Mới đây, dư luận cả nước đã không khỏi bất ngờ khi vụ việc bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác nạn nhân xuất hiện thêm một tình tiết mới đó là bảo vệ Cát Tường trộm điện thoại iPhone 5s của chị Huyền. Lợi dụng lúc nhân viên trong thẩm mỹ viện Cát Tường nhốn nháo, trong quá trình cùng Nguyễn Mạnh Tường vứt xác phi tang, Đào Quang Khánh đã thò tay vào túi của nạn nhân Huyền trộm chiếc iPhone 5S.
Theo lời khai của Khánh, do điện thoại đặt mật khẩu bằng vân tay nên trong thời gian chiếm đoạt Khánh không sử dụng được. Khánh đem cho bạn bè mượn. Đến nay, chiếc điện thoại đã được công an thu hồi. Mặc dù trước đó, khi bị bắt, công an đã đặt nghi vấn về việc mất tích một chiếc điện thoại của nạn nhân song Khánh phủ nhận sự liên quan.
Bảo vệ TMV Cát Tường vừa bị khởi tố thêm tội Trộm cắp tài sản. |
Quả thật khó tin khi hành động hôi của đã trở nên vô cảm đến mức có những người không ngại ngần "cướp" của người chết.
Trước đó, đã có hàng loạt những vụ việc hôi của diễn ra. Vào ngày 4/12, Chiếc xe tải chở khoảng 1.500 két bia đang di chuyển từ TP.HCM đi TP. Phan Thiết nhưng khi đến khu vực vòng xoay Tam Hiệp (thuộc KP.1, phường Bình Đa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) thì gặp tai nạn. Do xe bất ngờ đổi hướng nhằm tránh va chạm vì đường đông phương tiện tham gia giao thông, khiến hàng ngàn két bia Tiger trên thùng xe đã đổ xuống đường. Rất may là không có thiệt hại về người.
Những tưởng sau khi gặp tai nạn, người dân xung quanh sẽ giúp đỡ tài xế thu gom số bia bị đổ ra đường để vớt vát tài sản thế nhưng theo chia sẻ của anh Hậu (tài xế lái xe) thì số người giúp đỡ anh rất ít, còn đa số chỉ nhảy vào tranh giành lấy hết số bia lon còn nguyên vẹn. Không những thế, nhiều người còn thản nhiên leo lên cả thùng xe để lấy bia, giống như tài sản của chính họ. Một số người dân chứng kiến cho biết, vài người đến hôi của đã đưa cả xe ba gác ra chở bia trước sự bất lực của tài xế. Cả xe bia cuối cùng giữ lại cũng chỉ được 10%, con số thất thoát không hề nhỏ.
Trước vụ việc trên, rất nhiều người đã tỏ ra bức xúc, lên án những kẻ tham lam hôi của ấy. Tuy nhiên, có một thực tế là việc hôi của không chỉ diễn ra một, hai lần mà liên tục xảy ra khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Thậm chí chuyện hôi của đã trở nên bình thường đến mức chỉ cần có tai nạn rơi đồ mà không thấy mọi người xong vào hôi của là ai cũng biết xung quanh đường ấy không có nhà dân.
Còn nhớ, cách đây không lâu, ở TP.HCM, một người đàn ông trong vụ cướp giật cố giành lại túi xách từ tay hai tên cướp, thì túi bị rách, một xấp tiền 100.000 đồng bung ra, bị gió thổi bay tứ tung. Chỉ trong giây lát, hàng chục người từ trong nhà lao ra nhặt tiền mặc cho đường có rất nhiều xe tải lớn đang di chuyển tạo nên một khung cảnh vô cùng hỗn loạn. Trong số hàng chục người đó, chỉ có duy nhất một anh tài xế của xe khách là dừng xe, nhảy xuống phụ lượm tiền đưa lại cho người chủ.
Đám đông lao ra nhặn tiền rơi không ngại nguy hiểm trên đường |
Tại Thủ đô văn minh vào ngày 2/9, trước cửa UBND quận Ba Đình, Đại sứ quán Hà Lan đã tổ chức phát tặng 3.000 chiếc áo mưa cho người dân Hà Nội, với mong muốn nâng cao nhận thức chung về biến đổi khí hậu cho mọi người. Tuy nhiên, khi vị đại diện người Hà Lan còn chưa kịp phát biểu xong về thông điệp buổi lễ thì không khí hội trường bỗng trở nên ồn ào, hỗn loạn hơn bao giờ hết khi những chiếc áo mưa được bày ra và từng nhóm người đổ xô vào tranh giành nhau. Ai cũng cố gắng lấy được càng nhiều càng tốt. Có người trên tay cầm tới 4 – 5 chiếc áo mưa rồi nhưng vẫn cố xô lấn để lấy thêm. Có người thì “ý nhị” hơn khi mang cất “chiến lợi phẩm” vào cốp xe rồi sau đó chạy ra lấy tiếp. Nhiều người còn chạy hẳn lên sân khấu để tranh giành, thậm chí giật áo mưa từ tay vị đại diện người Hà Lan và các tình nguyện viên.
Những vụ việc trên ngay sau khi xảy ra đã khiến dư luận vô cùng bất bình, bất xúc. Người cảm thấy xấu hổ thay cho những kẻ tham gia hôi của, thậm chí có người đã không tiếc lời mắng nhiếc hành động vô cảm và nhẫn tâm ấy.
Người Việt từ xưa đến nay vẫn luôn tâm niệm "đói cho sạch, rách cho thơm" , thế nhưng trước những vụ việc người nghèo cướp của người nghèo như trên, quả thật khó tránh nổi cảm giác xót xa, xấu hổ.
Mặc dù ngay sau đó người ta đã động viên nhau rằng người tham gia hôi của chẳng qua chỉ là một bộ phận nhỏ mà thôi. Và đó quả thực là điều may mắn!
Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là liệu những người tham gia hôi của có thật sự là số ít trong xã hội?
Đáng buồn là trong các vụ việc kể trên những người đứng ra giúp nạn nhân ngăn cản hành động hôi của lại là số ít, nếu không muốn nói là vô cùng hiếm. Rất đông người vơ vét bia mà chẳng có lấy một người ngăn cản, mấy chục người nhặt tiền mà chỉ có một tài xế xe khách trả lại tiền... Vì vậy sẽ rất khó để bắt bẻ nếu có người cứ khăng khăng cho rằng thói hôi của là của số đông người Việt.
Hơn nữa, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã từng nhận xét về tính cách người Việt: "Cái xấu người Việt có rất nhiều và tựu trung lại một đó là sự tham và gian". Mấy ai trong xã hội này dám lớn tiếng khẳng định rằng mình không tham?
Từ đó chúng ta hoàn toàn có thể hiểu hôi của không chỉ là hành động của một bộ phận nhỏ trong xã hội mà đã là căn tính của người Việt.
Người xưa đã dậy "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", một khi hôi của đã là căn tính của người Việt thì thay vì la toáng lên trách móc như phần đông mọi người vẫn làm, mỗi người hãy tự soi và điều chỉnh lại mình thì hơn.