lại có mùi hôi.
Đầu bếp đã mách, đó là do người rán mỡ lợn chưa cho đầy đủ nguyên liệu và gia vị vào. Rán mỡ lợn không chỉ đơn thuần thái mỡ rồi cho vào chảo là rán, cách làm cụ thể như dưới đây:
Chuẩn bị rán mỡ lợn
- 2 cân mỡ lợn, 3 gam muối, 3 gam hành khô, 3 gam hạt tiêu, 1 bát nước
Cách rán mỡ lợn
Bước đầu tiên, lọc sạch bì lợn rồi đem rửa sạch với nước ấm vì mỡ lợn rất nhờn, nếu rửa bằng nước lạnh sẽ khó làm sạch chất bẩn trên bề mặt mỡ lợn.
Mỡ lợn sau khi làm sạch, bạn rửa lại một lần nữa bằng nước lạnh rồi để ráo nước để sử dụng cho lần sau.
Tiếp theo, thái mỡ lợn thành từng miếng nhỏ. Nếu thái miếng to thì nhanh nhưng lúc rán lại lâu.
Cho mỡ lợn vào nồi, sau đó thêm 1 bát ăn cơm nước vào.
Bạn đừng lo việc cho nước vào sẽ gây bắn mỡ khi rán nhé, vì nước cho ngay từ đầu nên sẽ không bắn. Nước cũng sẽ hay hơi hết trong khi rán. Chính việc cho nước ngay từ đầu này sẽ khiến mỡ vừa trắng, thơm hơn lại không bắn mỡ ra trong quá trình rán.
Hơn nữa, nếu không cho nước, mỡ dễ cháy hơn. Thực ra bạn cũng có thể cho mỡ vào rán luôn không cần đến nước nhưng cách này bạn cần đảo mỡ để không bị cháy. Do đó, cho nước vào mỡ vẫn là biện pháp tối ưu.
Khi bắt đầu bật bếp rán mỡ lợn, bạn đun sôi nước trong nồi với lửa lớn cho bay hơi, đợi mỡ tiết ra thì chuyển sang lửa nhỏ và tiếp tục đun từ từ, lưu ý không đậy vung nồi trong quá trình này.
Sau khi thấy tóp mỡ lợn trong nồi chuyển sang màu vàng vàng thì cho ít hạt tiêu, vài lát hành khô, đảo khoảng 1 phút. Khi tóp mỡ quắt hẳn lại (nhưng không để cháy), thì vớt bỏ tiêu và hành khô ra rồi tắt bếp.
Lọc mỡ lợn qua rây một hoặc hai lần để hết tóp mỡ và lợn cợn của tóp mỡ để lại, sau đó cho một chút muối vào khuấy đều để mỡ lợn có vị ngon, bảo quản được lâu hơn.
Cuối cùng, sau khi mỡ lợn trong nồi nguội hẳn, bạn cho vào hũ thủy tinh đậy kín nắp, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Mỡ lợn sau khi để lạnh sẽ cô đặc lại tự nhiên thành mỡ lợn sệt, màu trắng như ngọc, để lâu không hỏng. Phần tóp mỡ còn lại có thể đem nấu bún riêu, cá om dưa hay rắc muối ớt vào thành món ăn vặt.
Như vậy, khi rán mỡ lợn, ngoài việc cho nước và muối, bạn nhớ cho thêm ít hành và hạt tiêu để mỡ luôn trắng như ngọc và thơm nức nhé!