Lý giải về giá đắt đỏ của bát phở, nhà hàng cho hay, nguyên liệu cao cấp như nạm sườn non nguyên miếng, nấm kim cương tươi, gan ngỗng, bò Wagyu A5 đẳng cấp và trang trí bằng vàng lá.
“Chúng tôi ước muốn nâng tầm món phở truyền thống của Việt Nam lên tầm mỹ vị thế giới, đáp ứng khẩu vị khắt khe” - Bếp trưởng Lê Trung chia sẻ.
Nhà hàng tại toà Landmark TP.HCM này từng nổi tiếng với bát phở "chọc trời” giá 1 triệu đồng. Lý do đắt đỏ vì nhà hàng sử dụng loại thịt bò Wagyu hảo hạng từ Úc.
Món thịt bò có vân cẩm thạch đậm đà này được ăn kèm với sợi phở làm thủ công và nước dùng được chế biến từ bò Úc như xương ống, đuôi bò, nạm sườn và xương gà, ninh nhừ trong 48 giờ.
Một lý do nữa khiến bát phở này giá cao vì thực khách vừa có thể ăn phở vừa ngắm nhìn thành phố từ trên cao.
Với mức giá khá đắt, một bát phở này không phải ai cũng có điều kiện thưởng thức.
Trước đó, một nhà hàng trên đường Tôn Thất Đạm, quận 1, TP HCM từng giới thiệu bát phở giá 2,3 triệu đồng với 7 loại thịt gồm bò viên, gân bò thái mỏng, lưỡi bò, bắp bò, nạm bò, diềm thăn bò và thịt bò Angus.
Tại Hà Nội, một số nhà hàng giới thiệu phở bò Kobe khoảng 600.000 đến 800.000 đồng/bát. Hay phở bát đá bò Wagyu tại một nhà hàng khác có đặc trưng nguyên liệu dùng để nấu nước dùng là gân nai, sá sùng, xương bò và một số thảo mộc và loại thịt bò Wagyu.
Bên cạnh những người ủng hộ và tò mò về tô phở đắt đỏ, không ít ý kiến cho rằng phở chỉ nên là "chính nó" và "không nên chệch khỏi phạm vị truyền thống". Chị Thy Vân, sinh sống tại TP Hồ Chí Minh cho biết những ngày qua chị thấy nhiều thông tin về món phở đắt đỏ trên mạng xã hội. Do mức giá cao hơn khả năng tài chính nên chị không có điều kiện thưởng thức.
"Cá nhân tôi không thích món truyền thống bị biến tấu dù ít hay nhiều. Món phở nổi tiếng toàn cầu là vì sự giản dị, các nguyên liệu đơn giản vốn có. Mặc dù bò wagyu mềm hơn, giá trị dinh dưỡng cao hơn, cũng không thể giống được vị thịt bò ta hay dùng trong phở truyền thống", chị Vân nói.