Tại sao vợ chồng Nhật Bản không ngủ cùng nhau dù còn rất trẻ: Lý do đằng sau thực sự bất ngờ

( PHUNUTODAY ) - Nguyên nhân nào khiến các cặp vợ chồng Nhật không thể "đồng sàng"?

Người ta vẫn nói vợ chồng là những người "đầu ấp tay gối", còn hôn nhân là khi "hai ta về một nhà, khép đôi mi chung một giường". Nhìn chung thì không rõ từ khi nào, nhưng chuyện một cặp đôi, cặp vợ chồng ngủ chung đã trở thành một thứ gì đó giống như một chuẩn mực chung của thế giới vậy.

Nhưng đó là chuyện của thế giới. Còn ở Nhật Bản, dù nhà chật cỡ nào, phòng bé ra sao, các cặp đôi vẫn ngủ riêng. Họ không ngủ chung giường, thậm chí đôi khi là chẳng chung cả phòng.

Công ty hóa chất Asahi Nhật Bản đã từng tiến hành một cuộc khảo sát 1.500 cặp vợ chồng (để nghiên cứu thị trường và sản xuất thiết bị gia dụng) về thói quen sinh hoạt của gia đình họ và kết quả cho thấy, có khoảng 15% cho biết vợ chồng họ chưa từng ngủ chung kể từ khi kết hôn.

Nếu tính cả những cặp vợ chồng chung phòng nhưng khác giường thì có tới hơn 40% cho biết, họ hài lòng với việc ngủ riêng và thậm chí còn "ước gì" mình được ngủ khác phòng với bạn đời.

nhat-ban

Vậy nguyên nhân nào khiến các cặp vợ chồng Nhật không thể "đồng sàng"?

Câu chuyện không liên quan đến các vấn đề của mối quan hệ, mà lý do đằng sau lại hết sức hợp lý.

Vợ chồng hay bất kỳ ai, đều có "lịch ngủ" của riêng mình

Một trong những lý do khiến các cặp đôi Nhật Bản chọn ngủ riêng là vì họ có lịch làm việc khác nhau. Chuyện đánh thức nửa còn lại chỉ vì bạn về muộn hoặc đi sớm sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, và lâu dần là chất lượng của chính mối quan hệ.

Chuyện ngủ riêng vì thế trở nên hoàn toàn hợp lý. Nó giúp cả hai có được một giấc ngủ trọn vẹn, tâm trí khỏe mạnh hơn vào buổi sáng, tránh bị làm phiền quá nhiều.

Trẻ con thường ngủ với mẹ

Trong văn hóa của người Nhật, mẹ thường ngủ với con nhỏ, và đây được xem là điều khá quan trọng. Người cha vì thế phải chọn, hoặc ngủ chung giường với cả 2, hoặc ngủ riêng ở một chiếc giường khác, một căn phòng khác.

Trên thực tế, khoa học đã chứng minh rằng việc ngủ chung sẽ giúp trẻ con có một giấc ngủ trọn vẹn hơn. Thân nhiệt, nhịp tim của trẻ sẽ được giữ ổn định - đây là điều đặc biệt quan trọng với trẻ sơ sinh, đồng thời giảm được rủi ro mắc các hội chứng nguy hiểm ở trẻ em.

Ngủ riêng mang lại sự yên bình

Trong khi nhiều cặp vợ chồng bắt đầu ngủ riêng nghĩ rằng ly hôn đang gõ cửa thì người Nhật lại nghĩ khác. Họ rất coi trọng giấc ngủ của mình và không muốn bị quấy rầy khi đang ngủ.

Họ rất trân trọng giấc ngủ (do lịch làm việc hết sức chặt chẽ), nên sẽ không muốn giấc ngủ bị phá hỏng bởi những thói quen xấu của người ngủ chung - như ngủ ngáy, nói mơ, mộng du...

Ngay cả khi một số người không có cơ hội ngủ ở các phòng khác nhau, họ vẫn muốn có thể đảm bảo giấc ngủ ngon của mình.

Trong một khảo sát vào năm 2018, ngay cả những cặp đôi không có cơ hội ngủ riêng vẫn luôn mong có được một căn phòng dành cho mình, hay một chiếc giường riêng thôi cũng được.

Ngủ riêng là thói quen lâu đời

Chăn ga, gối đệm của người Nhật - hay còn gọi là Futons, được độn bằng bông, đem lại cho chủ nhân sự thoải mái, dễ chịu khi vào giấc ngủ. Từ thời xa xưa, nó chỉ có một kích thước duy nhất, được trải ra làm giường cho một người ngủ.

Ngày nay, các thiết kế nội thất hiện đại đã xâm nhập vào gia đình người Nhật, nhưng song song với giường đôi, nhiều gia đình vẫn sử dụng loại giường trải truyền thống, bởi nó không chiếm nhiều không gian, lại dễ sử dụng và dễ cất đi sau khi dùng.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link