Ngày 29/6, đại diện UBND xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) khẳng định trên địa bàn không xảy ra vụ bắt cóc trẻ em nào. “Nhiều ngày nay, trên địa bàn xã Hòa Bình không xảy ra vụ bắt cóc trẻ em nào và cũng không có đối tượng phụ nữ cùng 2 thanh niên nào có biểu hiện khả nghi như trên mạng xã hội đăng tải. Tất cả những thông tin cho rằng có vụ bắt cóc trẻ em xảy ra ở xã Hòa Bình chỉ là tin đồn bịa đặt, chúng tôi rất bức xúc về việc này”.
Trước đó, ngày 28/6, một tài khoản facebook T.T. đăng tải thông tin người dân ở xóm 8 (xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) phát hiện và bắt được một phụ nữ giả điên và có dấu hiệu nghi là bắt cóc trẻ em.
Theo T.T., người phụ nữ có đồng bọn là 2 thanh niên đi xe Dream chở đến đây để rình trẻ em ở xóm 7 và xóm 8 (xã Hòa Bình, Vĩnh Bảo). Nếu gia đình nào sơ xuất là bắt cóc trẻ em ngay. Nick name này đưa ra bằng chứng là qua kiểm tra, người dân phát hiện trong balô người phụ nữ này có giầy và dép để nhử trẻ em, đồng thời không quên nhắn nhủ mọi người chia sẻ bài viết để cùng cảnh giác.
Thông tin trên nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, nhiều ý kiến bình luận trái chiều nhau, nhưng đa số đều tức giận và muốn “xử” người phụ nữ này ngay lập tức.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện hàng loạt các thông tin liên quan đến việc bắt cóc trẻ em. Tuy nhiên, khi lực lượng công an vào cuộc xác minh, đây chỉ là những tin đồn thất thiệt, nhiều trường hợp tung tin chỉ để câu like.
Luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Hợp danh Thiên thanh - Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết dưới góc độ pháp lý, hành vi tung tin đồn thất thiệt của chủ sử dụng các tài khoản Facebook không những vi phạm các quy định pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà còn gián tiếp lợi dụng quyền tự do ngôn luận để gây hoang mang dư luận, làm mất niềm tin vào trị an, trật tự công cộng, vào mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường, gia đình và xã hội.
Theo quy định của pháp luật, cụ thể, căn cứ theo điểm a, điểm b khoản 3 Điều 634 Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, căn cứ vào mức độ lỗi, thiệt hại và tính chất nghiêm trọng của sự việc, các đối tượng còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” theo Điều 226 Bộ luật Hình sự, “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.