Tiết kiệm điện nước không chỉ giúp gia đình bạn giảm tiền hóa đơn. Đặc biệt giữa lúc kinh tế chưa có nhiều phục hồi thì tiết kiệm càng tốt. Người xưa dạy làm ra tiền mà không biết tiết kiệm thì cũng hết thế nên tiết kiệm là từ khóa chưa bao giờ được nhắc nhiều như bây giờ. Hơn nữa điện nước là tài nguyên quốc gia, tiết kiệm tài nguyên còn góp phần xây dựng cho thế hệ tương lai sau này.
Để tiết kiệm hãy duy trì các thói quen sau:
Các mẹo tiết kiệm điện hiệu quả
Rút phích điện các thiết bị khi không dùng: Đây là thói quen tốt khiến giảm tiền điện nhưng nhiều người lại lười và ngại. Các thiết bị hay ngốn điện cần phải rút phích khi không dùng là siêu nước, bình nóng lạnh, quạt, sưởi... Đừng chỉ tắt nguồn mà hãy rút cả phích điện ra khi bạn đi ra ngoài lâu hoặc khi bạn không dùng lâu ngày.
Không sạc điện thoại, máy tính qua đêm: Sạc pin qua đêm cũng là cách vừa nhanh làm hỏng thiết bị lại tăng tốn tiền điện. Do đó hãy sạc pin trong khi bạn còn thức và rút chúng ra khi đã đi ngủ, khi pin đã đầy. Việc cắm sạc liên tục cũng khiến cho thiết bị nhanh nóng và nhanh hỏng hơn.
Sắp xếp việc dùng đồ điện trong gia đình khoa học, nối tiếp để giảm điện năng: Có nhiều hoạt động hàng ngày nếu làm khoa học thì sẽ tiết kiệm hơn. Ví dụ ngày nào bạn cũng cần mở tủ lạnh lấy đồ nấu ăn. Trong một lần nấu ăn hãy nghĩ xem cần lấy gì trong tủ lạnh thì lấy luôn, tránh việc vài phút lại mở tủ lấy một thứ. Mở cửa tủ lạnh nhiều gây tốn điện và còn ảnh hưởng tới việc bảo quản.
Dùng bình nóng lạnh cũng vậy, nên sắp xếp để cả gia đình tắm vào một khung giờ kế tiếp nhau, tránh tắm quá xa nhau thì bình nóng lạnh bật lên nước nóng rồi lại nguội rồi lại phải làm nóng lại...
Dùng miếng cách nhiệt cho mái nhà, tường, sàn: Đây là một giải pháp có vẻ tốn kém nhưng đầu tư 1 lần cho cả mai sau. Cách làm này giúp bạn tiết kiệm dùng năng lượng điện cho cả mùa đông và mùa hè. Do đó nếu nhà bạn có thiết kế tạo hơi nóng nhiều thì càng nên làm cách nhiệt để giảm nóng mùa hè.
Chọn kính lắp cửa phù hợp: Cửa kính chính là một dạng làm cho nhà nóng lên nếu không chọn đúng. Cửa sổ tiết kiệm năng lượng có nhiều kiểu dáng và chất liệu khung khác nhau. Cách để xác định hiệu suất là xem chúng cách nhiệt tốt như thế nào, cho phép ánh mặt trời xuyên qua và ngăn "rò rỉ" không khí ra sao.
Lắp hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng: Hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp giảm hóa đơn tiền điện mà còn giảm lượng khí thải carbon dioxide trong khi vẫn đảm bảo chất lượng ánh sáng trong ngôi nhà. Nếu thay thế tất cả các bóng đèn trong nhà bằng đèn LED, bạn có thể giảm tới 40kg lượng khí thải carbon dioxide (50kg theo NI) mỗi năm.
Tắt các bóng điện khi không cần
Nhiều người thường để quá nhiều bóng điện khi không cần thiết. Điều đó vừa khiến cho bóng nhanh bị hỏng lại gây tốn năng lượng và đôi khi ảnh hưởng xấu tới giấc ngủ.
Các mẹo tiết kiệm nước trong nhà
Để tiết kiệm nước bạn cần chú ý khi sử dụng:
Chống rò rỉ trong nhà: Nếu trong nhà có vòi nước hỏng, rò rỉ hãy sửa ngay, đừng cho rằng chúng rò rỉ không đáng bao nhiêu. Vòi nước rò rỉ vừa làm ẩm ướt không gian sống vừa gây tốn nước.
Nấu nước uống vừa đủ: Nhiều nhà mỗi lần nấu nước uống là nấu cả siêu đầy nhưng không dùng hết, hôm sau lại đổ đi rồi lại nấu siêu khác. Điều đó vừa khiến bạn tốn nước và tốn cả tiền điện.
Kiểm tra hệ thống nước định kỳ: Việc kiểm tra định kỳ thiết bị nước như vòi nước, ống nước sẽ đảm bảo chúng hoạt động tốt nên giảm nguy cơ tiêu tốn nguồn nước. Việc kiểm tra hệ thống nước định kỳ giúp bạn sớm phát hiện tình trạng rò rỉ, hỏng hóc để kịp thời sửa chữa và thay thế
Thay thế các loại vòi nước bằng vòi phun: Vòi nước dạng phun tia nhỏ có thể điều chỉnh được lượng nước chảy qua, không chỉ giúp bạn thoải mái, tiện lợi khi sử dụng mà còn giúp bạn tiết kiệm đáng kể lượng nước so với vòi thông thường.
Tận dụng nguồn nước có thể tái sử dụng: Thay vì vo gạo đổ nước đi, bạn giữ lại nước đó tưới cây vừa tốt cây vừa tiết kiệm nước. Dùng nước giặt quần áo hay nước rửa bát để cọ sân vườn, giảm một lượng lớn nước. Dùng nước thải điều hòa giặt rửa và tưới cây...