Thủy điện nộp tiền để ai hoàn rừng?

07:26, Thứ hai 28/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ một số ít chủ đầu tư thủy điện thực hiện việc trồng, hoàn trả lại rừng. Hầu hết đều muốn nộp tiền vào Quỹ bảo vệ phát triển rừng thay cho việc trồng lại rừng.

Thủy điện chỉ muốn nộp tiền thay nghĩa vụ hoàn rừng

Theo Tuổi trẻ, Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc Hội về kết quả rà soát quy hoạch đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện.

Kết quả rà soát tính đến tháng 9 năm 2013 (có đầy đủ các địa phương có dự án thủy điện) cho thấy đã loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện bậc thang và 418 dự án thủy điện nhỏ do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường xã hội. Đồng thời, không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện; Tạm dừng đối với 4 dự án thủy điện bậc thang và 132 dự án thủy điện nhỏ.

Nhiều diện tích rừng ở khu vực hồ thủy điện Buôn Tua Srah (tỉnh Đắk Lắk) đã bị phá tan nát Ảnh: NLĐ

Cả nước hiện còn lại 815 dự án thủy điện. Trong đó, đã vận hành phát điện 268 dự án, đang thi công xây dựng 205 dự án, dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017.

Trong điều kiện quỹ đất khó khăn, hầu hết chủ đầu tư dự án kiến nghị thực hiện quy định trồng rừng thay thế theo hình thức nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để cơ quan chức năng điều tiết, bố trí trồng rừng.

Hiện nay, việc trồng hoàn trả rừng của các dự án thủy điện ở hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn, việc thực hiện còn lúng túng giữa trách nhiệm, nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư dự án trong bố trí đất trồng rừng, loại cây trồng, chế độ chăm sóc, bảo vệ, đơn giá trồng rừng.... Chỉ một số ít địa phương hoặc dự án thủy điện đã và đang thực hiện trồng hoặc lập phương án trồng rừng.

Thủy điện “tàn sát” gần 50.000 ha rừng

Trên thực tế Việt Nam được biết đến là nước đứng đầu các nước Đông Nam Á về khai thác năng lượng thủy điện, có điều nhà máy mọc lên đến đâu, rừng bị tàn sát đến đó khiến dân tình khốn đốn.

Theo Người lao động, cuối năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) từng báo cáo Thủ tướng về việc chuyển đổi rừng để thực hiện các dự án thủy điện giai đoạn 2006-2012. Theo đó, trong 6 năm, có hơn 20.000 rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng 160 dự án thủy điện. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng bù lại chỉ được 735 ha, bằng 3,7% diện tích rừng đã bị mất.

Tuy nhiên, theo rà soát mới đây của Bộ Công Thương, thực tế tỉ lệ diện tích rừng trồng bù còn thấp hơn rất nhiều. Từ khi thực hiện Nghị định 23/2006/NĐ-CP về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, đến nay có đến 50.930 ha rừng các loại đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án thủy điện. Trong khi đó, rất ít chủ đầu tư thủy điện có phương án trồng rừng thay thế. Hậu quả, diện tích rừng trồng thay thế chỉ được hơn 1.000 ha, bằng 2% diện tích rừng đã chuyển đổi.

Với những số liệu đáng báo động như trên, không ít người đã tỏ ra lo lắng khi tính ra, cứ 1 thủy điện, có đến hơn 59 ha rừng bị tàn phá.

Mức độ tàn phá rừng của thủy điện khủng khiếp như thế, cùng với nạn phá rừng của lâm tặc, tình trạng chặt phá rừng trồng cao su, nuôi tôm diễn ra khắp nơi đang làm cho rừng ngày càng nghèo đi và đó thực sự là thực trạng rất đáng báo động.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: