Bão Wipha cách Quảng Ninh 100km, dự báo giật cấp 14 trước khi đổ bộ
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 18h ngày 21/7, vị trí tâm bão số 3 Wipha cách Quảng Ninh khoảng 100km, cách Hải Phòng khoảng 220km về phía Đông, cách Hưng Yên khoảng 240km, cách Ninh Bình khoảng 270km về phía Đông Đông Bắc.


Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102 km/h), giật cấp 12. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10-15 km/h.
Dự báo hiện tại cho thấy, bão số 3 Wipha sẽ mạnh cấp 10-11, giật cấp 14 trước khi đổ bộ đất liền vào khoảng trưa đến đầu giờ chiều mai 22/7.
Theo đó, trong 12 giờ tới, bão số 3 "quần thảo" khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14, khả năng mạnh thêm.
Trong sáng đến chiều mai, bão chạy dọc vùng biển từ Quảng Ninh đến Hải Phòng rồi đổ bộ đất liền. Đến 16h ngày 22/7, tâm bão số 3 trên đất liền ven biển Hải Phòng-Thanh Hóa, xu hướng giảm dần cường độ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 13. Sau đó bão đi sâu vào đất liền và suy yếu dần.
Đến 16h ngày 23/7, bão số 3 Wipha trên khu vực Thượng Lào, suy yếu thành vùng áp thấp.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trước diễn biến phức tạp của bão và mưa lũ sau bão, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai khuyến cáo người dân không nên chủ quan và cần tuân thủ các biện pháp sau:
- Thường xuyên theo dõi dự báo, cảnh báo và cập nhật diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
- Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại nơi neo đậu, bảo vệ lồng bè thủy sản, đặc biệt đối với người dân trên các đảo. Tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền, tàu du lịch, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ.
- Khi đi du lịch trong mùa mưa bão, cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai. Chủ động hoãn hoặc hủy các chuyến đi khi thời tiết xấu để đảm bảo an toàn. Tránh di chuyển đến các khu vực ven biển, đảo, vùng núi hoặc nơi có nguy cơ sạt lở và lũ quét.
- Tuyệt đối không ra ngoài khi bão đang đổ bộ, trừ trường hợp khẩn cấp và có hướng dẫn cụ thể từ lực lượng chức năng.
- Xác định vị trí trú ẩn an toàn nhất cho tất cả thành viên trong gia đình; chủ động sơ tán khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của chính quyền địa phương.
- Chủ động dự trữ thực phẩm, nước uống, thuốc men và các vật dụng cần thiết đủ dùng.
- Gia cố, chằng chống nhà cửa; cắt tỉa cành cây; tháo dỡ biển quảng cáo, áp phích có nguy cơ mất an toàn; đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công.
- Gia cố chuồng trại gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
- Đề phòng mưa, lũ, ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, khu vực đô thị và lũ quét, sạt lở đất ở miền núi; đề phòng nước dâng vùng ven biển, cửa sông.
- Kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn, di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi có địa hình cao.
- Chủ động khơi thông cống thoát nước gần nhà, khu dân cư để tạo đường thoát lũ; thông báo tới chính quyền khi có sự cố về tắc nghẽn cống thoát nước, các điểm ngập sâu; không đỗ xe ở các vùng có nguy cơ ngập; đề phòng ngập tầng hầm chung cư.
- Lưu các số điện thoại cứu hộ, cứu nạn để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.