Con trai không có nhà, sự dồn nén bấy lâu giữa bà Dung và cô con dâu Ngọc Linh được dịp bùng phát. Bắt đầu từ việc bà cho đứa cháu trai ở nhà ăn cháo hải sâm, trong khi chị Linh không muốn cho con ăn đồ hải sản buổi tối vì sợ lạnh bụng. Từ câu chuyện tưởng như nhỏ nhặt, bà tiếp tục lôi hết điểm xấu của chị Linh ra nói cho bõ tức, từ chuyện chị lười giặt quần áo, đồ đạc vứt lung tung hay lãng phí tiền mua cả đống đồ mà không dùng hết. Chị Linh cũng chẳng vừa, nói chị còn bận kiếm tiền, không thể đòi hỏi chu toàn tất cả mọi thứ.
Bà Dung bỏ lên nhà, định lên Facebook nói chuyện với bà bạn thân cho hạ hỏa thì giật mình vì đọc được status của cô con dâu vừa mới cập nhật. Đầu óc choáng váng, bà lấy chiếc valy hầm hầm ra khỏi nhà. Trước khi đi, bà không quên nhắn nhủ cô con dâu: "Bây giờ tôi cho chị tự do, muốn làm gì thì làm, không lại nói tôi suốt ngày đầy đọa chị".
Chị Dung không hiểu tại sao mẹ chồng lại đọc được status trên Facebook của mình và phản ứng dữ dội như vậy. Chị đâu biết rằng, bà Dung lặng lẽ theo dõi chị (Follow) chứ không hề kết bạn từ rất lâu rồi. Hồi đi làm bà vẫn dùng máy tính nên chẳng lạ lẫm gì với mạng xã hội, bà chỉ giả vờ không biết để tiện theo dõi các con một cách nhẹ nhàng, bí mật.
Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu từ lâu đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Ảnh minh họa: Echinacities.
Chị Hồng Nhung (28 tuổi) cũng rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười như chị Linh. Vốn có thói quen cập nhật trên Facebook nên cứ có việc gì, chị lại chia sẻ với bạn bè. Nhưng chị cũng khá tế nhị khi thường xuyên không nhắc tên chủ thể, chỉ đề cập đến hành động và trạng thái của mình. Chẳng hạn bức xúc về việc cả tuần mẹ chồng cho ăn rau ngót, chị trút lời: "Mệt. Cứ lặp lại mãi một thứ đến phát chán"; hay "Phải làm sao để chiến đấu với những thứ cổ hủ đã ăn sâu vào tiềm thức"...
Chuyện này có lẽ sẽ chẳng gây ra sóng gió gì cho gia đình chị nếu không có một ngày cô em chồng lập cho mẹ tài khoản Facebook để tiện liên lạc với chị cả đang ở nước ngoài. Đang hào hứng cập nhật tình hình của người thân, mắt bà Tâm dừng lại khi đọc được status của cô con dâu: "Bị nghén mà phải ăn quả trứng ngỗng to đùng, chẳng khác gì cực hình". Bà hiểu ngay cô con dâu đang nói xấu mình, vì tối qua bà vừa bắt chị ăn hết quả trứng đã cất công nhờ người mua ở tận quê. Lần theo những status cũ, bà chợt nhận ra mình trở thành nhân vật tiêu điểm trong chia sẻ mỗi ngày của cô con dâu.
Chỉ một lần lỡ lời cập nhật status "mệt mỏi vì tranh cãi với mẹ chồng", chị Thanh Nga (30 tuổi) phải sống trong cảnh chiến tranh lạnh suốt cả tháng trời. Đã cẩn thận để chế độ bạn bè (chỉ những người bạn mới có thể xem được) mà không hiểu sao mẹ chồng chị vẫn biết chuyện. Bà chẳng bao giờ sờ tay đến cái máy tính, cũng chẳng biết "Phây búc mặt mũi ra sao", thế nhưng nhờ cô con gái kể lại nên bà mới biết tình hình.
Bà Hương (56 tuổi) cũng giận con dâu tím tái mặt mũi khi vô tình nhận ra "chân dung" của mình trong câu chuyện ở Hội nói xấu mẹ chồng trên Facebook. Cái nickname kia đúng là tên và ngày sinh con dâu. Khi đọc đến đoạn "mẹ chồng tôi lúc nào cũng tiếc của, caramen, sữa chua để trong tủ hết hạn vẫn cố ăn hết đến mức đi ngoài cả đêm... Mình đi làm về mệt muốn nghỉ một tí mà bà nói là lười biếng, nằm ườn ra, trong khi con trai bà thì đưa cho tận cả cái tăm... Đúng là một giọt máu đào hơn ao nước lã"..., bà khẳng định đó chắc chắn là mình chứ không ai khác. Bà Hương tức giận vì ở nhà, cô con dâu vẫn luôn tỏ ra biết điều, một điều dạ, hai điều vâng mà lại nói xấu sau lưng mình.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Tổng đài 1088 cho biết, việc các nàng dâu lên Facebook nói xấu mẹ chồng không phải là chuyện hiếm, bởi lẽ mối quan hệ giữa họ từ lâu vốn đã nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn, là đề tài quen thuộc của những cuộc tám chuyện nơi công sở hay mỗi lần tụ họp.
Khi mạng xã hội phát triển, họ coi đó như những trang nhật ký riêng, không gian của riêng mình để bày tỏ cảm xúc. Những cái ấn like, comment lại càng kích thích họ chia sẻ mọi chuyện, đặc biệt là đề tài hấp dẫn về mẹ chồng nàng dâu. Tuy nhiên, nhiều người không ý thức được rằng, việc họ vô tư kể chuyện gia đình, vô tư nói xấu người khác lại khiến người ta đánh giá về thái độ cũng như cách ứng xử của họ với mọi chuyện.
Khúc mắc giữa mẹ chồng nàng dâu có thể chỉ hai người biết, là chuyện rất nhỏ. Nhưng khi nhiều người biết, cả cộng đồng biết đó lại là chuyện lớn. Từ chuyện trong nhà đã trở thành chuyện bàn tán xôn xao của cả cộng đồng, đó là điều vô cùng tối kỵ.
Trong cuộc sống, không ai thoát khỏi những giây phút bực tức hay chán nản về người khác, không cứ là quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Ngay cả con đẻ - mẹ ruột nhiều khi cũng có quan điểm trái ngược, mâu thuẫn nảy sinh, hay những cuộc tranh luận giữa vợ - chồng cũng xảy ra như cơm bữa. Nó như một cái vòng luẩn quẩn bao quanh cuộc sống của mỗi người. Điều quan trọng là phải biết suy nghĩ cho người khác, sống tôn trọng nhau và biết cách thỏa hiệp với mọi chuyện.