Toát mồ hôi hột khi được thông gia là xã hội đen “chống lưng”

09:31, Thứ sáu 16/12/2011

( PHUNUTODAY ) - ông Thiện vuốt mồ hôi trên trán, thở dài thườn thượt.

(Phunutoday) - “Làm bạn với thông gia là “dân anh chị”, kể ra cũng cậy nhờ được nhiều, lại oai nữa. Nhưng có những khi cũng toát mồ hôi hột đấy” - ông Thiện vuốt mồ hôi trên trán, thở dài thườn thượt.

[links()]

Ảnh minh họa
Từ ngày được thông gia giúp đỡ, gia đình ông làm ăn khấm khá hẳn lên, nhưng cảm giác ấm cúng của tình làng nghĩa xóm trước kia của ông cũng không còn... (Ảnh minh họa)

Cuộc sống ven bờ sông Mịch ngày nào giờ thay đổi đến chóng mặt, Thị trấn nhỏ ven sông giờ đã lên thị xã, cùng với đó là hàng loạt các nhà hàng, địa điểm vui chơi giải trí mọc lên như nấm. Người dân ven sông Mịch vốn hiền hoà như dòng chảy nhẹ nhàng của con nước, nay cũng buộc phải thay đổi cho phù hợp với cuộc sống và những cuộc mưu sinh mới.

Vậy là, người ta cũng thấy đâu đó đã xuất hiện những tệ nạn xã hội, những vụ va chạm thanh toán lẫn nhau do tranh giành mối khách, do vi phạm “luật làm ăn”. Xót xa thay, cuộc mưu sinh nào cũng đầy những nhọc nhằn và khắc nghiệt, nếu muốn làm người lương thiện thì e khó có thể tồn tại giữa bon chen đến chóng mặt.

Gia đình ông Thiện bà Lương ăn ở hiền lành đúng như tên gọi, bao đời nay, gia đình bà sống khá sung túc bằng quán ăn nho nhỏ với các món ăn gia truyền của gia đình. Để theo kịp thời cuộc với trào lưu của người dân nơi đây, ông bà huy động hết số tiền tích cóp từ bao nhiêu năm để đầu tư cải tạo quán nhỏ thành một nhà hàng khang trang những mong công việc kinh doanh của gia đình sẽ bước sang trang mới.

Những luật lệ làm ăn mới đã và đang hình thành ở thị xã nhỏ này khiến việc kinh doanh của gia đình ông Thiện chẳng được suôn sẻ như mong muốn: là một trong những nhà hàng được đầu tư hoành tráng nhất nhì thị trấn, với về bề dày kinh nghiệm về nấu ăn cũng như kinh nghiệm tổ chức tiệc, cưới, hỏi… nhưng khách vào nhà hàng chỉ lẻ tẻ rất ít. Doanh thu hàng tháng chẳng đủ để ông bà trả lương nhân viên.

Sau khi tìm hiểu, ông Thiện mới ngã ngửa: nếu ông bà không chịu trả tiền cho một nhóm người gọi là “bảo kê” thì họ sẽ làm mọi cách từ việc tung tin đồn thất thiệt để hạ uy tín nhà hàng, đến việc chặn đường dọa dẫm, cấm đoán khách.

Theo sự giới thiệu của một người bạn, ông Thiện quyết tâm cầu cứu ông Tư - một trong những ông Trùm đình đám và nổi tiếng hào hiệp, tuy đã “quy ẩn” nhưng danh tiếng vẫn rất lẫy lừng và khiến cho ai nghe thấy cũng phải kiêng nể. Thật không dễ để thuyết phục được ông Tư giúp đỡ, ông Thiện không nhớ nổi đã bao lần phải hạ mình đi đi lại lại nhà ông Tư để cầu cứu, lùng sục không biết bao nhiêu món quà “độc” để biếu… dường như vẻ mặt hiền lành, tồi tội cộng với đức tính kiên trì của ông Thiện đã khiến ông Tư động lòng trắc ẩn, ông không những giúp đỡ ông Tư yên ổn làm ăn, mà còn dành cho ông Tư sự quan tâm đặc biệt.

Từ ngày làm bạn với gia đình ông Tư, công việc kinh doanh của gia đình ông Thiện nhanh chóng đi vào quỹ đạo, khách đến ngày một đông, lại không phải lo tranh giành, “làm luật” với bảo kê. Ông Thiện thấy nhẹ người đi rất nhiều, ông không phải lo lắng gì ngoài việc xem xét quản lý chung và thu tiền lời hàng tháng. Trong con mắt của ông Thiện, ông Tư không khác gì các anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc ngày xưa: oai vệ, lạnh lùng, trọng nghĩa khinh tài, luôn giúp đỡ người khác khi hoạn nạn…

Được ông Tư coi như bạn bè, ông Thiện vui  lắm, có chuyện gì dù lớn hay nhỏ đều hỏi ý kiến ông Tư, nhà có giỗ chạp cũng thường xuyên mời ông Tư qua họp mặt như người thân trong gia đình, ông Thiện rất hân hoan được giới thiệu ông Tư với tất cả mọi người.

Không chỉ thế, sau khi biết ông Tư có cậu con trai chưa vợ tên Tùng, ông Thiện năm lần bảy lượt gợi ý xa gần, những muốn mai mối cô con gái rượu cho Tùng. Sau sự nỗ lực của hai bên, đám cưới được diễn ra chóng vánh đến không ngờ. Ngày cưới của hai con, vẫn với khuôn mặt lạnh lùng, cái kính đen lù lù ngự trị, ông Tư dù chỉ nói một câu: “Từ nay, hãy coi tôi như người anh em tri kỷ của ông” cũng khiến ông Thiện cảm động đến rơm rớm nước mắt.

Đúng là sau khi là thông gia với ông Tư, những người có máu mặt ở thị xã càng thêm vị nể đối với ông Thiện. Ông Thiện biết vậy, lại càng tự mãn, ra khỏi nhà là ông mang ngay quả kính đen, hai tay đút túi quần, mặt vênh ra đằng trước và luôn tỏ vẻ nghiêm nghị khác hẳn với hình ảnh hiền hòa thường thấy ở ông khiến ai trông thấy cũng tủm tỉm cười hơn là thấy sợ. Dường như, ông cố biến mình thành một “ông Tư” thứ hai.

Ông Tư cũng tỏ ra là một người giữ lời khi luôn dành cho gia đình ông Thiện sự “chăm sóc” đặc biệt. Gia đình ông Thiện có ai muốn đi đâu, chỉ cần gọi một tiếng là lái xe riêng của ông Tư đã có mặt, một thưa hai dạ rất lễ phép và sẵn sàng phục vụ ông bà mọi lúc mọi nơi. Ông bà đi một bước có người theo sát một bước để “bảo vệ”.

Mới đầu, gia đình ông Thiện cũng thấy rất tự hào về đặc ân này, nhưng lâu dần, ông Thiện cảm thấy sao mà bất tiện, đi đâu cũng có người đeo kính đen “giám sát”, nói chuyện vừa mất tự nhiên vừa tạo cho người đối diện cảm giác sờ sợ, thậm chí, lâu dần, bạn bè ông còn ngại chẳng muốn gặp ông vì lúc nào, họ cũng có cảm giác bị theo dõi. Bà Thiện đi mua sắm, người của ông Tư cũng theo sát từng bước khiến bà mất tự nhiên, nhiều khi cần mua những đồ “tế nhị” bà còn chẳng dám lựa chọn lâu, chỉ nhanh nhanh chóng chóng mua lấy bởi bà ngại người khác nhìn thấy.

Nếu ông Thiện đi đâu mà tỏ ý không cần người tháp tùng, ông Tư tỏ ngay thái độ không hài lòng, ông chẳng nói chẳng rằng, chỉ giữ khuôn mặt lạnh như tiền khi gặp thông gia khiến ông Thiện sợ run cầm cập. Thế là ông Thiện đành tặc lưỡi chấp nhận để ông Tư “giúp đỡ” trong tất cả công việc hàng ngày.

Trong công việc đã đành, ngay cả những giây phút hiếm hoi hai gia đình có dịp cùng đi chơi hoặc cùng có những bữa cơm thân mật, nhà ông Tư lúc nào cũng giữ y nguyên một vẻ mặt lạnh lùng cố hữu khiến cho không khí giữa hai gia đình càng thêm xa cách và thiếu sự ấm áp, gần gũi.

Hôm nay quả thực là một ngày toàn những việc bực mình đối với bà Lương, bà định bụng buổi sáng sẽ đi sang thị trấn bên cạnh xem bói, định bàn với ông Thiện việc mình sẽ tự đi một mình thì bị ông Thiện phản đối kịch liệt vì sợ làm mất lòng thông gia. Vừa bước ra ngõ, nhìn thấy ngay ông lái xe mang kính đen ngòm đứng đợi, mất hết cả hứng thú, bà chán nản quay về.

Vừa đi đến cổng nhà mình, gặp ngay túi rác to tướng chình ình giữa đường, biết ngay bà Lụa hàng xóm là chủ nhân của túi rác, sẵn sự bực dọc trong người, bà buông một vài câu khó nghe đối với hàng xóm, bà Lụa cũng không phải tay vừa đốp trả lại mấy câu, hai bà lời qua tiếng lại mỗi lúc một căng thẳng, nếu không có ông Thiện kịp thời can ngăn thì không biết khi nào hai bà mới chấm dứt khẩu chiến. Bà Lương trở về nhà mà trong lòng vẫn đầy hậm hực.

Chuyện tưởng đến đó là kết thúc, ai ngờ buổi chiều đang bán hàng thì nhà bà Thiện nghe được hung tin, bà Lụa đi chợ bị một nhóm thanh niên chặn đánh gãy tay đang cấp cứu trong bệnh viện. Đang sửng sốt thì ông Tư gọi điện sang: “Sáng nay biết tin có người làm bà thông gia bực mình, tôi đã dạy cho bà ấy một bài học để cảnh cáo, nếu bà ấy còn làm gì không phải với chị thì hình phạt còn nặng hơn”.

Nghe thông gia dọa bà Lụa mà bà Lương bủn rủn như thông gia đang dọa chính mình, bà không ngờ chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà ông Tư hiểu lầm và làm hại bà Lụa như vậy. Thông tin bà Lụa bị trả thù vì dám làm mếch lòng bà Lương nhanh chóng lan truyền ra cả thị xã. Người ta lại càng e dè hơn trong các mối quan hệ với nhà ông bà Lương - Thiện. Nhìn thấy bà đang đi, thế nào người ta cũng tìm cách lảng tránh từ xa…

Lan - con gái của bà Lương cũng chịu đựng những khó xử không kém. Cuộc sống của cô có phần dễ chịu hơn bố mẹ đẻ vì đi đâu thay vì bị người lạ “hộ tống” thì chồng cô đảm đương nhiệm vụ này. Thế nhưng, việc “chăm sóc” vợ quá đáng của Tùng (chồng Lan) đôi khi cũng gây ra những chuyện dở khóc dở cười. Trong phòng khám thai, từ bác sĩ cho đến bệnh nhân nhìn thấy chồng cô đeo kính đen ngòm ngồi góc phòng đều không tránh khỏi cảm giác e dè. Thậm chí, nhiều khi có đứa trẻ nhìn thấy Tùng còn khóc ré lên, có đứa ngây thơ thì lẫm chẫm chạy đến gần Tùng và hỏi: “Chú ơi, chú có phải xã hội đen không ạ?” khiến cho ai nghe thấy cũng phải bụm miệng cười.

Sau một năm được sự giúp đỡ từ ông Tư, công việc kinh doanh của nhà ông Thiện đã có những thành công nhất định. Niềm vui đó không giúp ông Thiện thoát khỏi những nỗi niềm không thể chia sẻ cùng ai: đó là cuộc sống quá ngột ngạt dưới sự kiểm soát của thông gia, đó là cảm giác đơn độc khi bạn bè xa lánh, hàng xóm lạnh lùng.

Ông ao ước được trở về cuộc sống ngày xưa: dành hết tâm huyết cho những món ăn gia truyền của gia đình, thời gian rảnh có thể thảnh thơi sang hàng xóm chơi, hoặc rủ mấy ông bạn đánh cờ, hay đơn giản chỉ là tĩnh lặng ngồi bên lan can ngắm nhìn dòng chảy hiền hòa của dòng sông Mịch.

Ngẫm nghĩ lại, ông Thiện thấy đúng ra nên trách mình trước: chỉ vì muốn giương oai với thiên hạ mà ông làm mọi cách lay động sự hào hiệp của thông gia. Ông định bụng sẽ sang nhà ông Tư để nói với ông tất cả các băn khoăn của mình, hy vọng ông thông gia sẽ hiểu cho “nỗi niềm” của ông mà rút lại những “đặc ân” đang có.

  • Ngô Kim
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc