Rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chip: Bị mất thẻ thì tiền trong tài khoản có mất không?

( PHUNUTODAY ) - Tính bảo mật thông tin khi dùng thẻ căn cước công dân gắn chip để giao dịch là băn khoăn của người dân.

Độ bảo mật khi rút tiền bằng CCCD

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc C06 cho biết: Những ngày qua, nhiều người dân có tài khoản tại 2 ngân hàng đã sử dụng căn cước công dân để rút tiền mặt thay vì dùng thẻ ATM truyền thống.

Theo trung tá Vĩnh, người dân sử dụng thẻ ATM truyền thống để rút tiền phải trải qua 10 bước. Thẻ ATM sử dụng nhiều phương thức bảo mật, trong đó chủ tài khoản phải sử dụng mật khẩu do ngân hàng cấp để giao dịch tiền mặt.

Dùng căn cước công dân gắn chip để rút tiền cũng trải qua các bước như sử dụng thẻ ATM. Tuy nhiên, chủ tài khoản sẽ xác thực thêm khuôn mặt, vân tay. Như vậy, mức độ bảo mật tăng lên nhiều lần.

rut-tien-bang-CCCD

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh phân tích, khách hàng khi bị mất thẻ ATM thường đối diện nguy cơ cao bị đánh cắp tiền trong ngân hàng do lộ, lọt mật khẩu. Khi đánh cắp được thẻ, kẻ gian còn hoàn toàn có thể lấy được tiền nếu nhập đúng mật khẩu.

Tuy nhiên, với việc sử dụng căn cước gắn chip để rút tiền từ ngân hàng, nếu ai đó đánh cắp được căn cước công dân của người dân cũng không thể sử dụng khi rút tiền. Thậm chí, khi thiết bị phát hiện dữ liệu sai sẽ hủy giao dịch.

"Thông tin trên chip phải được đối sánh, đảm bảo trùng khớp thông tin của chủ thẻ trong dữ liệu quốc gia về dân cư", trung tá Vĩnh nói.

Ngoài ra, người sử dụng căn cước công dân gắn chip phải trùng khớp khuôn mặt, vân tay với chủ tài khoản thì mới lấy được tiền.

Riêng trong giao dịch ngân hàng, thiết bị đọc chip căn cước công dân không lưu giữ thông tin của công dân. Như vậy, việc rút tiền sẽ đảm bảo tính bảo mật, bảo vệ dữ liệu cá nhân, không bị thất thoát.

"Dữ liệu của mình là do người dân quyết định, người dân có quyền cho phép hoặc từ chối khi ngân hàng sử dụng thông tin căn cước công dân để giao dịch hay không", ông Vĩnh nói và khẳng định điều này giúp tránh nguy cơ lộ lọt dữ liệu hoặc bị bên thứ 3 kiểm soát, theo dõi thông tin cá nhân.

Trung tá Vĩnh cũng chia sẻ, người dân có thể dùng thẻ căn cước công dân gắn chip để rút tiền ở bất cứ ngân hàng nào, nếu họ đăng ký mở tài khoản bằng căn cước công dân gắn chip ở ngân hàng đó.

Còn trường hợp công dân chỉ đăng ký căn cước công dân để mở tài khoản tại ngân hàng A mà muốn đến ngân hàng B để rút tiền thì không thể thực hiện giao dịch.

Về quy trình giao dịch, trung tá Vĩnh cho hay, người dân rút tiền bằng căn cước công dân phải đặt mặt sau của thẻ (nơi tích hợp chip bảo mật) lên "mắt đọc" tại cây ATM. Sau đó, thiết bị này thu thập ảnh chân dung, vân tay của công dân rồi đối sánh dữ liệu sinh trắc đã lưu trên chip.

Cuối cùng, nếu 2 trường dữ liệu trùng khớp thì người dân thực hiện các thao tác như sử dụng thẻ ATM truyền thống để rút tiền.

Những địa điểm rút tiền bằng CCCD gắn chíp

Hiện nay, việc rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chip chỉ mới được thí điểm áp dụng tại một số ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank...

Với Vietcombank, đến nay ngân hàng mới thí điểm giao dịch bằng các ứng dụng CCCD gắn chip tại 2 địa điểm: 16 - 198 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội và 72 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

rut-tien-bang-CCCD0

Riêng tại BIDV, khách hàng có thể dùng CCCD gắn chip để nộp tiền, rút tiền và chuyển khoản tại một số ATM đa năng (CRM) và quầy tự phục vụ Ezone thí điểm của BIDV từ ngày 9/5. Các địa điểm thí điểm đều tại Hà Nội là: 194 Trần Quang Khải (CRM), Tòa nhà Golden Palm – số 21 Lê Văn Lương (CRM + Ezone), 263 Cầu Giấy (Ezone), 197 Quang Trung, Hà Đông (Ezone), 46 đường Cao Lỗ, thị trấn Đông Anh (Ezone), Lô số A12-LK1, ô số 01 và 02, Khu A, Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn – GELEXIMCO (Ezone), 137A Nguyễn Văn Cừ, Long Biên (Ezone).

Còn tại Vietinbank, ngân hàng này mới chỉ thí điểm tại 1 điểm là Phòng giao dịch 108 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo:  xevathethao.vn copy link