Cách bảo quản thịt lợn đúng nhất
Bước 1: Thịt lợn sau khi mua về các mẹ chia nhỏ thành từng phần đủ với lượng ăn của gia đình trong 1 bữa.
Bước 2: Rửa sạch thịt lợn để loại bỏ bụi bẩn bám trên bề mặt thịt. Cách rửa đúng nhất là bỏ thịt vào thau nước sạch, thêm một chút giấm trắng, 1 thìa bột mì, ½ thìa muối khuấy đều lên cho tan hết và ngâm trong 20 phút.
Bước 3: Lấy thịt ra, rửa lại với nước sạch thêm 2 - 3 lần nữa.
Bước 4: Chị em dùng giấy ăn để thấm bớt nước trên bề mặt thịt, tránh để hơi ẩm đọng lại trên bề mặt thịt khi bảo quản tủ lạnh, làm ảnh hưởng đến mùi vị, phá hủy cấu trúc của bề mặt thịt.
Bước 5: Các mẹ lấy cọ phết 1 lớp dầu ăn lên bề mặt thịt. Dầu ăn có tác dụng tạo thành lớp màng bảo vệ, giúp khóa ẩm, chất dinh dưỡng trong thịt cũng không bị mất đi, ngăn cách thịt với không khí, thịt giữ được hương vị thơm ngon như vừa mới mua.
Bước 6: Dùng màng bọc thực phẩm để bọc miếng thịt lại. Trong quá trình bọc phải xả hết không khí, nếu không thì sau khi bỏ tủ đá trên mặt miếng thịt sẽ xuất hiện 1 lớp sương, thịt bị khô.
Bước 7: Cuối cùng, bỏ thịt lợn cần bảo quản vào ngăn đá, khi ăn thì ăn bao nhiêu lấy ra bấy nhiêu. Như thế thịt sẽ luôn tươi, mềm, không bị khô.
Cách nhận biết thịt lợn tươi ngon, an toàn
Màu sắc, mùi thịt
Một trong những cách chọn thịt lợn sạch phổ biến nhất là quan sát màu và xem xét mùi của thịt.
Theo đó, thịt lợn chất lượng sẽ có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm, mùi không bị ôi thiu.
Khi cắt thịt theo chiều dọc sẽ thấy được phần thịt khô ráo bên trong, cơ hơi se lại, lớp bì mềm, mỡ màu trắng trong đến hơi ngà và khi ngửi không có mùi gắt dầu.
Ngoài ra khi đem luộc, nước sẽ trong, xuất hiện váng mỡ to và không bị bọt nhiều.
Độ đàn hồi
Thịt lợn sạch là thịt tươi mới nên có độ đàn hồi rất tốt. Vì thế khi mua hàng, bạn hãy dùng ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra.
Lúc này khi quan sát, nếu thấy các thớ thịt đều, săn chắc, không nhũn nhão, đàn hồi tốt, không rỉ dịch, chảy nhớt thì chính là thịt lợn ngon.
Lớp mỡ, thịt
Thông thường, thịt lợn ngon sẽ có lớp mỡ dày khoảng 1,5 – 2cm. Trong đó, lớp mỡ và phần thịt nạc dính chặt với nhau. Theo một số người, nếu lớp mỡ và bì càng dày thì chứng tỏ đó là lợn không bị nuôi tăng trọng.
Dấu hiệu thịt lợn bị nhiễm ký sinh trùng, thịt lợn bẩn
Bên cạnh mùi tanh, ôi thiu và có độ đàn hồi kém, thịt lợn kém chất lượng còn có màu sắc bất thường. Cụ thể:
Thịt lợn bị thương hàn: Bề mặt da có những nốt bầm hoặc lấm tấm xuất huyết.
Thịt lợn bị tụ huyết trùng: Thịt có những mảng bầm, tụ máu.
Thịt lợn bị nhiễm giun sán: Xuất hiện những hạt như hạt gạo nếp (đây là ấu trùng sán tập trung thành từng bọc) trên thịt.
Thịt lợn bị ngâm hàn the: Quan sát thấy thấy thịt nhão, rỉ dịch và có mùi không tươi như bình thường. Sau khi rửa sẽ thấy thịt chuyển sang màu nhạt dần và có mùi tanh vì ngâm phẩm màu pha tiết lợn.
Thịt lợn bị tả: Những nốt xuất huyết thường nằm dưới da hoặc trên vành tai, lấm tấm như nốt muỗi đốt.
Thịt lợn bị viêm gan: Thịt lợn có màu vàng.
Cần lưu ý rằng, sau khi mua về, nếu không được bảo quản đúng cách, thịt lợn vẫn có thể bị kém chất lượng, thậm chí là gây ngộ độc cho người dùng.
Vì thế, để bảo quản thịt lợn tươi, tốt nhất bạn nên bọc thịt lợn kỹ lưỡng và cho vào tủ lạnh. Cần lưu ý thịt lợn tươi cần được đặt xa những thực phẩm đã chính hoặc ăn sống (rau, trái cây) khác.
Bên cạnh đó, nếu không chế biến thịt ngay, bạn nên đặt thịt trên ngăn đá. Còn nếu cần chế biến trong thời gian ngắn, bạn nên để thịt ở ngăn mát để tiết kiệm thời gian chờ rã đông.
Với những mẹo này, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn những miếng thịt tươi ngon, góp phần làm đậm đà bữa cơm gia đình.