Đây là ca cấy ghép tim lợn biến đổi gien đầu tiên được thực hiện, do các chuyên gia tại Trung tâm Y tế thuộc ĐH Maryland đảm trách. Với việc thực hiện ca ghép tim này, các nhà khoa học hy vọng nội tạng của lợn sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nội tạng hiến tặng.
Theo TS Bartley Griffith, người thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép tim thì: “Đây là một ca phẫu thuật mang tính đột phá và đưa chúng ta tiến gần hơn đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu nội tạng. Tình hình lâu nay là không đủ tim người hiến tặng để đáp ứng nhu cầu của rất đông người đang chờ”.
“Chúng tôi đang tiến hành một cách thận trọng, nhưng chúng tôi cũng lạc quan rằng ca cấy ghép tim lợn đầu tiên trên thế giới sẽ tạo ra một lựa chọn mới quan trọng cho các bệnh nhân trong tương lai”, TS Griffith nói thêm.
Người được cấy ghép tim lợn biến đổi gen là bệnh nhân David Bennett, 57 tuổi, sống ở Maryland. Bệnh nhân này mắc bệnh tim giai đoạn cuối. Trước khi phẫu thuật, ông Bennett nói: “Tôi chỉ có thể chết hoặc chấp nhận ca cấy ghép này. Tôi muốn sống. Tôi biết việc này rất rủi ro, nhưng vẫn là lựa chọn cuối cùng”.
Để thực hiện ca cấy ghép thử nghiệm này, ĐH Y Maryland phải xin giấy phép khẩn cấp của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ trong ngày cuối cùng của năm 2021.
Quả tim biến đổi gien ghép cho ông Bennett được công ty dược phẩm tái tạo Revivicor ở Virginia cung cấp. Trong buổi sáng tiến hành ca cấp ghép, quả tim được lấy ra rồi đặt vào thùng đựng đặc biệt để duy trì chức năng tim cho đến khi được đưa vào người bệnh nhân.
Theo các nhà khoa học thì lợn là một nguồn cung cấp nội tạng tiềm năng vì các bộ phận của chúng tương tự như của con người. Quả tim lợn tương đương kích thước của tim người.
Những bộ phận khác của lợn như thận, gan và phổi cũng đang được nghiên cứu để cấy ghép cho người.
Cách đây nhiều năm, một công ty công nghệ sinh học ở Mỹ đã nghiên cứu cách nuôi các cơ quan nội tạng lợn để sử dụng cho con người. Trước đây, các kết quả cấy ghép nội tạng không cho kết quả tốt lý do là bởi việc cấy ghép nội tạng từ loài khác sẽ kích hoạt phản ứng mạnh mẽ từ hệ miễn dịch của người nhận.
Với ca cấy ghép này, các nhà khoa học xử lý vấn đề này bằng cách chỉnh sửa gien có khả năng gây hại.
Trong quả tim được ghép cho ông Bennett, 3 gien liên quan đến sự đào thải đã bị loại bỏ, còn 6 gien người liên quan đến sự chấp nhận của hệ miễn dịch đã được đưa vào bộ gien của lợn.