Tham nhũng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực xăng dầu

09:58, Thứ tư 31/10/2012

( PHUNUTODAY ) - ĐB Lê Thị Nga.

Hiếm có lĩnh vực nào mà tất cả các bên liên quan đều bức xúc, người dân bất bình vì giá tăng nhanh, giảm chậm. Doanh nghiệp đại lý thì kêu lỗ, quản lý nhà nước lúng túng, ngân sách thất thu - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nói về những bất cập trong điều hành kinh doanh xăng dầu trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 30/10.
[links()]
Theo bà Nga, hiện có 12 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhưng tổng thị phần của Petrolimex, PV Oil và SaiGon Petro chiếm tới khoảng 90%. Riêng Petrolimex đã chiếm khoảng 60%.

Đây là nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Qua nhiều đợt tăng giá, cho thấy các doanh nghiệp đồng loạt tăng giống nhau. Đây là điều bất thường, có dấu hiệu cho thấy nhóm các DN thống lĩnh thị trường đã vi phạm luật Cạnh tranh.

 Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã 6 lần tăng, riêng trong tháng 8, giá xăng tăng 3 lần. Đến hẹn lại lên, cứ sát đến thời gian được phép điều chỉnh, doanh nghiệp lại báo lỗ, các đại lý than thiếu hàng và bán nhỏ giọt. Đồng thời, quan sát thấy rằng, trong những lần điều chỉnh gần đây, liên Bộ Tài chính - Công Thương thường chấp thuận tăng giá xăng sau khi có đề nghị của Petrolimex.

Tại cuộc họp giao ban của Bộ Công thương đầu tháng 9/2012, Cục Quản lý thị trường cho biết: Trong hai đợt tăng giá xăng dầu gần đây nhất là ngày 13 và 28/8 vừa qua, đã có 220 cửa hàng trong cả nước “đóng cửa” không bán xăng cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra của Cục và các Chi cục Quản lý thị trường, cũng có những cửa hàng đóng cửa do các nguyên nhân khách quan như: Hỏng hóc máy móc thiết bị thật sự, bị mất điện, đóng cửa ngoài thời gian niêm yết… chỉ có 140 cửa hàng nghỉ đóng cửa do nguồn cung xăng dầu không kịp thời, chiếm 65%. Cục đã kiến nghị Bộ Công Thương kiểm tra để có xử lý kịp thời.

Trưng biển
Trưng biển "hết xăng" để găm hàng đợi giá lên.

Ngay sau đó, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tước giấy phép kinh doanh 2 cây xăng của DNTN Ngọc Đến, do bà Phạm Thị Đến (thường trú 10A Hồ Hảo Hớn, P.Cô Giang, Q.1) làm chủ, phạt tiền với tổng tiền phạt 75 triệu đồng.

Đến cuộc họp báo thường kỳ ngày 1/10, Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương cho biết Cục đã tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của 3 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vì găm hàng chờ tăng giá.

"... Có đầy đủ căn cứ để Cục quản lý cạnh tranh điều tra về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường nhưng do cơ quan chủ quản của Petrolimex và Cục quản lý cạnh tranh đều thuộc Bộ Công thương nên chưa từng có một cuộc điều tra nào được thực hiện", bà Nga nói.

Tình trạng này kéo dài khiến Nhà nước luôn bị doanh nghiệp xăng dầu gây sức ép tăng giá, còn người dân thì luôn chịu thiệt thòi.

Trước biểu hiện vừa đá bóng vừa thổi còi trong quản lý xăng dầu, đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh, cử tri đang đặt câu hỏi về dấu hiệu tham nhũng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực xăng dầu. Vì vậy, đề nghị Bộ Công an vào cuộc kiểm tra những doanh nghiệp xăng dầu.

Bên cạnh đó, bà Nga cũng đề nghị, Quốc hội cần xây dựng Cơ quan giám sát thị trường độc lập, tách khỏi cơ quan quản lý nhà nước.

Liên quan đến vấn đề tạm nhập, tái xuất xăng dầu, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng, đường đi của xăng dầu tạm nhập tái xuất thời gian qua không được kiểm soát, thiếu minh bạch. Những sai phạm trong tạm nhập tái xuất chủ yếu được phát hiện bởi báo chí, khiến dư luận nghi ngờ năng lực kiểm tra của cán bộ quản lý thị trường có vấn đề hay đã cố tình tiếp tay cho sai phạm.

  • Minh Minh (Tổng hợp)
     
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc