Lễ Thất tịch – Tết Ngâu
Theo quan niệm trong dân gian từ xưa tới nay thì ngày Thất tịch 7/7 Âm lịch là một trong những ngày lễ quan trọng. Đồng thời, vào ngày này, dân gian gọi là ngày "ông Ngâu bà Ngâu" theo tích chuyện Ngưu Lang và Chức Nữ.
Ngoài tên gọi lễ Thất tịch, ngày này còn có tên là Tết Ngâu hay ngày ông Ngâu bà Ngâu. Trong ngày này người dân thường làm lễ để cúng lên bàn thờ Thần Tài, Tổ Tiên để mong cuộc sống bình an, hòa thuận, sung túc.
Lễ Xá tội vong nhân
Trong dân gian ngày xá tội vong nhân chỉ trong ngày Rằm tháng 7 chứ không phải cả tháng như nhiều người lầm tưởng. Ngày này dân gian cúng bố thí cháo loãng, gạo, bỏng, muối… cho các cô hồn không ai cúng bái. Đây là một việc làm mang tính nhân văn, cầu nguyện cho những vong hồn đang vất vưởng nơi dương gian được siêu thoát và đầu thai chứ không chỉ có mỗi hàm ý “xua đuổi” để người sống được yên ổn.
Theo các chuyên gia khoa học, ngày Rằm tháng 7 vốn là ngày cực thịnh của âm khí (là ngày Mặt trăng tác động mạnh nhất lên Trái đất) – nhất là trong tháng 7 âm lịch âm khí mạnh nên mất cân bằng âm dương, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Người xưa hay đốt vàng mã hóa cho người âm – là một trong những cách giúp cân bằng lại âm – dương khi khí âm cực vượng.
Lễ Vu lan báo hiếu
Theo quan niệm của Phật giáo Rằm tháng 7 gắn với lễ Vu lan, xuất phát từ sự tích về Đại đức Mục Kiền Liên (một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca) cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.
Theo kinh Vu Lan bồn, Mục Kiền Liên nghe lời Phật dạy đã nhờ hợp lực của chư tăng mười phương mong giải cứu mẹ mình ở cõi ngạ quỷ - và ngày Rằm tháng 7 âm là tốt nhất để cung thỉnh chư tăng, sắm sửa lễ cúng… nên mẹ ông đã được giải thoát.
Vào ngày lễ Vu lan người dân nườm nượp đi chùa cầu siêu cho tổ tiên, các đấng sinh thành, thập loại chúng sinh. Nhiều người tự giác ăn chay, bố thí cho người nghèo, phóng sinh tạo phước, cúng dường chư tăng… rồi hồi hướng công đức cho gia tiên và các chúng sinh.
* Thông tin chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm