Sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump sẽ làm gì để giúp nước Mỹ "vĩ đại trở lại" như đã hứa hẹn?

( PHUNUTODAY ) - Ông Trump sẽ phân bổ nhân sự cho chính quyền mới và tập trung vào vấn đề nhập cư, y tế và thương mại tự do trong những ngày đầu dẫn dắt nước Mỹ.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc với chiến thắng thuyết phục của ứng cử viên Đảng Cộng hòa John Donald Trump. Vị tỷ phú bất động sản 70 tuổi này đã trở thành Tổng thống đời thứ 45 của đất nước cờ hoa.

Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 8/11, Donald Trump trở thành tổng thống đắc cử của Mỹ, tuy nhiên, ông phải chờ đợi 10 tuần mới chính thức vào Nhà Trắng với tư cách tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

bau-cu-tong-thong-my-1-phunutoday.vn

 Tân tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:Telegraph.

Sau chiến thắng, ông sẽ bắt đầu công tác chuẩn bị làm tổng thống Mỹ, bao gồm việc hoàn thiện chương trình nghị sự trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ. Ông sẽ nghe nhiều báo cáo chính sách và lựa chọn các thành viên chủ chốt của chính quyền sắp tới.

Ông sẽ chỉ định chánh văn phòng Nhà Trắng, lựa chọn đội ngũ an ninh quốc gia và xây dựng nội các - bao gồm bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, tài chính cũng như tư pháp.

Các đề cử nội các sau đó được xác nhận bởi thượng viện Mỹ và họ tuyên thệ nhậm chức sau lễ nhậm chức của tân tổng thống.

bau-cu-tong-thong-my-2-phunutoday.vn

Bà Hillary Clinton đã có bài phát biểu thừa nhận thất bại. 

Dưới đây là 5 hướng thay đổi dưới thời một tổng thống Trump.

1. Thương mại tự do

Nếu ông Donald Trump theo đuổi những chính sách thương mại của mình, động thái này sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn nhất trong cách Mỹ "làm ăn" với phần còn lại của thế giới trong nhiều thập kỷ.

Trump đã đe dọa sẽ bỏ một số hiệp định thương mại tự do hiện có, bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ giữa Mỹ, Canada và Mexico mà ông cho là đã cướp mất việc làm của người Mỹ, khi chuyển hàng triệu công việc ra nước ngoài. Ông Trump thậm chí đòi rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới.

Ông cũng muốn thay đổi mức thuế nhập khẩu, và từng tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế 45% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc và 35% đối với hàng hóa có nguồn gốc từ Mexico. Đây là một trong những nỗ lực của ông để ngăn chặn các công ty trong nước chuyển việc làm về phía nam biên giới.

2. Biến đổi khí hậu

Tỷ phú Trump từng đe dọa rằng, ông sẽ "hủy bỏ" thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris được hơn 195 quốc gia đồng thuận, đặt bút ký năm 2015.

Đặc biệt, Trump còn từng tuyên bố sẽ ngừng tất cả các khoản thanh toán của Mỹ cho các chương trình biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên Hợp Quốc.

Mặc dù không có quốc gia riêng lẻ có thể hủy bỏ thỏa thuận Paris nhưng nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, hoặc tổng thống mới được bầu Donald Trump "vô hiệu hóa" các chính sách trong nước đã đượcTổng thống Barack Obama phê duyệt, đó sẽ là "một cú sốc lớn" đối với thỏa thuận Paris.

Phản đối thỏa thuận Paris, ông Trump ủng hộ việc tăng cường khai thác nhiên liệu hóa thạch, bãi bỏ bớt các quy định và ủng hộ dự án đường ống dẫn dầu Keystone từ Canada.

3. Khóa chặt biên giới

Ông Trump đã bắt đầu chiến dịch tranh cử bằng lời hứa sẽ xây dựng một bức tường trên biên giới Mỹvà Mexico đồng thời trục xuất 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ.

Ông thậm chí còn từng tuyên bố có "hàng triệu" tội phạm đang sống ở Mỹ, và tuyên bố những công dân nhập cư không có giấy tờ sẽ bị trục xuất.

Ông nhấn mạnh rằng, Mexico sẽ trả tiền cho bức tường chắn biên giới với Mỹ và thông báo sẽ ngăn chặn mọi người Hồi giáo vào Mỹ. Tuy nhiên, sau này ông Trump đính chính rằng đây chỉ là một đề xuất chứ không phải là một chính sách. Thay vào đó, ông tuyên bố sẽ "rà soát nghiêm ngặt" các công dân đến từ một số quốc gia, nhưng không nói rõ nước nào.

4. NATO

Ông Trump từng chỉ trích NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) là lỗi thời và các thành viên của tổ chức này đang hưởng lợi từ Mỹ.

Ông nhấn mạnh, Mỹ không còn đủ khả năng để bảo vệ các quốc gia ở Châu Âu và thậm chí ở châu Á mà không được đền bù thỏa đáng. Theo đó, ông đe dọa sẽ rút quân đội Mỹ đồn trú tại các nước đồng minh, trừ khi họ trả chi phí thỏa đáng.

Nhiều người đặt câu hỏi liệu Trump có thực sự dám rút Mỹ khỏi một liên minh quân sự đã được xem là nền tảng của chính sách đối ngoại của Mỹ trong hơn 60 năm qua.

5. Nga

Ông Trump cho biết ông tin rằng ông có thể xoa dịu căng thẳng với Tổng thống Vladimir Putin, và ca ngợi nhà lãnh đạo Nga là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và muốn thiết lập mối quan hệ tốt với Điện Kremlin.

Ông nhấn mạnh việc này sẽ có lợi cho cuộc chiến chung chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Ngày 9/11, trong bài phát biểu đầu tiên với những người ủng hộ sau khi thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng, bà Clinton đã đề nghị làm việc với tỷ phú địa ốc Trump vì lợi ích của nước Mỹ, đồng thời bày tỏ hy vọng ông Trump sẽ là một Tổng thống thành công, hành động vì lợi ích của tất cả người dân Mỹ. Bà kêu gọi người dân Mỹ "mở lòng" và để cho ông Trump có cơ hội lãnh đạo đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc này.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh người dân Mỹ nên chấp nhận kết quả bầu cử, đoàn kết và hướng tới tương lai. Bà gửi lời cám ơn và động viên tới những người ủng hộ, đặc biệt là những cử tri trẻ, mong họ thành công và không từ bỏ những điều họ mơ ước trong sự nghiệp.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn