Sau lễ cúng ông Công ông Táo, lau dọn bàn thờ để không bị “tán lộc, động tài”!

11:13, Thứ sáu 20/01/2017

( PHUNUTODAY ) - Sau lễ cúng ông Công ông Táo, cách lau dọn bàn thờ để gia đình không bị “tán lộc, động tài” cần lưu ý.

Lau dọn ban thờ vào thời điểm nào chuẩn nhất

Nhiều người thường quan niệm, chỉ được dọn ban thờ và tỉa chân nhang sau ngày 23 tháng Chạp khi mà các ông Công ông Táo đã về trời. Tuy nhiên, thực tế thì việc dọn dẹp ban thờ là cách bày tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên (cũng giống như chúng ta được ở trong một ngôi nhà khang trang sạch sẽ), vì vậy công việc này cần phải được làm thường xuyên, chứ không phải đến ngày 23 mới tiến hành dọn dẹp.

Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương: "Với kinh nghiệm nhiều năm, tôi cho rằng, nếu trong năm chân hương quá um tùm chúng ta hoàn toàn có thể chọn những ngày cát lành trong năm để tỉa bớt, điều này giúp tránh hỏa hoạn khi thắp hương. Hơn nữa, chỉnh trang lại bát nhang đẹp đẽ để tỏ lòng thành với tiên tổ cũng là điều nên làm. Trong trường hợp không quá nhiều chân hương thì có thể làm vào dịp cuối năm theo lệ cũ phép xưa."

rut-chan-nhang phunutoday

 Sau lễ cúng ông Công ông Táo mọi gia đình hay làm lễ rút chân nhang trên bàn thờ gia tiên

Người thay tro bát hương không nhất thiết phải là người cao minh

Trước đây có một quan niệm khá rườm rà là người thay tro bát hương phải là người cao minh ví dụ như thầy cúng. Tuy nhiên, thực tế là ai trong gia đình cũng có thể làm việc này, miễn là người thành tâm, tay chân sạch sẽ. Nếu là gia chủ làm sẽ tốt nhất.

Ngoài ra, việc thuê thầy cúng về thay tro bát hương cũng có thể xảy ra một số rủi ro như đặt bùa hay hạt nhựa vào bát hương, làm mất tính linh thiêng của cả bàn thờ.

Tỉa chân hương

Chúng ta cần phải phân biệt hai khái niệm là thay bát hương và tỉa chân hương. Để chuẩn bị cho lễ ông Táo về trời, ta chỉ tiến hành tỉa bớt chân hương đã qúa um tùm trên bát hương mà không làm xê dịch hay xoay chuyển vị trí của bát hương. Việc tỉa chân hương vào thời điểm này nên tiến hành cả ở ban thờ tổ tiên lẫn ban thờ ông Công ông Táo.

Đầu tiên nếu cẩn thận, gia chủ có thể vái xin thần linh và tổ tiên về việc tỉa chân hương. Sau đó từ từ rút từng cây hương một ra và đặt vào một chỗ sạch sẽ. Tiếp đến, dùng một miếng vải sạch lau chùi bát hương. Cuối cùng chọn 5 cây hương có tàn đẹp cắm lại vào trong bát. Ngoài ra cũng cần lưu ý:

Với bát hương bằng đồng, ta không dùng nước để lau chùi vì sẽ tạo ra gỉ xanh. Bát hương bằng sứ cần làm sạch một cách cẩn thận để tránh bị nứt vỡ. Khi lau phải dùng một tay giữ chặt bát hương để làm nó không bị xê dịch.

3 và 5 là số lẻ biểu trưng cho tính Dương mà Dương thờ Âm là hợp lí, tạo thế hài hòa. Hơn nữa, số 5 là biểu trưng cho sinh trong vòng tuần hoàn: sinh – lão – bệnh – tử - sinh.

Thay tro bát hương không nên đổ hết ra cùng một lúc

Nếu đổ tro ra liền một mạch sẽ tiêu tán tài lộc. Người làm lễ thay, dọn bát hương nên dùng thìa múc từng chút một ra, khi cho tro mới vào thì đổ liền. Như vậy mang ý nghĩa “ra nhỏ vào lớn”, tốt cho đường tiền tài của gia đình trong năm tiếp theo.

Tro bát hương cũ và tro đốt chân hương nên được thả ra hồ hoặc sông cho mát mẻ, thanh thoát.

Trước khi đổ tro mới vào, bạn nên đốt 7 tờ tiền vàng với bát hương thờ Phật hoặc 3 tờ tiền vàng với bát hương thờ tổ tiên rồi hơ quanh, đợi cháy đến một nửa thì thả vào bát hương. Tiền vàng cháy hết thì bạn đổ tro mới vào.

Tro mới phải là tro rơm nếp

Bát hương Việt xưa nay các cụ dùng rơm mới đốt thành tro để bốc bát hương. Cuối năm vào vụ thu hoạch thóc nếp nên có rơm nếp thơm hơn rơm tẻ nên các cụ hay dùng tro đó bốc bát hương.

Còn bây giờ đa số dùng tro được coi như tro “công nghiệp” đốt và đóng gói sẵn bán ở các chợ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn vẫn có thể mua tro rơm nếp ở ngoài hàng.

*Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link