Ra khơi đánh bắt cá hoặc lặn biển là công việc có nhiều nguy hiểm do thiên tai. Có một điều đặc biệt là nhiều ngư dân trước khi ra khơi thường uống nước mắm và luôn mang theo nước mắm trên tàu của mình.
Công dụng của nước mắm với ngư dân, thợ lặn
Nước mắm có mục đích là để giữ ấm và giúp cơ thể chống kiệt sức khi ngâm mình dưới nước lâu và tránh cái lạnh ngoài khơi xa.
Không chỉ lặn biển mà vào những ngày ra khơi đánh cá trong thời tiết lạnh giá, ngư dân cũng thường uống nước mắm để chống lạnh và nâng cao thể trạng sức chịu đứng, chống nguy cơ bị đông máu vì lạnh.
Nước mắm là hỗn hợp dinh dưỡng rất nhiều axit amin được chuyển hóa từ protein trong cá qua quá trình thủy phân, tác nhân là các enzym có sẵn trong ruột cá cùng với loại vi khuẩn kỵ khí chịu mặn. Đặc trưng của đạm trong nước mắm là đã được thủy phân, "cắt nhỏ" thành các axit amin, giúp cơ thể hấp thu trực tiếp và dễ dàng. Do đó khi uống nước mắm thì tác dụng rất nhanh. Những người đang mệt, uống nước mắm sẽ cảm thấy phục hồi nhanh. Đó là vì axit amin và polipeptit trong nước mắm cốt có khả năng cung cấp năng lượng, giữ ấm cơ thể ngư dân và thợ lặn. Độ đạm trong nước mắm càng cao thì công dụng càng nhanh và mạnh, khả năng giữ ấm cho cơ thể càng cao.
Khi cơ thể được cung cấp nước mắm thì cơ thể nóng ấm, tránh cảm giác rét khi lặn biển khi đi xa khơi. Việc uống nước mắm này giúp ngư dân, thợ lặn tránh tình trạng cảm lạnh.
Trong thời tiết thay đổi đột ngột, biển động, nhiệt độ lạnh, thì uống nước mắm giúp ấm giảm nguy cơ bị đông máu. Khi lặn sâu dưới nước, cơ thể chịu áp lực lớn khiến máu khó lưu thông đến các tế bào, mạch máu bị chèn ép. Nước mắm có độ đạm cao sẽ giúp nhịp tim và huyết áp gia tăng, chống lại áp lực nước, giúp tránh được tình trạng kiệt sức, co cứng chân tay và đuối nước. Đó là lý do vì sao thợ lặn uống nước mắm trước khi xuống nước. Cũng để làm ấm cơ thể, nhiều khi thợ lặn uống nước mắm cốt cả khi lên bờ.
Loại nước mắm gì?
Nước mắm được ngư dân dùng thường là nước mắm tự ủ, có độ đạm cao, làm từ cá. Nước mắm này gọi là mắm cốt. Nhờ độ đạm cao và khá mặn nên mới bảo vệ được ngư dân, còn nước mắm công nghiệp không đảm bảo yêu cầu này.
Tùy theo độ đạm, ngư dân có kinh nghiệm sẽ biết nên uống nhiều hay ít. Nước mắm độ đạm cao thì không cần uống nhiều trong khi nước mắm độ đạm thấp hơn thì phải uống nhiều hơn.
Những người chưa quen, uống quá nhiều nước mắm cốt một lúc sẽ bị chóng mặt hay còn gọi là “say mắm”.