Tết Đoan Ngọ 5/5 làm gì thì làm, đừng quên ăn 5 món để xua điềm rủi, đón điều may, Thần tài theo gót

11:15, Thứ năm 02/06/2022

( PHUNUTODAY ) - Vào ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 này, mỗi gia đình đều làm các món quen thuộc dâng cúng gia tiên và ăn nhằm xua điềm rủi, đón điều may, cụ thể như sau:

Mâm cúng Tết Đoan ngọ gồm những gì?

Theo truyền thống, mâm lễ vật cúng Tết Đoan ngọ (còn gọi là Tết giết sâu bọ) bao gồm: hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, các loại hoa quả bánh trái có vị chua, cay, nóng.

Trong đó, không thể thiếu món bánh tro, bánh ú, cơm rượu nếp, xôi, chè.

Lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ sẽ có đôi chút khác nhau theo vùng miền. Ví dụ như, miền Bắc có bánh tro trên mâm cúng còn miền Nam có bánh ú, chè trôi nước, miền Trung lại có chè kê.

Với mâm cúng miền Bắc, người dân thường sắm sanh lễ vật là các loại hoa quả mùa hè như mận, đào, vải, xoài, cơm rượu nếp...

Ngoài mâm cỗ chay, người dân cũng chuẩn bị thêm mâm cỗ mặn để cúng Tết Đoan ngọ, trong đó món truyền thống là thịt vịt. Nguyên do là vì dân gian tin rằng thịt vịt tính mát, tốt cho cơ thể dịp nắng nóng.

Sau khi chuẩn bị mâm cỗ cúng, người dân thường cúng lễ vào sáng sớm rồi hạ lễ để cả nhà ăn các loại hoa quả chua, rượu nếp với mong muốn giết sâu bọ, mầm bệnh trong người.

Tuy nhiên, "Đoan" nghĩa là mở đầu, "Ngọ" chỉ giờ ngọ (11 tới 13 giờ) nên thời gian cúng Tết Đoan Ngọ chuẩn nhất là vào giờ trưa này.

Ngày Tết Đoan Ngọ ăn gì?

1. Bánh tro (bánh ú tro)

banhtro

Bánh tro hay còn được biết đến với tên gọi là bánh gio, bánh ú tro. Loại bánh này được làm bằng gạo nếp, ngâm trong nước tro mà tro này sẽ lấy từ việc đốt các loại cây khô.

Gạo nếp sau khi ngâm sẽ gói trong lá chuối. Loại bánh này có thể có nhân hoặc không nhân.

Bánh tro sau khi chín sẽ có màu nâu trong, khi ăn bạn cảm nhận được độ mềm, dẻo và thanh mát rất lạ miệng. Người ta thường chấm bánh tro với mật mía cực kỳ thơm ngon. Món bánh này cũng đặc biệt tốt cho hệ tiêu hóa.

Cách làm bánh tro rất đơn giản, bạn có thể tham khảo công thức sau:

Nguyên liệu cần có: Gạo nếp cái hoa vàng (500g), muối, nước tro tàu (500ml), lá tre/lá dong, dây lạt.

Cách làm như sau:

- Gạo nếp chọn hạt tròn, căng mẩy. Đem vo gạo thật sạch rồi vớt ra cho ráo nước.

- Pha 500ml nước tro tàu cùng với 1 lít nước rồi khuấy đều lên. Đổ phần gạo nếp đã vo sạch vào ngâm. Thường thời gian ngâm gạo sẽ kéo dài khoảng hơn 20 tiếng như thế hạt gạo mới đủ mềm.

- Dùng tay vo nhẹ nếu thấy gạo nếp vỡ ra thì đem gạo nếp xả qua với nước lạnh rồi rắc vài hạt muối rồi xóc lên.

- Lá tre lau sạch rồi tạo thành hình phễu. Lót 1 lớp lá khác ở dưới đáy sau đó cho 1 thìa gạo nếp vào. Gấp phần đầu lá tre lại rồi dùng dây lạt gói chặt bánh lại. Thực hiện tuần tự cho tới khi hết gạo hết lá thì dừng lại.

- Cho bánh vào nồi, thêm nước ngập mặt bánh sau đó đem luộc trong thời gian từ 2 - 3 tiếng là bánh chín. Vớt bánh ra để nguội và thưởng thức.

2. Cơm rượu nếp cái hoa vàng

Nếu được hỏi Tết Đoan ngọ ăn gì thì chắc chắn không thể không nhắc tới cơm rượu nếp.

Người ta đem vo sạch gạo rồi nấu chín sau đỏ ủ men vài ngày sau đó đem ra thưởng thức. Cơm rượu nếp ngon có độ cay nồng, thơm ngọt vừa đủ. Thời gian ủ và thưởng thức cơm rượu phải chính xác như thế món ăn này mới không bị chua, cay khó ăn.

Theo quan niệm, Tết Đoan ngọ ăn cơm rượu nếp sẽ khiến cho vi khuẩn, sâu bọ trong cơ thể bị say, dễ tiêu diệt hơn.

3. Thịt vịt

monantetdoanngo

Người miền Bắc thường chỉ ăn bánh tro, cơm rượu nếp nhưng người miền Trung lại đặc biệt phải chuẩn bị thêm thịt vịt.

Sở dĩ thịt vịt góp mặt trong mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ là bởi tháng 5 là lúc thịt vịt ngon, thơm và béo múp. Loại thực phẩm này có tính hàn vì thế rất hợp ăn trong những ngày hè nóng bức.

Hơn nữa, thịt vịt còn là món ăn giải đen, xua đi mọi xui rủi cầu mong 1 tháng mới nhiều may mắn.

Món ngon từ thịt vịt cho ngày Tết Đoan ngọ được nhiều người lựa chọn là thịt vịt luộc chấm nước mắm gừng hoặc vịt quay da giòn ngon bắt mắt.

Có thể tham khảo thêm cách luộc vịt ngon tại đây.

4. Vải - mận

Trên mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ cũng không thể thiếu 2 trái cây quen thuộc trong tháng 5 là vải cùng mận.Theo quan niệm của người Việt, vì vải và mận có tính nóng vì thế sau khi ăn rượu nếp, sâu bọ đã bị chuốc say thì việc ăn thêm vải mận sẽ giúp tiêu diệt chúng tận gốc.

5. Xôi chè

Xôi chè là cái tên tiếp theo góp mặt trong danh sách này. Người miền Bắc sẽ nấu chè đậu xanh, miền Trung là chè hạt sen, hạt kê còn người miền Nam lại lựa chọn chè trôi nước.

Bài cúng Tết Đoan Ngọ theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam

Nam mô A di Đà Phật! (3 lần)

- Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

- Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ Khảo, Tổ Tỷ)

Tín chủ chúng con là: …

Ngụ tại: …

Hôm nay là ngày mồng 5/5 âm lịch, nhằm ngày Tết Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A di Đà Phật! (3 lần)

Tết Đoan Ngọ là gì?

Tết Đoan Ngọ là ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm. Tùy từng vùng miền mà người ta gọi Tết Đoan Ngọ với những cái tên khác nhau như Tết Đoan Dương, Tết diệt sâu bọ…

Quan niệm của người xưa, Tết Đoan Ngọ là ngày mà hỏa khí trong trời đất tăng cao. Với nông nghiệp, đây là thời điểm sâu bọ nở rất nhiều gây hại cho cây trồng vì thế mà người ta sẽ tiến hành tiêu diệt những loại này. Một số loài sâu bọ còn có thể dùng làm thức ăn.

Tết Đoan Ngọ không chỉ có ở Việt Nam mà còn là ngày tết truyền thống của Trung Quốc, Nhật Bản hay Triều Tiên…

chia sẻ bài viết
Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link
Tác giả: Vũ Ngọc