Siêu dự án ì ạch – Hàng trăm tỷ đồng... 'trôi theo dòng nước'

06:13, Thứ hai 26/08/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Được ví von là siêu dự án, bởi nó đang ngốn hàng tỷ đồng của nhà nước mỗi ngày vì... chậm tiến độ. Thực tế buồn là Hà Nội đang giữ “quán quân” về danh sách các siêu dự án này...

Bài 1: “Đột qụy” với chi phí phát sinh ngất ngưởng

Do không có mặt bằng thi công, nhiều chủ đầu tư các dự án giao thông vận tải (GTVT) trọng điểm trên địa bàn Hà Nội phải móc “hầu bao” chi thêm hàng trăm tỷ đồng, đồng thời gánh thêm những chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện dự án...

Cả trăm tỉ đồng “đội nón ra đi”

Câu chuyện bắt đầu được thổi bùng khi Bộ GTVT có thông tin Dự án cầu Nhật Tân phải chi thêm khoảng 155 tỷ đồng tiền chi phí bổ sung dự án cho nhà thầu, do việc phát sinh chi phí kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng do chậm trễ bàn giao mặt bằng. Như vậy, cây cầu có tổng mức đầu tư phê duyệt hơn 7.500 tỷ đồng, được điều chỉnh thành 13.626 tỷ đồng (vốn vay JICA và đối ứng Việt Nam) sẽ phải cộng thêm khoảng 155 tỷ đồng tiền phát sinh do chậm tiến độ.

Được khởi công từ tháng 4/2009 và dự kiến kết thúc vào tháng 10/2014, nhưng xem ra, kế hoạch cắt băng khánh thành của cây cầu được ví là lớn nhất Việt Nam bắc qua sông Hồng sẽ không được như mong đợi. Nguyên nhân được cho là công tác bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công hết sức ì ạch, nếu không muốn nói là dừng chân tại chỗ. 

Không có mặt bằng thi công, nhà thầu vẫn phải duy trì lao động và máy móc. Vì vậy, khoản tiền lương và chi phí khấu hao máy móc vẫn được nhà thầu tính theo đúng hợp đồng đã ký kết. “Bút sa gà chết” nên khi dự án không thực hiện đúng tiến độ, Bộ GTVT không thê chối bỏ trách nhiệm, phải tìm cách thương thảo.

Mới đây nhất, sau nhiều lần họp bàn, Bộ GTVT đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, cho phép bộ này trong thời gian trước mắt được sử dụng vốn dư (vốn vay ODA của Nhật Bản) tại hợp đồng số 3 xây dựng đường dẫn phía bắc Dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu để thanh toán cho nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) với khoản chi phí bổ sung trị giá 155,9 tỉ đồng do kéo dài thời gian thực hiện gói thầu này (kéo dài thêm 27 tháng). Nguồn hoàn trả khoản tạm ứng này sẽ lấy từ ngân sách TP. Hà Nội năm 2014.

Được biết, theo quy hoạch tổng thể, Dự án cầu Nhật Tân là một trong 7 cầu bắc qua sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội. Với thiết kế dây văng, cầu bắt đầu tại phường Phú Thượng (Quận Tây Hồ) đến điểm cuối giao với quốc lộ 3 (huyện Đông Anh). Cầu được thiết kế vĩnh cửu với kết cấu bêtông cốt thép dự ứng lực, thép và dây văng. Chiều dài toàn tuyến là 8,4km, trong đó cầu dài 3,9km, đường dẫn 4,5km, chiều rộng đảm bảo cho 8 làn xe, trong đó 6 làn xe cơ giới.

Hơn 155 tỷ đồng mất không ở cầu Nhật Tân đang cần một câu trả lời về trách nhiệm.
Cầu Nhật Tân phải cộng thêm khoảng 155 tỷ đồng tiền phát sinh do chậm tiến độ.

Không chỉ riêng dự án trên, Dự án Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên dài hơn 60km đang bị cắt làm hai phần tại vị trí thi công cầu Phù Lôi, thuộc địa phận huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Đoạn tuyến 30km trên địa phận Thái Nguyên đã được thông xe kỹ thuật vào trung tuần tháng 7 vừa qua, phương tiện đã có thể di chuyển khá êm thuận, ngược lại, hơn 30km qua Hà Nội lại vướng khá nhiều nút thắt mặt bằng, trong đó, cầu Phù Lôi là một trong những điểm nghẽn lớn nhất. 

Tại công trường thi công cầu Phù Lôi, máy móc, phương tiện đã bị đình trệ từ nhiều tháng nay do mặt bằng thuộc chính tuyến đang bị chắn ngang bởi nhà cửa, đất thổ cư của hơn các hộ dân. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (PMU 2-Bộ GTVT) vẫn còn thấy mình may mắn so với “ông bạn đồng hành” trong Dự án cầu Nhật Tân. Mặc dù vẫn tự an ủi mình về công tác GPMB của dự án đã được chú ý, nhưng ông Long không khỏi ko ngại về những phát sinh tài chính khi tiến độ thi công bị đình trệ, kéo dài. Theo ông Long, nếu tiếp tục bị  giậm chân tại chỗ, con số tiêu hao sẽ không nằm ngoài tiền tỷ hoặc gấp nhiều và nhiều chục lần.

Chủ đầu tư... cầu cứu! 

Lo sợ số tiền gần 7.000 tỷ đồng (vốn ODA của JICA và vốn đối ứng Việt Nam) sẽ phát sinh ngoài mong đợi, mới đây, Ban quản lý dự án 85 (PMU 85-Bộ GTVT) tức tốc có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất tháo gỡ vướng mắc mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu thuộc Dự án xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân (Hà Nội). Theo đánh giá của PMU 85, nếu không có giải pháp để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, rất có thể “vết xe đổ” trong Dự án cầu Nhật Tân sẽ được lặp lại ở dự án này.

PMU 85 cho biết, thời gian ký trong hợp đồng của dự án là đến cuối tháng 9/2014, điều đó có nghĩa, đơn vị chỉ còn 15 tháng để thi công hạng mục cầu vượt QL2, trong khi hạng mục này cũng cần tối thiểu đến 17 tháng nữa mới hoàn thành. Ngoài ra còn nhiều gói thầu khác của dự án cũng có nguy cơ chậm trễ vì sự chtrậm trễ trong công tác GPMB của cấp chính quyền sở tại. 

Trong một báo cáo mới đây nhất của Bộ GTVT, một lần nữa Bộ này phải lên tiếng về Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang ở mức độ... “rùa bò”. Mặc dù ngốn gần 20.000 tỷ đồng (vốn ODA, do VEC vay ADB và vốn đối ứng do VEC phát hành trái phiếu), khởi công đầu năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2013. Nhưng hiện tại, tiến độ giải ngân và sản lượng xây lắp chỉ đạt khoảng 50%, nguyên nhân chính vẫn là chuyện muôn thủa về công tác GPMB. Việc chậm trễ này phát sinh nhiều chi phí khiến Bộ GTVT phải đàm phán với ADB, để hỗ trợ chính sách nhằm tháo gỡ các vướng mắc về vật liệu và phương thức thanh toán khi điều chỉnh trượt giá.

Con đường huyết mạch nối Hà Nội  Lào Cai vẫn... “tắc”.
Con đường huyết mạch nối Hà Nội - Lào Cai vẫn... “tắc”.

Ngoài những trường hợp trên, còn phải điểm mặt các siêu dự án như: Dự án xây dựng nhà ga T2 (Nội bài); Dự án đường cao tốc Láng Hòa Lạc; 2 tuyến đường sắt nội đô (Tuyến số 1 đoạn Ngọc Hồi  Yên Viên và Tuyến số 2 đoạn Cát Linh  Hà Đông); Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... Đây là những dự án có mức đầu tư lên đến nhiều nghìn tỷ đồng, nhưng đều đang vướng chung một “thủ phạm” chính là GPMB. 

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, một đại diện Chủ đầu tư (xin giấu danh tính - PV) bộc bạch: Quy định hiện nay mặt bằng do địa phương chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nhà thầu chỉ ký hợp đồng với Chủ đầu tư. Chính vì vậy, khi chậm GPMB, nhà thầu chỉ biết làm việc với Chủ đầu tư, chứ không quan tâm đến lý do vì sao dự án bị đình trệ. Do đó, các Chủ đầu tư phải ngồi lại với TP. Hà Nội nhằm tìm hướng tháo gỡ vướng mắc, không để lặp lại tình trạng này ở các dự án khác, vì dù là lỗi của ai cũng đều là tiền ngân sách.

Vị này cũng cho biết, chậm trễ trong việc đền bù GPMB là một vấn đề cần được quan tâm rốt ráo và cần tháo gỡ khẩn trương.

Đón đọc kỳ II: Tiền “đắp chiếu”  chờ mặt bằng

Theo đánh giá mới nhất của Bộ KH&ĐT, trong chiến lược Phát triển KT-XH 2011-2020, Chính phủ Việt Nam đã huy động được nguồn lực đáng kể từ vốn ODA đầu tư cho ngành giao thông. Tổng số vốn ODA đang triển khai vào khoảng 13,733 tỷ USD, trong đó, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quản lý số vốn khoảng 10, 689 tỷ USD. Nguồn vốn ODA huy động cho ngành giao thông chiếm tỷ lệ 38,5% trong tổng số vốn ODA và đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Song tỷ lệ giải ngân tại các dự án giao thông sử dụng vốn ODA rất thấp, dẫn đến chi phí đầu tư tăng, hiệu quả và tính chất ưu đãi của nguồn vốn ODA giảm, cũng như tạo dư luận không thuận với các nhà tài trợ.

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc