Dạo qua các tuyến đường phố Hà Nội trong tiết trời se lạnh, dễ bắt gặp những “chợ” lao động ngồi tấp nập trên vỉa hè. Có người ngồi trên xe ba gác, xích lô; có người ngồi bệt xuống đất. Thậm chí, họ rải đôi ba tờ giấy nằm co quắp nghỉ ven đường…chờ việc.
“Chợ” lao động đang im lặng, buồn thiu, mỗi người một góc ôm thân tránh rét bỗng nhốn nháo, ồn ào khi có chiếc xe ô tô đến đỗ trước mặt. Kéo cửa kính, một người phụ nữ nói vọng ra cần thuê người lau dọn nhà. Chỉ nghe đến câu “thuê người lau dọn” thôi là bao nhiêu người lao ra bám lấy chiếc xe. Họ xô đẩy, chửi mắng nhau để giành giật công việc. Ai cũng muốn được người phụ nữ kia thuê để kiếm tiền trang trải cho bản thân và gia đình. Mặc dù, trước đó họ đã ngồi cùng nhau, tâm sự về hoàn cảnh gia đình và cùng thông cảm cho nhau cái số phận làm thuê đứng đường.
"Chợ" lao động ở khắp các ngã tư đường Hà Nội.
Khi người phụ nữ chọn được người làm thuê thì cũng là lúc hơn chục con người lủi thủi đi về chỗ cũ ngồi. Họ ngáp ngắn, ngáp dài chờ đợi có người thuê làm và lại tiếp tục kể cho nhau nghe những câu chuyện đời bình dị.
Chị Nguyễn Thị Lan (lao động tự do ở ngã tư sở) cho biết: “Những ngày giáp tết, tưởng sẽ có nhiều người đến thuê đi làm nhưng không nghĩ năm nay lại ế thế này. Đợi từ sáng đến trưa mà không có ai gọi. Công việc chúng tôi thường làm là đi lau dọn nhà cửa, bốc vác. Có người còn nhận đi đón các cháu đi học về. Nói thật, dịp tết này chỉ mong được gọi đi lau dọn nhà cửa thôi. Vì được nhận tiền thuê lau dọn lại có khi được chủ nhà cho đồ đạc cũ không dùng tới, mang về nhà cho gia đình dùng”.
Được biết, giá thuê làm ở “chợ” lao động không có mức cố định, mọi giá thuê đều được thương lượng qua lời nói. Nếu phù hợp thì người lao động đi làm nhưng cũng có trường hợp vì ế việc nên đành chấp nhận giá rẻ. Trung bình tiền công của những người lao động tự do từ 80 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/người/buổi. Nhưng trong những ngày giáp tết thì giá thuê dao động khoảng 150 nghìn đồng – đến 200 nghìn đồng.
Anh Nguyễn Tiến Trung (lao động tự do) chia sẻ: “Chủ yếu tôi làm nghề bốc vác. Nhưng những ngày giáp tết này tôi muốn đi lau dọn nhà cửa hơn. Dù sao cũng ngang giá thuê như nhau, đi lau dọn có khi được người ta cho đồ cũ, gom được sắt, giấy vụn đi bán có thêm tiền. Không phải cứ tết là những người lao động như chúng tôi khá hơn đâu. Có khi còn nhịn đói, chịu rét mà kiếm tiền. Giá cả dịp tết thì đắt đỏ mà tiền thì ba cọc, ba đồng không mua được gì. Lo cho con cái ở quê không xong thì lo gì cho mình. Chỉ cố gắng làm việc để kiếm thêm tiền mang về cho vợ, cho con có cái tết”.
Vào những ngày giáp tết, "chợ" lao động càng đông người.
Những người lao động tự do thường hay tập trung lại một điểm tạo thành “chợ” lao động. Họ làm quen và giúp đỡ nhau trong công việc. Nhiều người khó khăn hay cùng quê thường rủ nhau thuê trọ chung một chỗ. Tuy nhiên, người thuê làm ở khắp nơi nên họ thường phải chạy chỗ này sang chỗ kia. Những lúc làm xong việc ở chỗ này thì họ ra “chợ” lao động ngay gần đấy để đợi việc tiếp. Như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền của đi lại. Chỉ khi tối muộn họ mới trở về xóm trọ.
Anh Cao Văn Tài (quê Hà Nam) cho hay: “Những ngày cuối đông này lạnh và rét lắm. Có hôm, nhiệt độ xuống 10 độ C mà chúng tôi vẫn chỉ mặc một manh áo để bốc vác, leo thang để sửa nhà cho họ. Mặc ấm thì khó bốc vác, có khi dễ bị tai nạn. Chúng tôi làm những nghề này quen rồi, vẫn chịu được. Chỉ mong có người đến thuê để đi làm kiếm tiền thôi. Tôi cũng muốn đi lau dọn nhà cửa lắm chứ!. Vì việc này an toàn mà giá thuê cũng cao, gặp phải người thuê tốt bụng thì họ còn cho đồ cũ”.
“Đợt này cũng đang ít người thuê lau dọn nhà cửa. Phần lớn những người thuê đều là những người làm ở cơ quan nhà nước. Khi họ gần nghỉ tết thì họ mới thuê. Lúc ấy, chúng tôi mới có nhiều việc và kiếm thêm tiền mà có vé về quê rồi mua đồ tết cho gia đình”, anh Tài tâm sự.
Những người lao động tự do vẫn ngóng chờ người đến thuê làm.
Khi được hỏi, mọi năm gia đình các anh chị vui tết như thế nào?, mọi người tại “chợ" lao động hào hứng chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Tuyến (quê Thái Bình) nói: “Mặc dù, gia đình tôi không có nhiều tiền nhưng cũng đủ để mua những món đồ mang không khí tết như cây đào và chắc chắn là phải gói nhiều bánh Chưng. Được cái, bọn trẻ nhà tôi thích ăn bánh Chưng lắm. Chúng nó thường để bánh Chưng sau tết rồi lấy rán, cũng ngon lắm. Ở quê ăn tết vui, gia đình, hàng xóm quý mến nhau nên cứ đến chúc tết rồi tụ tập ăn uống, vui chơi. Bọn trẻ thì đi ra sân làng chơi các trò chơi dân gian. Nói chung, gia đình nghèo nhưng vẫn được cái tết ấm”.
“Có cho tiền để tôi ăn tết ở Hà Nội, tôi cũng không ở. Về quê ăn tết, tiền ít nhưng mà vui. Có anh em, bạn bè, con cháu ngồi sum vầy thế mới thích. Tôi cũng đã góp được ít tiền để sắp tới chuyển về quê cho mẹ nó mua sắm tết. Tiền không nhiều nhưng vẫn đủ mua ít kẹo mứt, gói bánh chưng rồi còn nồi thịt đông nữa. Tết quê vui lắm chú ạ! Trong 3 ngày tết là vui như hội làng, mọi người thân thiết, cười đùa, nâng chén với nhau thì không phải nói”.
Không khí tết đã rộn ràng trong suy nghĩ của những người lao động ven đường. Vào những ngày giáp tết, họ cần lắm những công việc để kiếm thêm tiền gửi về cho gia đình lo cái tết. Công việc chân chính nào họ cũng sẵn sàng làm. Nhưng với việc lau dọn nhà cửa trong dịp tết thì họ mong muốn hơn cả. Chỉ bởi, có thêm tiền và hy vọng được cho đồ cũ.