Sáng nay, kì thi THPT Quốc gia 2017 đã mở đầu bằng môn thi Ngữ văn. Cấu trúc bài thi gồm 2 phần: phần Đọc hiểu (3 điểm) ra một văn bản nghị luận và 4 câu hỏi ; phần làm văn (7 điểm) với 2 câu: câu Nghị luận xã hội (2 điểm) và câu Nghị luận văn học (5 điểm).
Cấu trúc này đã được Bộ GD thông báo từ trước và đã được ra trong đề thi minh họa. Học sinh đã chuẩn bị tâm thế cho cấu trúc này nên sẽ không cảm thấy bất ngờ.
Đề thi tương đối nhẹ nhàng, có tính phân hóa
Phần đọc hiểu một đoạn trích trong văn bản “Thiện, Ác và Smartphone” (Tác giả Đặng Hoàng Giang). Sự phân hóa ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng được thể hiện khá rõ trong 4 câu hỏi. Cách hỏi sáng rõ, chặt chẽ; mức độ vừa sức nên học sinh có thể dễ dàng giải quyết.
Câu Nghị luận xã hội yêu cầu viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống. Trong tình trạng mà bệnh vô cảm, lối sống ích kỉ đang trở thành một vấn đề nhức nhối cho xã hội thì vấn đề đặt ra trong văn bản phần Đọc hiểu và câu Nghị luận xã hội có ý nghĩa nhân văn và giá trị giáo dục sâu sắc.
Câu Nghị luận văn học yêu cầu thí sinh trình bày cảm nhận về một đoạn thơ trong đoạn trích “Đất nước” (Trích trường ca “Mặt đường khát vọng”) của Nguyễn Khoa Điềm từ đó bình luận quan niệm về Đất nước của nhà thơ. Đây là đoạn thơ thuộc một văn bản đã học trong chương trình 12. Cách hỏi cũng quen thuộc nên các em hoàn toàn có thể dễ dàng giải quyết.
Nhìn chung đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm nay tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với trình độ chung của học sinh các vùng miền trong cả nước.
Đề thi sâu sắc, có tính nhân văn và giáo dục
“Thiện, Ác và Smartphone” là một văn bản văn xuôi có nội dung bàn về lòng trắc ẩn, thấu cảm của con người trong cuộc sống. Đây là một văn bản có nội dung sâu sắc, hướng giới trẻ biết sống thấu hiểu, chia sẻ với con người, cuộc sống xung quanh mình. Đây là điều cần thiết khi cuộc sống hiện tại đang tồn tại hiện trạng vô cảm như một căn bệnh.
Các câu hỏi sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó, phù hợp với dạng đọc hiểu, kiểm tra được kĩ năng đọc hiểu của học sinh từ hình thức đến nội dung, phù hợp với các mức độ của từ nhận biết đến thông hiểu, vận dụng.
Câu hỏi 4 của phần đọc hiểu khá hay. Câu hỏi này cho phép học sinh bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình miễn là có những lí giải phù hợp. Học sinh có thể đồng tình hay không đồng tình với quan điểm của người viết “Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm”.
Với câu 1 của phần Làm văn, thí sinh cần lưu ý đọc kĩ yêu cầu kẻo nhầm lẫn viết chung chung về lòng thấu cảm. Yêu cầu hướng đến là ý nghĩa, tác dụng của lòng thấu cảm trong cuộc sống. Tùy vào sự hiểu biết, vốn sống của các em mà có thể có những quan điểm khác nhau về ý nghĩa của lòng thấu cảm. Câu này cũng tạo điều kiện để học sinh bày tỏ quan điểm của riêng mình.
Còn trích đoạn “Đất Nước” trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, quan điểm của nhà thơ về đất nước là: đất nước thiêng liêng lớn lao mà vô cùng bình dị, gần gũi với mỗi người. Hãy yêu quý, trân trọng đất nước như yêu quý trân trọng những gì thân thương nhất.
Đề thi Ngữ văn - Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã hướng học sinh đến tình yêu và trách nhiệm với quê hương đất nước, một tình cảm lớn có tính truyền thống trong đời sống tâm hồn người Việt. Đề thi rất hay và có tính phân hóa cao bởi đây là đoạn thơ hay, sâu sắc nhưng không dễ cảm nhận. Yêu cầu trình bày quan điểm của nhà thơ về đất nước phù hợp với học sinh khá, giỏi.
Nhìn chung đề thi Ngữ văn năm nay cơ bản, bám sát đề minh họa, bám sát chương trình Ngữ văn 12, có độ phân hóa cao, có tính giáo dục, tính nhân văn phù hợp với kì thi 2 mục đích: vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh ĐH, CĐ.