Sang tháng 12: Trường hợp nào không được hưởng BHYT dù đi đúng tuyến, ai cũng cần biết rõ

( PHUNUTODAY ) - Những trường hợp nào dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT, hãy cùng tìm hiểu.

Bảo hiểm y tế là gì?

Bảo hiểm y tế là loại bảo hiểm thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng do cơ quan nhà nước ban hành nhằm phục vụ bảo vệ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, không vì mục đích lợi nhuận.

Người dân khi tham gia bảo hiểm y tế sẽ được chi trả hộ một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh nhằm hỗ trợ người tham gia giảm thiểu các chi phí chăm sóc sức khỏe hay các chi phí liên quan đến việc điều trị, phục hồi sức khoẻ,... trong những trường hợp như tai nạn, bệnh tật,...

bhyt3

12 trường hợp không được hưởng BHYT dù khám đúng tuyến

Khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), người dân sẽ được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh ở mức cao. Tuy nhiên, có 12 trường hợp không được hưởng BHYT dù đi khám chữa bệnh đúng tuyến.

Cụ thể, căn cứ quy định tại Điều 23, Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi bổ sung tại Khoản 16, Điều 1, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014), các trường hợp không được hưởng BHYT dù đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến gồm:

1, Chi phí khám chữa bệnh (trong trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 21, Luật bảo hiểm y tế 2008, được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 14, Điều 1, Luật bảo hiểm y tế 2014) đã được ngân sách nhà nước chi trả.

2, Trường hợp điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng.

3, Đi khám sức khỏe.

4, Khi thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.

5, Khi sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai. Lưu ý, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ.

6, Người bệnh sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.

7, Bệnh nhân điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt. Lưu ý, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi.

8, Bệnh nhân sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.

9, Bệnh nhân khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa.

10, Bệnh nhân khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác.

11, Thực hiện giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

12, Bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng hoặc nghiên cứu khoa học.

Người dân khi đi khám chữa bệnh trong các trường hợp trên sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế, điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân phải chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.

Người dân cần chuẩn bị và tham khảo chi phí để chủ động đi khám chữa, điều trị bệnh khi không nằm trong trường hợp khám chữa bệnh hưởng BHYT, không được BHYT thanh toán.

bhyt1

Một số điểm mới trong chính sách BHYT tháng 12/2023

Theo khoản 6 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP, người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh hoặc căn cước công dân. Trong khi đó, khoản 1 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP yêu cầu khi đi khám, chữa bệnh, người bệnh phải xuất trình được thẻ bảo hiểm y tế.

Trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh, ngoài việc phải xuất trình một trong các giấy tờ như giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp; giấy xác nhận của Công an cấp xã; giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác, Nghị định 75/2023/NĐ-CP còn cho phép người bệnh xuất trình giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2.

Như vậy, nếu giấy tờ đã được tích hợp trên VNeID, người bệnh hoàn toàn có thể sử dụng hình ảnh giấy tờ trên đó để làm thủ tục khám, chữa bệnh hưởng BHYT.

Vậy, người dân khi đi khám BHYT từ 03/12/2023 có thể sử dụng các loại giấy tờ như:

- Thẻ BHYT giấy.

- Thẻ CCCD gắn chíp thay thẻ BHYT giấy.

- Ứng dụng VssID thay thẻ BHYT giấy.

- Ứng dụng VNeID thay thẻ BHYT giấy.

Để dùng ứng dụng định danh điện tử VNeID đi khám bệnh thay cho thẻ BHYT bằng giấy, trước tiên phải tích hợp thông tin thẻ BHYT vào ứng dụng VNeID.

Để được tích hợp thông tin BHYT trên ứng dụng này, công dân cần phải đăng ký đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tại cơ quan Công an nơi thực hiện thủ tục cấp Căn cước công dân.

Sau khi đăng ký được tài khoản định danh mức 2, để tích hợp thẻ BHYT cần thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VNeID.

Bước 2: Chọn “Ví giấy tờ”. Rồi bấm chọn “Tích hợp thông tin”.

Bước 3: Chọn “Tạo mới yêu cầu”.

Bước 4: Bấm vào dấu mũi tên và chọn “Thẻ BHYT”.

Bước 5. Nhập số thẻ BHYT và nhấn chọn “Gửi yêu cầu”.

Sau đó, kiểm tra lại yêu cầu bằng cách vào “Ví giấy tờ”, bấm chọn “Thẻ BHYT”.

Sau khi bước tích hợp được thực hiện thành công, công dân có thể sử dụng thông tin thẻ BHYT trên ứng dụng định danh điện tử VNeID để thay cho thẻ BHYT giấy để làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link