Thiếu tướng Đinh Mộng Tiên và chuyện hóm hỉnh trong đời!

07:36, Thứ sáu 02/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Thiếu tướng ngậm ngùi: “Lấy chồng cán bộ tưởng là ấm thân, ai ngờ tôi cũng chỉ mang lại cho bà ấy cái danh mà không có thực”.

Nước da trắng hồng, gương mặt phúc hậu, mái tóc bạc phơ và nụ cười hóm hỉnh dễ gần là những nét đầu tiên khiến tôi bất ngờ khi gặp ông: một vị tướng đã ngoài tuổi 80, người đã mấy lần suýt chết, đã có lần đột quỵ tưởng chừng không qua khỏi,… nhưng ông vẫn minh mẫn, vẫn lạc quan và khỏe mạnh. Ông là Thiếu tướng Đinh Mộng Tiên nguyên Phó ban tuyên huấn sư đoàn 36, Phó Chủ nhiệm Chính trị sư đoàn 719 (sư đoàn quân tình nguyện tại Campuchia).
[links()]
Vị Thiếu tướng 4 lần tập đi

Không ai nghĩ rằng vị Thiếu tướng có nước da trắng hồng, khỏe mạnh ấy lại có mấy lần suýt chết, bằng nghị lực sống phi thường của mình ông đã đứng dậy mò mẫm từng bước, từng bước,… và mỗi lần như vậy ông như được hồi sinh, được sống thêm một lần nữa...

Thiếu tướngThiếu tướng Đinh Mộng Tiên sinh ra và lớn lên tại vùng quê chiêm trũng Kim Bảng - Hà Nam năm 1929.

Ngay từ nhỏ, từ lúc còn mon men tập đi, Tiên đã được nghe nhiều đến cách mạng, đến đấu tranh, bởi cha ông cũng là một chí sĩ yêu nước, hơn nữa chi bộ Đảng của huyện lại được thành lập ngay tại nhà bác ruột nên Tiên sớm tiếp thu và noi theo những tư tưởng và đường lối của Đảng.

Thiếu tướng Đinh Mộng Tiên
Thiếu tướng Đinh Mộng Tiên

Đến tuổi cắp sách tới trường, cậu bé Tiên bắt đầu với nhiệm vụ mới: trở thành chú bé liên lạc trong địa bàn huyện. Ngày ngày, cứ tan giờ học là Tiên về nhà bác ruột mình để nhận nhiệm vụ rồi líu lo nhảy nhót đi đưa tài liệu mà không lần nào bị phát hiện.

Ngày cách mạng Tháng Tám nổ ra, Tiên được các đồng chí cấp trên giao cho nhiệm vụ tìm cách trà trộn vào trong văn phòng của huyện và khi có chỉ thị thì tấn công từ trong ra.

Với sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng và có kế hoạch cụ thể mà việc cướp chính quyền ở huyện Kim Bảng diễn ra nhanh chóng và không gây tổn thất gì cho nhân dân và quân đội. Đó là chiến công đầu tiên trong cuộc đời ông, khi tham gia trận đánh lớn như vậy.

Cũng từ sau ngày khởi nghĩa, cái tên Đinh Mộng Tiên đã được lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh để ý, nên khi có chỉ thị của Trung ương Đảng cử cán bộ đi học, ông đã được đề bạt đi học ngay đợt đầu này.

Chỉ được 15 ngày học, còn chưa biết được những môn cơ bản thì có lệnh trong Nam, Thực dân Pháp đang tìm cách gây hấn, xâm lược lại nước ta. Sau ngày 23/9/1945, ông được lệnh điều vào chiến trường Nam Bộ trực tiếp chiến đấu.

Dù còn trẻ tuổi (18 tuổi) nhưng ông đã được giao trọng trách làm Chính trị viên trung đội dù khi ấy ông chưa là Đảng viên. Nhưng với sức trẻ và tinh thần chiến đấu của mình, ông đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sau đó một năm, ông bị sốt rét ác tính phải đưa về Bắc điều trị. Đó là trận ốm thập tử nhất sinh đầu tiên trong đời ông. Mãi mấy tháng sau, ông mới có thể đứng dậy đi lại và trở thành một cán bộ trẻ nhất huyện Kim Bảng thời ấy.

