Cô gái xăm kín cánh tay, giấu hàng chục gói ma túy trong… áo ngực
Vụ việc được tổ công tác Đội CSGT số 3 do Thượng úy Vũ Đức Hùng làm tổ trưởng phát hiện sáng nay, 8/11, trên đường Láng Hạ (địa bàn phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội).
Theo đó, khoảng 9h15 sáng 8/11, quá trình chốt trực tại khu vực trước cổng công viên Indra Gandhi, tổ công tác Đội CSGT số 3 phát hiện một đôi nam nữ đi xe máy BKS 29X8-0155 vi phạm luật giao thông, không đội mũ bảo hiểm.
Thấy cảnh sát ra hiệu lệnh dừng xe phía trước, nam thanh niên cầm lái lập tức quay đầu xe bỏ chạy. Tuy nhiên, đôi nam nữ đã bị tổ công tác bố trí đội hình chặn giữ, đưa về chốt trực để kiểm tra, xử lý.
Quá trình cảnh sát kiểm tra hành chính nam thanh niên điều khiển xe, cô gái ngồi sau có biểu hiện lo lắng, sợ sệt, người khúm núm như đang giấu vật gì đó. Trước biểu hiện nghi vấn này, tổ công tác đã mời một phụ nữ đi đường hỗ trợ kiểm tra người cô gái trên.
Được tổ công tác vận động, cô gái này đã moi trong áo ngực ra một túi nilon to, bên trong có 12 gói nilon nhỏ chứa tinh thể màu trắng, nghi là ma túy đá. Ngoài ra, cảnh sát còn phát hiện một coóng bằng thủy tinh thường để sử dụng ma túy đá.
Ngay lập tức, đôi nam nữ trên bị khống chế, đưa về trụ sở Công an phường Thành Công để làm rõ.
Bước đầu, cô gái ngồi sau là Phạm Thị Thùy Linh (SN 1990, trú tại phường Hàng Bông, Hoàn Kiếm) khai nhận, số tinh thể màu trắng giấu trong áo ngực mình là ma túy đá.
Tại trụ sở công an, nam thanh niên điều khiển xe tường trình, mình mới quen biết Phạm Thị Thùy Linh một thời gian ngắn. Sáng cùng ngày, anh được Linh nhờ chở từ phố An Dương (Tây Hồ) về phố Láng Hạ.
“Tôi không biết là em có mang ma túy trong người” - nam thanh niên tên T. khai nhận với cơ quan công an.
Tổ công tác Đội CSGT số 3 sau đó đã bàn giao 2 đối tượng cùng tang vật cho Công an phường Thành Công để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Ba nữ sinh mất tích bí ẩn ở Đồng Nai đã được tìm thấy
Cả 3 nữ sinh Đồng Nai đều đã được gia đình và công an hỗ trợ tìm về an toàn khi đang ‘vất vưởng’ ở tỉnh Bình Phước.
Ngày 8/11, gia đình của các nữ sinh cũng như đại diện công an TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã xác nhận 3 nữ sinh cấp 2 gồm Lê Mỹ Ng., Phan Phan Tâm Nh. (cùng 12 tuổi, học khối 7 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi) và Nguyễn Thanh Ng. (bạn cùng xóm, ngụ phường Tân Vạn, TP Biên Hòa, Đồng Nai) mất tích bí ẩn vào ngày 18/10 đều đã được gia đình tìm thấy.
Cụ thể, ngày 5/11 cháu Ngọc có gọi điện về báo cho người thân là cháu đang đi cùng Nh. và Ng., cả 3 cháu hiện ở Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Nhận được cuộc gọi, gia đình Ng. liền đi đến huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và đã tìm thấy Ng..
Từ thông tin Ng. cung cấp nên gia đình Ng. và Nh. cùng với công an Đồng Nai đã tới Chơn Thành liên hệ địa phương hỗ trợ tìm kiếm và đã đưa được 2 cháu còn lại về nhà an toàn vào ngày 7/11. Khi cả Ng., Ng. và Nh. đã bình tâm trở lại thì cơ quan công an đã mời cả 3 lên làm việc nhằm tìm ra nguyên nhân mất tích của ba cháu.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại cả 3 nữ sinh mất tích bí ẩn đều đã trở về nhà an toàn.
Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, trước đó sáng 18/10, cháu Phan Tâm Nh. (12 tuổi) chào cha mẹ để đến trường học. Tuy nhiên, đến 7h30 cùng ngày, mẹ cháu Nh. là chị Phan Thị Thu T. (ngụ khu phố 3, phường Tân Vạn, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) được giáo viên chủ nhiệm thông báo Nh. không đến lớp.
Vì vậy chiều cùng ngày, chị T. đã đến tìm hỏi bạn của con thì biết nữ sinh đi cùng Lê Mỹ Ng. (người học chung lớp với Nh.) và cháu Nguyễn Thanh Ng. (ngụ cùng xóm).
Từ khi con mất tích, chị T. đã cùng những người trong gia đình tổ chức tìm kiếm nhưng không có kết quả. Trong quá trình di chuyển, cháu Ng. có để lại ít thông tin trên tài khoản facebook nhưng khi tìm đến địa điểm thì cả 3 đã chuyển đi nơi khác.
Còn chị Đinh Ngọc M.(ngụ phường Tận Vạn, TP. Biên Hòa - mẹ nữ sinh Ng.) và người thân cũng nhờ người đi khắp nơi tìm kiếm. Người này đã in hình ảnh con gái, số điện thoại liên hệ lên tờ rơi với hy vọng nhận được tin con.
Theo chị Mai, gia đình cũng đăng tải việc tìm kiếm cháu Lê Mỹ Ng. lên mạng xã hội. Đến ngày 2/11, người thân nữ sinh nhận được tin nhắn của người lạ với nội dung nhìn thấy Ng. ở cửa khẩu Đức Huệ (Long An). Anh Nguyễn Hoàng Ph. (cậu của cháu Ng.), cho biết người nhắn tin nói là tài xế xe ôm.
Người này nói đã chở một phụ nữ người Việt tên Nga cùng hai bé gái giống Ng. và Như qua khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia đánh bạc. Tài xế xe ôm cũng nói rằng, do thua tiền ở sòng bài nên bà Lê Mỹ Ng. để hai bé gái lại trừ nợ.
“Người lái xe ôm thông báo Ng. và Nh. đang bị giam giữ ở khu nhà trọ gần biên giới. Ông ta cũng nhắn gia đình đưa tiền lên cửa khẩu Đức Huệ để chuộc cháu về. Nếu vài ngày tới không đến thương lượng với chủ nợ, hai cháu sẽ bị bán cho người khác”, cậu nữ sinh Lê Mỹ Ng. nói.
Khi nhận tin báo từ người lạ ở cửa khẩu Đức Huệ, gia đình các nữ sinh báo sự việc lên cơ quan công an.
Hiện nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.
Khách Trung Quốc lại ăn cắp trên máy bay
Nam hành khách 51 tuổi người Trung Quốc vừa bị cơ quan chức năng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tạm giữ do lục lọi túi đồ của hành khách trên cùng chuyến bay để trộm cắp tài sản.
Sự việc xảy ra trên chuyến bay VN278 có lịch trình khởi hành từ TP HCM đi Hà Nội lúc 10 giờ sáng nay 8.11.
Khi đón khách lên máy bay, tổ tiếp viên tiến hành các thủ tục chuẩn bị để sẵn sàng khởi hành thì một nam hành khách ngồi ghế 19C có dấu hiệu khả nghi khi đi quanh khoang hành khách, ngó nghiêng và dừng lại ở gần hàng ghế số 18-19 rồi lấy một túi hành lý trên giá để đồ xuống lục lọi.
Nam hành khách này đã bị các hành khách ngồi gần đó chú ý và bắt quả tang đang lục đồ của người khác, báo cho tổ tiếp viên biết. Cơ trưởng Bùi Xuân Hùng đã thông báo cho Trung tâm khai thác Tân Sơn Nhất, lực lượng an ninh hàng không và các bên liên quan tiến hành lập biên bản và bắt giữ khách vi phạm.
Hành khách bị bắt giữ là Li Jun, năm nay 51 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, đã được bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Trước đó, rất nhiều sự việc hành khách người Trung Quốc lục đồ, ăn cắp của các hành khách khác trên chuyến bay đã được phát hiện. Ngày 1.11, cơ quan chức năng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã trục xuất ông Dong Jiayn, 36 tuổi, người Trung Quốc vì đã có hành vi ăn cắp trên chuyến bay từ Hongkong đến TP.HCM.
Mới đây, sân bay quốc tế Đà Nẵng cũng đã phát hiện 1 nữ hành khách lục lọi đồ của người khác trên chuyến bay từ Hà Nội đến Đà Nẵng.
Vay nợ hàng chục tỷ đồng, đôi vợ chồng bỏ con đi biệt tích
Mở công ty làm ăn, rồi chuyển sang dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng, song Hạnh liên tục thua lỗ dẫn đến mất khả năng chi trả. Nguy cơ lâm vòng lao lý, người đàn bà này lặng lẽ cùng chồng “cao chạy xa bay”.
Ngày 8-11, TAND TP mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Mai Thị Mỹ Hạnh (SN 1977) cùng chồng bị cáo tên Phạm Văn Thùy (SN 1972, đều trú ở phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là hàng loạt cá nhân vốn có quan hệ thân thiết với các bị cáo.
Cáo trạng truy tố cùng các lời khai tại phiên tòa cho thấy, năm 2008, Mai Thị Mỹ Hạnh thành lập công ty tư nhân chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng và vận tải hàng hóa. Sau đó, Hạnh bàn với chồng chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản và mở dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng.
Để có vốn làm ăn, Hạnh đặt vấn đề vay tiền của những người thân quen và cam kết sẽ trả lãi từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/triệu/ngày. Thực hiện phương thức làm ăn mới, đầu năm 2011, Hạnh hỏi vay và được anh Vũ Văn T (SN 1967, ở cùng phường Thạch Bàn) liên tục cho vay tiền.
Trong những ngày đầu cho vay mượn, anh T đều đặn nhận được tiền lãi hàng tháng từ Hạnh. Nên giữa năm 2011, anh này quyết định “bơm” thêm 500 triệu đồng nữa cho người quen. Nhưng chỉ ngay trong lần trả lãi kế tiếp, Hạnh lại chậm thanh toán 10 triệu đồng.
Linh tính mách bảo, anh T lập tức yêu cầu Hạnh làm giấy “chốt” nợ với tổng số tiền là 920 triệu đồng. Ngày 7-12-2011, đến hạn thanh toán cả gốc lẫn lãi, anh T đến nhà Hạnh thì hay tin “con nợ” đã “cao chạy xa bay”. Hòng cứu vãn khoản tiền gần tỷ đồng bỏ ra, anh T làm đơn tố cáo người quen “xù nợ” ra cơ quan công an.
Tương tự, chị Bùi Thị Th (SN 1972, cùng quận Long Biên) cũng bị Hạnh “mê hoặc” bằng khoản tiền lãi phát sinh là 2.000 đồng/triệu/ngày. Do đó, kể từ cuối năm 2009, chị Th liên tục “rót vốn” cho vợ chồng người bạn để kinh doanh.
Những ngày đầu cho Hạnh vay tiền, chị Th cũng luôn nhận được tiền lãi rất đều đặn. Cũng chính vì thế mà từ tháng 8 đến tháng 11-2011, chị Th tiếp tục 7 lần xuất tiền cho Hạnh vay với tổng số lên đến 5,7 tỷ đồng. Và trong những lần chị Th và Hạnh cho nhau vay mượn tiền, Phạm Văn Thùy 3 lần ký giấy vay nợ, tương ứng với 800 triệu đồng.
Ngoài biến 2 người thân quen nêu trên thành bị hại trong vụ án, Hạnh còn chiếm đoạt của 3 người khác với tổng số tiền gần 8,4 tỷ đồng cũng với lý do cần vốn để cho vay đáo hạn ngân hàng và mua bán bất động sản. Tổng cộng, từ 2009 đến cuối năm 2011, Hạnh cùng chồng đã chiếm đoạt hơn 15,2 tỷ đồng của 5 người thân quen.
Cuối năm 2012, nhận thấy không có khả năng trả nợ nên dù đang “bụng mang dạ chửa” đứa con thứ 3, song Hạnh vẫn bàn với chồng bỏ trốn. Về quê nội ở Hải Dương sinh con và nhờ người thân nuôi dưỡng, vợ chồng Hạnh tiếp tục vào tỉnh Bình Phước ẩn náu cho tới cuối năm 2015 mới bị bắt giữ theo lệnh truy nã.
Bị đưa ra tòa xét xử, cả Hạnh và chồng đều cho rằng không có ý định chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Tuy nhiên, do liên tục bị mọi người thúc nợ nên mới phải tạm lánh mặt một thời gian. Các bị cáo trình bày, khi nào kiếm được tiền sẽ lập tức quay trở về trả nợ cho mọi người.
Mặc dù viện ra lý do nêu trên nhưng sau 4 năm bỏ trốn, Hạnh cùng chồng vẫn chưa trả được đồng nào cho các bị hại. Và sau cùng do số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn nên HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Mai Thị Mỹ Hạnh 15 năm tù, theo đúng tội danh truy tố. Đồng phạm với vợ, Phạm Văn Thùy cũng phải nhận 8 năm tù, cùng tội danh.
Khởi tố vụ hàng trăm học viên cai nghiện đập phá, trốn trại
Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) vừa cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra ở Cơ sở cai nghiện ma túy Đồng Nai (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai).
Theo đó, công an đã bắt khẩn cấp 3 học viên (vào ngày 6/11) xác định là đối tượng cầm đầu, kích động các học viên khác làm loạn. Đồng thời đã phân loại và lấy lời khai của hơn 100 học viên khác tham gia hò hét, kích động gây rối, đập phá tài sản tại cơ sở này vào ngày 7/11.
Liên tục đập phá, làm loạn rồi bỏ trốn
Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, trước đó ngày 6/11 có 163 học viên cai nghiện ở Đồng Nai lại la hét, đập phá, đưa ra yêu sách đòi về nhà rồi leo rào bỏ trốn.
Sau một đêm lắng dịu, sáng ngày 7/11, mới chỉ đưa về được khoảng 60 học viên thì tầm 10 giờ sáng cùng ngày hàng trăm học viên lại tiếp tục gây rối đòi về. Các học viên đã đập phá đồ đạc ở các khu nhà ở và tràn ra ngoài sân bên trong khuôn viên cơ sở để gây áp lực với lực lượng chức năng.
Nhiều học viên leo lên mái nhà, cột cờ để mong muốn cơ quan chức năng chấp nhận yêu sách của họ. Vì vậy, lực lượng chức năng buộc phải dùng biện pháp mạnh là sử dụng hơi cay để trấn áp các học viên.
Nhận thấy tình hình tại cơ sở cai nghiện này quá nghiêm trọng, chiều ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), ông Đào Ngọc Dung đã có mặt tại Đồng Nai. Tại đây, đại diện Bộ đã họp với tỉnh, các sở, ban ngành liên quan để nắm tình hình, tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp ngăn chặn tình trạng "làm loạn" của học viên.
Lý giải nguyên nhân học viên cai nghiện liên tục trốn trại
Tại cuộc họp ông Hồ Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã báo cáo tình hình vụ việc với Bộ trưởng.
Ông Lộc cho biết trong hai ngày qua, Trung tâm Cai nghiện Đồng Nai liên tiếp ở trong tình trạng rất căng thẳng. Người nghiện đập phá, chống cả cảnh sát và tràn ra ngoài làm tình hình khó kiểm soát.
“Trong tổng số học viên có đến 80% sử dụng ma túy tổng hợp nên dễ nảy sinh quá khích. Có 30% học viên cai nghiện là các đối tượng có tiền án, tiền sự,… Còn về điều kiện cuộc sống sinh hoạt của học viên thì thật sự không đến nỗi hạn chế, chế độ 40.000 đồng/ người/ ngày/ là cao so với cả nước”, ông Lộc nói.
Còn đại diện tỉnh Đồng Nai cho rằng nguyên nhân ban đầu được xác định là do một phần do cơ sở vật chất trại cai nghiện hạn chế, quá tải, phần khác do tâm lý manh động xuất phát từ một số đối tượng.
Phía Công an tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự việc là do quá tải. Do vậy, cần khắc phục, sửa chữa ngay. Mặt khác, phải tăng cường lực lượng bảo vệ; cần hỗ trợ về đào tạo, huấn luyện cho bảo vệ.
Sau khi diễn ra cuộc họp, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo tỉnh, huyện đã có chuyến thị sát cơ sở cai nghiện Đồng Nai.
Đoàn đã vào một số khu trại nam, nữ xem xét chỗ ăn ở của học viên, những nơi vừa bị đập phá. Tại đây bộ trưởng và những người trong đoàn đã khuyên nhủ các học viên sớm cai nghiện xong để về với gia đình. Khuyên các học viên không được theo bạn bè đập phá trại, trốn ra ngoài như vậy là sai.
Sau khi thăm hỏi, nhìn tận mắt cơ sở vật chất, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cơ sở vật chất nơi đây đã xuống cấp, quá tải rất lớn. Cơ sở có công suất 800 học viên nhưng nay đã lên đến 1.500 nên quá tải.
Theo Bộ trưởng, hiện nay trên cả nước có 220.000 người trong hồ sơ quản lý sử dụng ma túy với 132 cơ sở cai nghiện. Tuy nhiên, một số điểm nóng như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng lại không xảy ra việc trốn trại. Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu có một lần rồi thôi, còn Đồng Nai lại liên tục và phức tạp.
Ông cho rằng, hiện nay Đồng Nai đưa người nghiện vào cơ sở chưa phù hợp, lực lượng cán bộ còn mỏng, chuyên môn còn thấp.
“Trước mắt chúng ta cần phân loại, rà soát các học viên. Có sử dụng ma túy nhưng chưa đến mức nghiện thì cho ra, nghiện nhưng có địa chỉ cư ngụ, gia đình bảo lãnh nên trả về địa phương quản lý. Với tình hình đông quá tải, việc các em bức xúc là đúng”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Đồng Nai cần khẩn trương, quy hoạch xây dựng cơ sở cai nghiện đáp ứng yêu cầu, tình hình hiện tại, gắn cai nghiện với phục hồi chức năng, lao động, tạo điều kiện cho học viên có nghề nghiệp để hòa nhập cộng đồng.