Sự trả thù tàn độc đến khó tin của bà thông gia 80 tuổi

07:29, Thứ năm 24/03/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunudoisong) - Thương con gái thường bị nhà chồng ghẻ lạnh, đánh đập, cộng với việc bị thông gia chửi rủa đến ăn bám con rể, bà cụ tuổi đã gần đất xa trời nghĩ cạn, bỏ thuốc chuột vào nồi cơm nguội trả thù cho bõ tức.



Nỗi lòng thương con của người mẹ


Buổi chiều mưa ở trại Phú Sơn 4 Thái Nguyên, một cụ bà được một phạm nhân trẻ dắt đi, lẫm chẫm từng bước như đứa trẻ. Nước mưa làm ướt mái tóc tém bạc trắng của nữ phạm nhân ở tuổi xưa nay hiếm này. Trước đó, phóng viên đã được giám thị cho biết, bà là Nguyễn Thị Đường, ở xã Văn Yên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Bà Đường nay đã bước sang tuổi 80, tuổi cao nhất nhì phân trại 2, trại giam Phú Sơn này.

Phải mất một lúc lâu, bà Đường mới vào tới Hội trường của phân trại 2. Chiếc áo phạm nhân dường như quá rộng so với dáng người nhỏ bé, gày gò của bà Đường. Ngồi đối diện với tôi trên chiếc ghế băng dài, bà lập cập vì người dính mưa. Gương mặt nhăn nhúm, mắt mờ đục, vì tuổi già, bà Đường đã vào trại được 10 năm có lẻ. Bà bị kết án chung thân vì tội giết người, ở khoản giết nhiều người.

Đặt mình xuống chiếc ghế, bà Đường nheo mắt, gắng nhìn xem người đối diện với mình có phải là con cháu lên thăm hay không. Khi biết tôi là phóng viên, đôi mắt mờ đục của bà ngấn nước bởi lâu lắm rồi chưa có ai tới thăm bà. Đến giờ này, nước mắt bà đã gần cạn hết, sức cũng đã tàn, khiến người phạm nhân già nua phải khó nhọc và nhiều thời gian để kể về cuộc đời mình. Những câu kể ngắt quãng, chậm chạp được bà Đường chia sẻ với phóng viên. Bà bảo, chỉ vì thương con gái lận đận về đường chồng con mà giờ cuộc đời còn lại của bà phải trả giá trong trại giam.

Như nhiều những cô gái khác ở một thôn nghèo thuộc xã Văn Yên, tuổi 17 bà Đường được bố mẹ gả cho người thanh niên cùng thôn. Trong những năm chung sống với nhau, hai người sinh được 7 người con, đủ đầy cả nếp lẫn tẻ. Cuộc sống nghèo khó, vất vả làm người chồng kiệt quệ, lâm bệnh rồi mất sớm. Một tay người phụ nữ nhỏ bé Nguyễn Thị Đường gồng gánh đồng áng nuôi các con khôn lớn. May mắn cho người mẹ tần tảo, những người con lớn lên bằng củ sắn, bắp ngô và không đứa nào bập vào nghiện ngập.

Người mẹ tự hào vì điều này, bởi dạo đó, ở trong thôn, đám thanh niên mới lớn hút thuốc phiện nhiều lắm. Không có tiền chúng trộm của hàng xóm để quên mình trong khói thuốc.

Các con thương mẹ sớm hôm lên nương, làm rẫy, cùng nhau rau cháo qua ngày. Tuổi cập kê đến, cô con gái thứ Lưu Thị Hùy được nhiều thanh niên trong thôn để ý. Bỏ ngoài nhiều những câu ngỏ lời, Hùy đem lòng yêu anh Nguyễn Văn Điềm (sinh năm 1967), con bà Nguyễn Thị Ty, người xóm bên. Bà Đường mừng lắm, con gái bà cũng được người ta cưới hỏi đàng hoàng. Đám cưới của chị Hùy không rình rang nhưng ấm cúng. Nhìn con gái xúng xính trong chiếc áo trắng, quần xa-tanh đen, khi ấy người mẹ khắc khổ ứa nước mắt hạnh phúc. Thời gian đó, bà Đường không thể hình dung ra quãng đời vất vả mà con gái phải chịu đựng.

Hùy về làm dâu được ít hôm, mẹ chồng cho anh chị ra ở riêng, ngay mảnh đất sát vách với mẹ chồng. Chung sống chưa được bao lâu, vợ chồng Hùy sinh sòn sòn hai đứa con nhỏ nheo nhóc. Kinh tế khó khăn, hai vợ chồng phải lai lưng ra làm lụng để nuôi đám trẻ. Mặc dù nhà ở sát vách nhưng bà Ty không giúp được cho vợ chồng con trai điều gì. Trong khi đó, Hùy và chồng phải thoát ly, đi làm ăn xa mới có cơ hội kiếm tiền nuôi các con. Lúc ấy, anh Điềm đã tha thiết nhờ mẹ vợ qua nhà trông các cháu để yên tâm đi làm. Thương con vất vả, bà Đường đành bỏ lại cửa nhà để xuống trông cháu. Một nách hai đứa cháu, vất vả đấy, nhưng bà cũng không hề nửa lời kêu than.

Từ ngày qua nhà trông cháu ngoại, bà Đường luôn bị thông gia soi mói và nói những lời bóng gió, cay nghiệt. Từng đó tuổi, bà hiểu người phụ nữ đó chửi mình ăn bám vợ chồng con rể. Thương con, bà nín nhịn, gắng ở lại trông cháu. Giống như chiếc dây nịt, khi bị giằng kéo nhiều quá cũng có ngày đứt, phải nghe nhiều lời cạnh khóe của thông gia, bà Đường dần không chịu được, bỏ về nhà.

Chị Hùy đành nghỉ làm ở nhà chăm sóc hai con khiến kinh tế vốn khó khăn lại thêm phần eo hẹp. Lúc này, bà Ty lại đổ những câu chửi lên đầu con dâu. Thấy chỉ có con trai đi làm, vất vả, bà Ty quay quắt sang chị Hùy, mắng chị là kẻ “ăn không ngồi rồi”. Anh chồng nghe mẹ nói ra nói vào những lần đi làm xa về, cũng đâm ra tức tối vợ. Anh ta thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ, có những trận “thừa sống, thiếu chết”. Những việc làm đó của con rể, không qua mắt được bà Đường. Bực tức người mẹ chồng của con gái, nhưng thương con đến se sắt lòng, bà chịu nhục lại tiếp tục qua nhà trông cháu cho con.


Nhà con rể nhiều chuột bọ, nên n rể bà Đường dặn bà hôm  nào đi chợ  thì mua cho ống thuốc diệt chuột. Bà Đường lật đật đi ra chợ Ký Phú (thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên) để mua ống thuốc diệt chuột khỏi nó bò vào gặm nhấm gạo thóc. Tối hôm đó, con rể ngủ quên nên không kịp đánh bả chuột. Mấy hôm sau, con gái, con rể vào rừng kiếm gỗ, bà Đường ở nhà rồi dắt hai cháu đi chơi. Lúc về đến cổng, bà lại nghe tiếng bà thông gia bên cạnh vọng sang: "Loài chó, người ta đuổi mà vẫn còn quanh quẩn. Đúng là không có nhận thức…". 

Sự trả thù tàn độc

 Cố kiềm chế và coi như không nghe thấy gì, bà Đường đưa cháu ngoại vào giường ru nó ngủ. Sau đó, bà băm một rổ rau để nấu cám cho lợn ăn. Trong lúc này, được đà lấn tới, bà Ty theo chân thông gia xuống tận bếp và chọc ngoáy những câu còn khó nghe hơn. Lúc đó, trong lòng tức tối đến tột đỉnh, bà Đường đã nghĩ rằng “làm thế nào để bà lão thông gia không còn khả năng chửi đổng nữa”. Chợt nhớ đến gói thuốc chuột mua lúc trước chưa dùng, bà lão nghĩ ngay đến việc hại người cho bõ tức.

Khoảng 9g sáng 12-9-1999, bà Đường lấy kéo cắt đầu gói thuốc diệt chuột, rồi men sang bên nhà bà Ty. Thấy bà thông gia “nhiều lời” đi ra phía bờ ao, bà Đường lẻn vào bếp, thấy hai xoong để trên trạn bát, bà lấy hết số thuốc chuột đổ vào nồi cơm, trộn đều lên rồi đậy vung lại, quay đầu đi về. Trên đường về, bà đã vứt vỏ ống thuốc vào bụi cây phía giáp ranh giữa nhà bà thông gia và con gái, rồi quay ra bế cháu đi chơi như không có chuyện gì xảy ra.

Gia đình bà Ty không hề hay biết về hành động tàn độc của bà thông gia. Anh con trai cả của bà Ty sau khi đi phun thuốc sâu về, đói bụng đã mang số cơm nguội trong nồi rang lên ăn cùng với măng xào. Bà Ty ngồi ăn cùng với con trai. Một lúc sau, anh này đau bụng dữ dội, cộng với các triệu chứng nôn ọe, co giật liên hồi. Mọi người xúm lại đưa nạn nhân đi cấp cứu. Con trai vừa đi trạm xá, ở nhà bà Ty cũng bị co giật, nôn mật xanh mật vàng.

Giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, bà Đường chạy sang xem sự việc. Bà thông gia này còn chứng kiến cảnh quẳn quại vì đau đớn của bà Ty và con trai cả. Bà Đường đoán cả hai người đã “sập bẫy”, ăn phải bả chuột trong cơm nguội. Không lâu sau khi được đưa đi cấp cứu, bà Ty và con trai tử vong vì ngộ độc quá nặng. Nghe tin này, bà Đường hoảng hốt và không khỏi ân hận vì hành động thiếu suy nghĩ, nhỏ nhen của mình. Trước lúc bỏ thuốc chuột vào cơm nguội, bà nghĩ anh con trai cả này sẽ đi ăn đám cưới, sẽ chỉ có mình bà Ty ở nhà ăn cơm. Vậy mà, bà không ngờ, sự việc định hại một người, lại thành hai.

Sợ hãi, làm gì bà cũng ngơ ngơ, ngẩn ngẩn, đứng ngồi không yên. Những ngày kế tiếp trôi qua thật chậm khiến bà luôn mặc cảm và giữ cái cảm giác lo âu. Người ra, kẻ vào bàn tán xôn xao về cái chết của bà thông gia khiến bà càng sợ hãi. Không thể chịu đựng thêm nữa, cuối cùng bà Đường đành thuật lại đầu đuôi hành vi độc ác của mình cho con gái và con rể nghe rồi lật đật đi ra trụ sở công an đầu thú.

 

 

Bà Đường (phải) tuổi cao sức yếu phải nhờ bạn dìu đi (Ảnh CAND).
Bà Đường (phải) tuổi cao sức yếu phải nhờ bạn dìu đi (Ảnh CAND).



Ngày ra tòa, có lẽ người đau đớn nhất vẫn là cô con gái của bà Đường, vừa chịu tang mẹ và anh chồng, giờ lại phải là tham dự buổi xét xử mẹ đẻ luôn hết lòng vì cô. Tại tòa, xét thấy hành vi của bà Đường man rợ, xã hội lên án và căm phẫn, trà đạp thô bạo đến đạo lý gia đình thông gia với nhau. Nhưng do bị cáo tuổi cao, sức yếu, thành khẩn khai báo nên tòa đã tuyên chung thân cho tội Giết người của bà Đường.

Sau khi bị kết án, năm 2000, bà Đường được chuyển lên thụ án ở trại giam Phú Sơn 4. “Những ngày đầu, tôi còn ra đồng gánh rau, làm cỏ được. Nhưng vài năm lại đây, sức khỏe yếu, tôi chỉ có việc ăn uống theo quy định và tán gẫu cùng những phạm nhân tuổi cao khác, cán bộ à”, giọng trệu trạo, bà Đường nói.

Nhà chỉ cách trại chừng 30km, nhưng từ nhiều năm nay, các con bà Đường không người nào lên thăm nom mẹ. Bà tự an ủi rằng, chúng nó công việc bận bịu, phải lo toan cuộc sống khó khăn… nên không thể vào thăm bà. Mặc dù nói vậy, nhưng giọng nữ phạm nhân già nghèn nghẹn. Nước mắt bà cứ trực tuôn. Từ ngày vào trại đến nay đã 10 năm, không khi nào bà không nhớ đến các con, các cháu, nhất là hai đứa cháu ngoại con của chị Hùy. Nguyện vọng của bà lão là được nhìn thấy đám trẻ trước khi nhắm mắt xuôi tay. “Tôi mong được nằm xuống ở nơi mình sinh ra. Giờ sức tôi đã kiệt, mong muốn duy nhất là được an táng tại mảnh đất ở quê”, giọng run run, bà Đường chia sẻ.

Cơn mưa chiều đã ngớt, mệt mỏi vì phải ngồi lâu, lúc đứng dậy, bà Đường vịn vào thành ghế để gắng bước đi. Người phạm nhân trẻ lại vào hội trường để dìu bà Đường về phòng. Những bước đi chậm chạp, dò dẫm, chiếc lưng còng của bà Đường xiêu vẹo trong ráng chiều.

  • Hoàng Linh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc