Tâm sự của thầy giáo 7 năm gắn bó với nghề dạy trẻ tự kỉ

10:40, Thứ tư 20/11/2013

( PHUNUTODAY ) - Để giúp “những học trò đặc biệt” – trẻ dưới 6 tuổi mắc chứng tự kỷ phát âm hay nói được, thầy Hà phải kiên nhẫn dạy 1 năm, thậm chí là 2 năm trời.

Sinh năm 1985, thầy giáo trẻ Nguyễn Xuân Hà đã gắn bó với nghề dạy trẻ tự kỷ 7 năm qua. Đối với anh công việc đó giờ đây không còn là gánh nặng, nỗi vất vả hay e ngại nữa mà trở thành niềm vui, hạnh phúc, nhiều ý nghĩa.

Gặp nguy hiểm thường xuyên

Tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, anh Nguyễn Xuân Hà đã có cơ duyên gắn bó với nghề dạy trẻ tự kỷ từ năm 2007.

Sau đó, anh may mắn được sang Nhật tập huấn chuyên ngành khuyết tật trí tuệ trong đó có giáo dục trẻ tự kỷ. Được tiếp xúc, trao đổi với nhiều chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực này, anh Hà ngày càng có niềm đam mê, tình cảm với nghề được coi là nhiều rủi ro này.

Anh Nguyễn Xuân Hà may mắn được sang Nhật tập huấn một thời gian về giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ.

Chia sẻ về lý do đến với nghề, anh Hà nhớ lại: “Mình chọn thi vào ngành này của trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương vì đó là ngành mới và do sở thích trở thành giáo viên, chứ không hề tìm hiểu trước về đối tượng mà mình sẽ giảng dạy – là những đứa trẻ khuyết tật trí tuệ. Sau khi vào học, đi thực tế tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ đặc biệt, mình rất bất ngờ khi được tiếp xúc trực tiếp.

Nhưng mình nghĩ đây là môi trường để mình được trải nghiệm với mong muốn giúp đỡ những đứa trẻ tự kỷ tốt hơn, tiến bộ từng ngày phát triển như những em bình thường. Càng tiếp xúc thực tế mình cảm thấy càng phù hợp với nghề mà mình đã lựa chọn”.

Sau khi tốt nghiệp, anh được giữ lại trường và giảng dạy tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển gia đình đặc biệt. Mới ra trường, một chàng trai trẻ tuổi lại làm nghề dạy trẻ, nhiều người nghĩ nghề đó không phù hợp với con trai.

“Ban đầu, nghề này mình cũng hơi ngại vì đa phần mọi người nghĩ nghề dạy trẻ chỉ dành cho nữ giới thôi. Nhưng ở Nhật lại ngược lại, số lượng nam giới dạy trẻ tự kỷ lại chiếm đa số. Thực tế, nghề này đòi hỏi sức khỏe để có thể bảo vệ được trẻ hoặc bản thân mình khi trẻ có hành vi bất thường”, anh Hà chia sẻ khó khăn.

Thậm chí, nhiều trẻ không nói được, không điều khiển được hành vi có thể xâm hại gây nguy hiểm đến giáo viên một cách bộc phát.

“Lúc đó, mình phải thật bình tĩnh xử lý tình huống, những hành vi không mong muốn của đứa trẻ. Để giải quyết được, mỗi giáo viên phải tìm hiểu nguyên nhân dựa vào đặc điểm khuyết tật của đứa trẻ đó và có kinh nghiệm thực tế”, anh Hà nói.

Sự tiến bộ từng tí của một trường hợp tự kỷ phải mất một thời gian dài, không phải vài tháng mà là một vài năm. Vì vậy, không chỉ kiên nhẫn, anh Hà còn phải thực sự sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, đánh giá khả năng của đứa trẻ.

Một tiết học của thầy Nguyễn Xuân Hà với một học trò đặc biệt.

“Nếu đưa bài tập áp dụng không phù hợp, đứa trẻ đó có thể bùng nổ hành vi không mong muốn gây nguy hiểm như đập đầu vào tường, nhảy từ cửa sổ xuống, lấy ghế ném bạn, giáo viên… hoặc tự làm đau bản thân mình”, anh Hà cho biết.

Anh nhớ lại, có lần trẻ đang ngồi ở bàn giao tiếp với mình, đột nhiên cậu bé chạy nhanh ra ngoài cửa đập đầu vào tường hoặc có lần một trẻ lớp bên cạnh chạy trốn khỏi lớp khiến giáo viên vô cùng lo lắng. Chưa kể, có trẻ la hét, ném đồ vào người giáo viên… Dạy dỗ một đứa trẻ bình thường đã không phải chuyện đơn giản thì việc dạy một đứa trẻ tự kỷ còn khó hơn gấp vạn lần. Để làm được điều ấy, theo anh Hà, giáo viên phải thực sự hiểu trẻ, phải nắm kỹ mức độ, tiến trình của bệnh và có những phương pháp áp dụng thích hợp nhất đối với từng đối tượng.

Kiên trì 1 năm để trẻ… phát âm được

Mặc dù vất vả thậm chí là gặp nguy hiểm trong việc giảng dạy nhưng trong thâm tâm anh Hà – một người thầy dạy dỗ trẻ tự kỷ luôn nỗ lực hết sức mình để thấy sự tiến bộ từng tí một của “những học trò đặc biệt”.

Can thiệp những trẻ mắc chứng tự kỷ dưới 6 tuổi, giúp các em phát âm, học nói, thậm chí là hình thành các hành vi, thói quen đơn giản trong cuộc sống như tự cầm thìa, biết chào hỏi, đi vệ sinh đúng chỗ… đều không phải là điều dễ dàng, một sớm một chiều có thể làm được.

Tùy thuộc vào từng trẻ mất thời gian bao lâu để tiến bộ, có những em mất 1 năm chưa phát âm được, 2 năm chưa nói được từ đơn giản… nhưng không khiến anh nản lòng hay mất niềm tin. Mất một thời gian dài để giúp trẻ thay đổi hành vi nhỏ ví dụ biết cách tập trung, không tự ý chạy ra khỏi chỗ, biết đi vệ sinh đúng chỗ… là những niềm vui lớn của anh trong nghề.

Hiện nay ở Việt Nam, đội ngũ giáo viên dạy trẻ tự kỷ nói riêng, dạy trẻ khuyết tật nói chung không nhiều. Chia sẻ về điều này, anh cho rằng do chế độ đãi ngộ của nhà nước đối với giáo viên ngành giáo dục đặc biệt chưa cao, lương thấp… khiến họ không đủ trang trải cuộc sống.

Hiện giờ anh Hà đang có một gia đình hạnh phúc. Người vợ của anh cũng chính là bạn học chung lớp Cao đẳng Sư phạm Trung ương với anh.

Thiệt thòi là thế, vất vả là thế nhưng anh Hà luôn cảm thấy hài lòng, mãn nguyện về công việc mà anh đang theo đuổi. Đối với anh, nghề dạy trẻ tự kỷ mang lại cho anh nhiều thứ quý giá trong cuộc sống, và trên hết chính là tâm mong muốn giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng, xa hơn là tự kiếm sống bằng khả năng của mình.Kỷ niệm mà anh nhớ nhất trong những ngày lễ tôn vinh ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày Tết chính là tình cảm thật, chân thành của phụ huynh.

“Những lời cảm ơn của phụ huynh có con đã phục hồi ra trường hàng năm hay những bức hình ngộ nghĩnh nguệch ngoạc, bưu thiếp do chính các bé làm hoặc làm cùng ông bà, bố mẹ tặng thầy… chính là những món quà quý giá nhất mà mình nhận được trong những năm tháng gắn bó với nghề”, anh Hà tâm sự.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link