Giảm năm đóng bảo hiểm còn 15 năm: Ai là người sẽ được hưởng lợi nhiều nhất?

( PHUNUTODAY ) - Việc giảm năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm giúp người lao động dễ dàng đạt đủ điều kiện cần thiết để được hưởng lương hưu.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Việc giảm năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm giúp người lao động dễ dàng đạt đủ điều kiện cần thiết để được hưởng lương hưu. Trong đề xuất này, lao động nữ có lợi hơn khi tỷ lệ hưởng lương hưu khi đóng đủ 15 năm là 45%.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đề xuất giảm số năm tối thiểu đóng BHXH

img-bgt-2021-bh1-1678362933-width700height466

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, kinh nghiệm của nhiều nước quy định thời gian tham gia bảo hiểm xã hội 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mặc dù thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn thì mức lương hưu có thể thấp. Tuy nhiên, với khoản lương hưu được trả hằng tháng thì vẫn đảm bảo tốt hơn cuộc sống cho người lao động khi về già, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc đảm bảo trợ cấp xã hội cho người cao tuổi.

Đánh giá tác động của việc giảm năm đóng bảo hiểm xuống 15 năm, Bộ cho rằng không có tác động về kinh tế, do ngân sách Nhà nước không phát sinh thêm chi phí trong việc thực hiện chính sách này.

Tuy nhiên, việc giảm điều kiện về số năm đóng để hưởng lương hưu có thể giúp làm gia tăng số người được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, giảm gánh nặng cho Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội, việc giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội cần thiết để người lao động có thể hưởng lương hưu khi đủ tuổi, có nghĩa là so với quy định hiện hành thì người lao động có thể được hưởng lương hưu sớm hơn, trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng từ đủ 15 năm trở lên. Đối với người lao động, việc sửa đổi chính sách sẽ giúp họ dễ dàng đạt đủ điều kiện cần thiết để được hưởng lương hưu.

Lao động nữ có lợi hơn khi giảm số năm tối thiểu đóng BHXH

daycu-16777237731431099994087

Cách tính mức lương hưu của người nghỉ hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, do vậy việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người nghỉ hưu ở mức lương hưu thấp.

Nếu đề xuất trên được thông qua, nữ tới tuổi nghỉ hưu khi có 15 năm đóng BHXH sẽ được tính lương hưu bằng 45% mức đóng. Trường hợp người lao động được đóng BHXH chỉ bằng mức lương tối thiểu, trong 15 năm đóng vừa qua, bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chỉ 3,8 triệu đồng/tháng, nếu về hưu sẽ được mức lương 1,7 triệu đồng/tháng.

Với nam, nếu tới tuổi nghỉ hưu khi mới tham gia BHXH 15 năm, mỗi năm đóng sẽ được tính bằng 2,25% (do chưa đủ 20 năm đóng để được tính 45% lương), lương hưu được tính bằng 33,75% tiền lương tháng tính đóng BHXH. Nếu cùng mức lương tháng tính đóng BHXH là 3,8 triệu đồng/tháng như nữ, cùng đóng 15 năm, nam về nghỉ hưu sẽ nhận mức lương chưa tới 1,3 triệu đồng/tháng.

rut-bhxh-1-lan-1678413665633111435300

Như vậy, xét về khía cạnh giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng phương án giảm năm đóng thì nữ giới có lợi hơn khi tính mức lương hưu, do tỷ lệ hướng lương hưu khi đóng đủ 15 năm là 45%, trong khi với nam giới là 33,75%.

Đặc biệt đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1.500.000 đồng/tháng. Với nhóm này, thời gian tham gia vừa đủ 15 năm thì mức hưởng của những người này khi nghỉ hưu sẽ khá thấp, chỉ nhỉnh hơn một chút so với trợ cấp hưu trí xã hội. Đồng thời, theo định hướng thì tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ được giảm theo lộ trình. Điều này lại tiếp tục ảnh hưởng đến việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo:  xevathethao.vn copy link