Khi tiếp xúc với người Nhật hoặc tới những gia đình người Nhật bạn sẽ thấy họ thường cởi dép để bên ngoài. Trên các bộ phim ảnh của Nhật cũng thấy rất rõ, điều này giống như đã là nếp sinh hoạt ngay từ bé của họ.
Cởi giày dép có ý nghĩa gì?
Thói quen để giày dép bên ngoài nhà của người Nhật đã tồn tại từ khoảng 2.000 năm trước. Đất nước Nhật Bản có khí hậu nóng ẩm nên họ thường làm các ngôi nhà có sàn cao để tránh ẩm và để gió thổi mát thông bên dưới làm ngôi nhà mát hơn vào mùa hè.
Trong sàn nhà họ thường trải chiếu Tatami được lót gần như toàn bộ bề mặt sàn, nếu đi những đôi giày lên chiếu sẽ khiến mất vệ sinh, làm hỏng Tatami.
Sách "Văn hóa làm việc với người Nhật" được xuất bản lần đầu vào năm 1984, nhà xã hội học Nakane Chie đã nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian bên trong (Uchi) và không gian bên ngoài (Soto). Theo đó thì bên trong ngôi nhà tức Uchi là khoảng không gian sạch sẽ còn bên ngoài soto là nơi xô bồ ồn ào và có thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm bụi. Nên thiết kế nhà truyền thống kiểu Nhật thường có khoảng không gian nối giữa trong nhà và ngoài nhà, đó chính là huyền quan hay còn gọi là sảnh nhà. Huyền quan này chính là nơi để thay đổi giày dép, chuyển từ đôi giày dép đi bên ngoài với đôi giày dép đi vào nhà.
Bây giờ khi nền văn hóa giao lưu, Nhật Bản cũng có những ngôi nhà kiểu phương Tây nhưng vẫn có những phòng trải chiếu tatami nhằm lan tỏa nét đẹp truyền thống. Do đó, thói quen cởi giày từ ngoài cửa vẫn được duy trì phổ biến.
Khi tới Nhật, trước khi vào nhà một ai đó, khách vẫn thường hỏi về việc cởi giày dép hay có thể đi vào. Đặc biệt những ngôi nhà kinh doanh thì việc cởi giày dép bên ngoài càng được chú tâm, mặc dù văn hóa hiện đại có những giao thoa và nét truyền thống có thể nhạt nhòa hơn.
Cởi giày dép để ngoài giúp giữ vệ sinh
Giày dép là nơi tiếp xúc với đường đi nên dù phố xá Nhật Bản sạch thế nào, dù đôi giày dép đẹp ra sao, đắt bao nhiêu tiền thì khi chúng ta đi bên ngoài, giày dép vẫn lưu giữ nhiều vi khuẩn bụi bẩn. Trong kết quả nghiên cứu từ Đại học Arizon (Mỹ), có đến khoảng 421.000 loại vi khuẩn khác nhau tồn tại trên giày dép. Trong số các vi khuẩn thì có vi khuẩn Coliform – thường xuất hiện ở phân người chiếm đến 96%. Không những thế, còn có khuẩn E.coli, Klebsiella (gây nhiễm trùng đường tiết niệu), Serratia Ficaria (gây nhiễm trùng đường hô hấp),... Hơn nữa khi di chuyển ngoài đường thì giày dép tiếp xúc với bất cứ loại chất bẩn nào mà đôi khi chúng ta không lường trước được.
Chính vì thế mang giày dép theo vào trong nhà là mang theo chất bẩn vi khuẩn có thể lây bệnh cho bạn. Trong không gian trong nhà là nơi diễn ra những sinh hoạt đời thường, ăn uống. Do đó nếu mang giày dép vào có thể làm mất vệ sinh cho đồ ăn, lây nhiễm bụi bẩn khắp nơi trong nhà. Lisa A. Cuchara, giáo sư khoa học y sinh tại ĐH Quinnipiac cho rằng vi khuẩn chắc chắn chuyển từ giày sang sàn nhà, nhưng "đối với hầu hết người lớn khỏe mạnh, đây không phải mối đe dọa". Bà lưu ý, sàn nhà trong nhà vệ sinh công cộng có khoảng 2 triệu vi khuẩn trên mỗi inch vuông (6,4 cm2). Một bệ ngồi toilet có trung bình khoảng 50 triệu trên một inch vuông.
Do đó việc để lại giày dép bên ngoài một cách gọn gàng vào trong tủ giày là một cách hàng xử lịch sự sạch sẽ phòng bệnh.
Đặc biệt nếu trong nhà có trẻ nhỏ, trẻ đang tập bò, tập đi trên sàn mà chúng ta đi giày dép vào thì có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm cho trẻ như chân tay miệng, bệnh đường tiêu hóa, bệnh tiêu chảy, ho suyễn viêm phổi....
Thế nên cởi giày dép trước khi vào nhà thực sự là một cách khoa học vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày. Trong gia đình có người ốm yếu, có người miễn dịch kém thì việc làm này càng cần thiết hơn.
Nên thay đổi giày dép khi đi qua các phòng khác nhau?
Trong nhà ở có nhà bếp, phòng ngủ, phòng khách. Việc thay dép qua các phòng cũng đáng lưu tâm.
Nhà tắm nhà vệ sinh hay ẩm ướt và cũng là nơi vi khuẩn trú ngụ từ không khí, đồ dùng, cánh cửa tới sàn. Thế nên dép đi chung trong nhà vệ sinh ra ngoài cũng không tốt. Do đó tốt nhất nên có giày dép riêng cho nhà vệ sinh.
Ở Nhật khi vào nhà bạn chuyển từ giày dép đi bên ngoài bằng dép đi trong phòng khách. Sau đó nếu vào nhà vệ sinh bạn nên đổi dép vì người dân cũng cho rằng phòng vệ sinh được người dân xứ anh đào cho rằng là nơi không sạch sẽ. Còn muốn ra ban công, bạn cũng phải thay đôi dép khác và việc này cứ phải lặp lại khi bạn cần ra sân vườn. Tuy nhiên, đối với những nơi trải chiếu tatami riêng, bạn không cần đi giày dép mà có thể đi lại chân trần hoặc dùng vớ.
Cách thay đổi dép này thực ra nhìn cũng rất dễ hình dung ra tính khoa học của chúng. Việc đi dép lẫn lộn nhà vệ sinh với ban công có thể mang bụi, ẩm, vi khuẩn phát tán rộng ra ngôi nhà của bạn. Điều đó thực sự không tốt cho sức khỏe cũng như thói quen sinh hoạt chung, làm nhà nhanh bẩn hơn mất thời gian dọn dẹp hơn và khiến chúng có thể mất mùi thơm phòng.
Những địa điểm "cấm" đi giày khi sang Nhật bạn nhất định phải nhớ trước khi đi du lịch đất nước này
Khi tới Nhật bạn nên chú ý tôn trọng văn hóa cởi giày dép này. Và đây là những dấu hiệu cho bạn biết không được đi giày dép vào:
- Khi thấy các kệ để giày dép: Nếu ngay lối vào ở bất kỳ nơi đâu, bạn thấy những chiếc kệ (có thể có cửa hoặc không), chắc chắn đây là dấu hiệu bạn nên thay giày và để chúng vào trong kệ.
- Nhìn người khác làm: Khi đến nơi công cộng, nếu là nơi yêu cầu đi chân không vào chính điện, sẽ có một hàng dài những đôi dép được để phía bên ngoài. Do đó tốt nhất bạn nên giữ ý và học theo những người đã đi trước để giày dép lại bên ngoài.
- Nhìn thấy chiếu Tatami: Khu vực nào có chiếu Tatami thì dù đang đi dép trong nhà bạn cũng không bước vào mà cũng bỏ dép trong nhà ra. Bạn chỉ được đi chân không hoặc chân đi tất vào chiếu.
- Hỏi chủ nhà: nếu đến thăm nhà của một người, bạn nên hỏi họ trước rằng có được phép đi giày vào trong nhà hay không. Nhưng với tính cách chu đáo của người Nhật, họ sẽ chủ động chuẩn bị sẵn dép để bạn thay ngay khi đến.
Một số địa điểm thường phải cởi giày như:
+Nhà hàng truyền thống: Thường ở những nhà hàng kiểu truyền thống sẽ dùng chiếu tatami để trải sàn hoặc chỗ ngồi trong nhà hàng là một số biến thể của việc ngồi bệt (chẳng hạn như đệm sàn hoặc chỗ ngồi lõm)
+Trường học: Người Nhật rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe nên khi đến trường, học sinh sẽ cất giày của mình vào tủ và dùng một loại giày đế mềm chỉ để đi trong lớp học.
+Nhà tắm công cộng và khu suối tắm nước nóng: Ở Nhật Bản, ngay lối vào tòa nhà là bạn đã phải cởi giày thay vì trong phòng thay đồ. Ngoài ra, nhiều cơ sở kinh doanh suối nước nóng sử dụng chiếu tatami nên chúng cần được giữ sạch sẽ và khô ráo.
+Các ngôi chùa: Ở khu vực bên ngoài sân, những nơi tham quan, mọi người vẫn có thể sử dụng giày dép cá nhân. Nhưng khi bước vào tòa nhà chính, các khu vực thờ phụng bên trong nhà, thường sẽ xuất hiện khu vực huyền quan để mọi người cởi giày và cất giày gọn gàng.
Cách để giày dép cho đúng
Giày dép của bạn cởi ra cần được để gọn ở kệ bên ngoài hoặc xếp theo những đôi của chủ nhà. Tránh để lộn xộn ngược xuôi, cần đặt chúng ngay ngắn.
Mang vớ sạch, trang nhã, không có lỗ thủng khi đi vào nhà. Nếu không hãy cởi cả tất vớ ra.
Nên xếp mũi giày hướng ra cửa, thuận tiện cho việc sử dụng ngay khi cần… và đó cũng là nét văn hóa tâm linh không nên chĩa mũi giày dép vào trong nhà.
Tại Việt Nam, thói quen để giày dép ở ngoài cũng đã xuất hiện từ khi những ngôi nhà hiện đại lát gạch bông, đá hoa ra đời để giúp giảm thiểu tình trạng bẩn sàn, nhanh chóng dọn dẹp. Tuy nhiên việc thay đổi dép giữa các phòng còn chưa thành thói quen với nhiều người. Thiết nghĩ việc này cũng rất cần thiết đặc biệt khu vực nhà vệ sinh ẩm ướt và nhiều vi khuẩn nên tránh mang dép chung càng đảm bảo cho sức khỏe.