Năm 1950, ông được cử đi học tiếp lớp Lục quân khóa 6 tại Trung Quốc. Sau một năm học tập, ông được điều về sư đoàn 308, sư đoàn quân tiên phong trực tiếp chiến đấu tại chiến trường.

Trận đánh mà ông nhớ nhất, đó là lần ông bị thương nặng, không đi được và giờ thì các mảnh bom vẫn găm đầy người. Đó là trận đánh giải phóng vùng Nậm U - Lào chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông còn nhớ rất rõ, khi đó sư đoàn 308 đã được nhiệm vụ chuẩn bị cho trận chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” nhưng vì đây là trận đánh có ý nghĩa vô cùng quan trọng nên khi nhận thấy tình hình chiến trường có nhiều thay đổi gây khó khăn cho quân ta.

Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất lúc này là “đánh chắc thắng” Bộ chỉ huy đã ra quyết định chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chậm”.

Toàn bộ pháo của ta đưa lên Điện Biên Phủ lúc ấy đều có lệnh phải kéo ra khỏi vị trí về vùng tập kết, chuẩn bị cho phương án mới. Khi đó Sư đoàn 308 cũng nhận được lệnh hướng về phía Luông Pha Băng tiến quân, giải phóng đồng bào dọc lưu vực sông Nậm U.

Sư đoàn 308 lúc này được chia ra làm 3 trung đoàn: trung đoàn 36, trung đoàn 88 và trung đoàn 102. Khi đó Thiếu tướng Đinh Mộng Tiên giữ chức Chính trị viên phó Tiểu đoàn ở Trung đoàn 36 do đồng chí Phạm Hồng Sơn chỉ huy.

Đoạn đường hành quân từ Nậm Ngà về Luông Pha Băng rất nhiều mìn, đã có rất nhiều cán bộ, chiến sỹ hy sinh trên con đường ấy, bản thân Thiếu tướng Đinh Mộng Tiên dù không hy sinh nhưng những mảnh đạn trên người ông thì còn lại rất nhiều cho đến ngày nay.

Để tránh thương vong và bảo đảm tốc độ hành quân, trung đoàn 36 tìm một con đường khác là đi men theo sông Nậm U, nhưng đây cũng là đoạn đường hết sức nguy hiểm, địch ở bên kia sông luôn bắn pháo truy kích, dọc đường lại bị chúng cài bom nhiều.

Trong lần hành quân ấy, ông bị thương nặng, hai đồng chí bên cạnh ông đã hy sinh, còn ông thì nằm bất tỉnh, không đi lại được.

Mãi 4 tháng sau, ông mới hồi sức và từng bước tập đi. Khi đó ai cũng nghĩ ông khó lòng qua khỏi với hàng trăm mảnh đạn găm vào người và nếu có khỏi thì nguy cơ bị liệt là rất cao.

Ấy vậy mà ông vẫn sống và vẫn tiếp tục trở về với lực lượng bộ binh hành quân khắp các chiến trường trong nước cho đến chiến trường quốc tế.

Lần thứ tư trong đời ông tập đi đó là năm 1988, khi đó ông đang là Phó Chủ Nhiệm chính trị Sư đoàn 719 (sư đoàn quân tình nguyện tại Campuchia). Sau khi làm xong báo cáo với lãnh đạo nước bạn, ông bị đột quỵ.

Các bác sỹ cho biết, tình trạng bệnh của ông khó mà qua khỏi. Cũng may lúc đó có chị Phúc là vợ của anh Lê Hai (phó Tư lệnh chính trị), đề nghị các bác sỹ đưa ông về bệnh viện 108. Ông được đưa ra viện 108 với tình trạng cấp cứu hết sức nguy kịch, các bác sỹ đều lắc đầu e ngại.

Thế nhưng ông đã vượt qua được trận ốm ấy một cách thần kỳ. Sau này, mỗi lần có dịp đến viện 108, các bác sỹ lại trêu ông là “người từ cõi chết trở về”.

Ba tháng sau ngày được đưa vào viện 108, sức khỏe ông dần hồi phục nhưng toàn thân bất động, ai cũng nghi ông chỉ giữ được sự sống còn mọi sinh hoạt đều phải bất động.

Nhưng rồi bằng nghị lực của một người lính từng vào sinh ra tử, ông lại từng bước đứng lên, mon men dựa tường tập đi một lần nữa. Sau lần bị ốm đó ông quyết định xin nghỉ việc và tham gia vào lớp tập dưỡng sinh, sức khỏe của ông dần hồi phục trở lại.

Đã hơn 20 năm trôi qua sau lần suýt chết ấy, sức khỏe của ông cũng suy yếu đi nhiều. Ở cái tuổi ngoài 80, nhìn nước da vẫn trắng hồng nhưng dưới lớp da ấy là bao nhiêu mảnh bom, đạn vẫn phập phồng, đau nhói vẫn ngày ngày như thách thức người lính già đang phải sống chung với những nổi đau của chiến tranh, với những hoài niệm tiếc nuối…

Kìm nén những nỗi đau trong tâm hồn ông thở phào, cười nhẹ “không biết đời tôi còn được tập đi thêm lần nào nữa không?”

Vợ Thiếu tướng phải đi bán nước vối dạo

Nói về người vợ của mình, Thiếu tướng Đinh Mộng Tiên cười hóm hỉnh: “Vợ tớ hay lắm!” nói rồi ông dẫn tôi vào xem di ảnh của bà. Quả đúng như lời ông nói, bà là người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn và nụ cười đôn hậu.

Bà lấy ông từ khi mới 19 tuổi, khi đó bà hơn ông một tuổi nhưng trông bà rất trẻ. Bà vốn là con của một gia đình làm nghề gốm cũng có của ăn của để trong làng. Khi lấy ông, lúc đó ông đang là chính trị viện huyện đội Kim Bảng kiêm Bí Thư chi bộ huyện, nên cũng nhiều người ganh tị.

Thiếu tướng ngậm ngùi: “Lấy chồng cán bộ tưởng là ấm thân, ai ngờ tôi cũng chỉ mang lại cho bà ấy cái danh mà không có thực”. Thời gian ông làm ở huyện đội rất ngắn, chỉ được hơn hai năm rồi lại rong ruổi khắp các chiến trường.

Những lần về quê thăm vợ của ông rất ít ỏi. Hòa bình lập lại, gia đình người khác thì được sum họp nhưng gia đình ông vẫn mỗi người một nơi.

Chiến tranh biên giới kết thúc, ông được điều sang làm phó chủ nhiệm chính trị của cơ quan chính trị quân tình nguyện tại Campuchia rồi ở lại bên ấy đảm nhiệm trọng trách công tác chính trị suốt 9 năm trời.

Năm 1985, ông được phong hàm Thiếu tướng, nhưng với đồng tiền lương ít ỏi, lại đông con nên vợ ông vẫn phải lặn lội với gánh nước vối đi bán dạo khắp các ngõ phố để kiếm tiền nuôi con ăn học.

Dù khó khăn vất vả là thế nhưng lúc nào bà cũng cười, lạc quan, chẳng trách móc gì chồng cả, vẫn luôn động viên chồng cố gắng công tác tốt, còn con cái thì một tay bà lo tất.

Vợ chồng tôi thì đông con lắm, ngày còn đi làm mỗi lần kê khai lý lịch tôi hay trêu: phải in cho tôi tờ khác, tờ này mục con cái ít quá, không đủ để kê khai! Mọi người đều cười ồ lên và trêu tôi vì tội lắm con.

Vợ chồng tôi có tới 8 người con, 6 trai hai gái. Cũng chỉ vì muốn có cô con gái đỡ đần mẹ lúc già yếu cho tình cảm mà bà ấy cố mãi đấy!”. Nói rồi Thiếu tướng cười sảng khoái,… tiếng cười hào sảng của vị tướng trận mạc giờ thật viên mãn bên những đứa con, đứa cháu thành đạt.

Ông nói trong niềm hạnh phúc: “Phải nói bà ấy tài thật, mình đi đánh giặc thì chỉ đánh từng loại giặc một thôi: xong đánh Pháp thì đánh Mỹ, xong đánh Mỹ thì đến biên giới,… còn bà ấy ở nhà một lúc đánh vật với 8 đứa trẻ, đứa đòi ăn, đứa đòi bú, đứa khóc, đứa la, đứa ốm, đứa sài,…..phải nói Phụ nữ Việt Nam mình sức chịu đựng tài thật.

Nếu cho cánh đàn ông chúng tôi ở nhà thì chắc là chúng tôi xin đầu hàng cả hai tay!...”.

  • Nguyễn Thị Hải
     
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc