Tranh tụng vụ "nhà ngoại cảm lừa đảo tìm mộ liệt sỹ"

15:34, Chủ nhật 01/12/2013

( PHUNUTODAY ) - Trong chương trình "Trở về từ ký ức" số 22, ngày 12/10 đưa thông tin "vạch trần" bộ mặt thật của các nhà ngoại cảm, trong đó có nói đến nhà ngoại cảm Vũ Thị Hòa.

Theo chương trình này, bà Vũ Thị Hòa (41 tuổi), trú tại tổ 14, phường Đồng Tâm (TP. Yên Bái – tỉnh Yên Bái) đã không từ mọi thủ đoạn buôn bán những con thú là động vật hoang dã để kiếm lời. Khi công việc kinh doanh này đổ bể, bà Hòa tự “phong” cho mình là một “Nhà ngoại cảm” có biệt tài chữa bệnh và tìm mộ liệt sỹ để từ đó kiếm lời trên chính những bộ hài cốt của các chiến sỹ đã hy sinh vì độc lập dân tộc và niềm khát khao tìm lại người thân của các thân nhân liệt sỹ.rn

Tiếp đến, vụ việc Nguyễn Thanh Thúy (SN 1959) và vợ hờ là Mẫn Thị Duyên (SN 1962), ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, bị khởi tố về hành vi làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn liệt sỹ, theo Điều 139 Bộ luật Hình sự (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) đã khiến nhiều người bàng hoàng. Được biết, Thúy và Duyên từng có thời gian bóc lịch trong tù. Sau khi ra tù Thúy chính thức bước vào “nghề” tìm hài cốt liệt sỹ với biệt danh tự xưng là “cậu Thủy”. Trò bịp tạo mộ giả đã đem lại cho “cậu Thủy” những khoản tiền công hậu hĩnh. Từ đó, đời sống vật chất của Thủy và vợ hờ cùng các “đồ đệ” khá hẳn lên khi hắn vung tay mua xe hơi hạng sang, xây nhà cao tầng...

Gia đình ông Nguyễn Đình Nhu, cán bộ về hưu ở phường Bắc Hà (TP. Hà Tĩnh), thân nhân của liệt sỹ Nguyễn Hữu Điền hy sinh năm 1968 tại chiến trường Quảng Trị, cũng bị “ăn quả lừa” tương tự từ nhà ngoại cảm rởm. Ông Nhu được Đặng Xuân Ba (Nam Định) và Nguyễn Đình Mai (Lâm Đồng) nhận lời tìm giúp mộ em trai đã khuất. Nhờ sự chỉ dẫn của hai "nhà ngoại cảm”, gia đình ông Nhu đã nhanh chóng tìm thấy "mộ" liệt sỹ ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) qua lọ pê-ni-ci-lin trong đó có các mảnh giấy viết họ tên, quê quán liệt sỹ, kèm theo một ít xương được chôn trong “mộ”.

Sự việc diễn ra quá nhanh chóng khiến thân nhân các gia đình liệt sỹ đều tỏ ý nghi ngờ. Đoàn tìm mộ đã đề nghị ngừng đào và mời hai nhà ngoại cảm về cơ quan quân sự huyện để làm việc. Khi cơ quan chức năng kiểm tra hành lý của hai ông Đặng Xuân Ba và Nguyễn Đình Mai thì phát hiện nhiều lọ pê-ni-ci-lin có chứa các mảnh giấy ghi tên người và nhiều túi ni-lông màu trắng đựng những mẩu xương vụn. Với hành vi này, tháng 10/2006, Đặng Xuân Ba đã bị Công an huyện Hướng Hóa, Quảng Trị bắt về tội lừa đảo.

“Nhà ngoại cảm” cậu Thủy (x) tại lễ cất bốc hài cốt liệt sỹ tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị Ảnh: Bến Hải.

Nhà ngoại cảm tự xưng Dương Văn Lâm (41 tuổi, ở quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) cũng bị bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bằng cách đóng giả làm nhà ngoại cảm đi tìm mộ, Lâm đã “phán” trong nhà anh Huỳnh Hữu Huynh ở TP. Buôn Ma Thuột có 2 bộ hài cốt vô danh và căn nhà bên cạnh của bà Đặng Thị Hằng, mẹ ruột của anh Huynh, có đến… 8 bộ hài cốt. Hắn yêu cầu chủ nhà tiến hành đào mộ với chi phí 1 triệu/bộ hài cốt. Trong lúc đào nền nhà, Lâm đã dùng vài mảnh xương vỡ vụn để lừa chủ nhà. Ngờ rằng có dấu hiệu lừa đảo, gia đình anh Huynh đã báo ngay cho Công an TP. Buôn Ma Thuột. Tại cơ quan công an, kiểm tra "thầy" Dương Văn Lâm, cơ quan chức năng phát hiện một gói các mảnh xương nhỏ được bọc trong túi nilon.

Nhiều bạn đọc cho rằng, việc lừa gạt chiếm đoạt tài sản dựa vào hoạt động đền ơn đáp nghĩa của Nhà nước là một hành động phỉ báng lên vong linh các liệt sỹ cũng như phỉ báng lên công sức, tâm đức của toàn dân tộc. Các cơ quan điều tra chức năng cần điều tra làm rõ, bắt giam hết những nhà ngoại cảm rởm để thế giới tâm linh không bị xúc phạm.

Nhiều ý kiến đưa ra là, Nhà nước cần thắt chặt cơ chế quản lý về những hoạt động mang tính tâm linh, và hoạt động của những nhà ngoại cảm. Ngăn chặn những hành vi giả mạo làm ảnh hưởng uy tín của những ngoại cảm thật và làm ảnh hưởng đời sống tinh thần của nhân dân. Đây là một hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản, phải xử lý nghiêm minh. Cũng có một số ý kiến đưa ra là phải xử thật nặng những đối tượng là nhà ngoại cảm rởm theo hình phạt là tử hình. Và nếu cơ quan chức năng xác định “cậu” Thủy là đối tượng “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì ai đó trong Ngân hàng CSXH phải chịu trách nhiệm về việc đã chi tiền cho hoạt động lừa đảo.

Tiếp tục “Thử tài tranh tụng” trong số báo này, chuyên mục đưa ra ý kiến của tác giả Đào Đức Hữu số 488 Lê Văn Hiến, Q. Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng.

Không chỉ là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Để có được cuộc sống thanh bình, tự do và hạnh phúc như ngày hôm nay, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, biết bao thế hệ cha anh chúng ta đã phải nằm lại nơi xa trường lạnh lẽo. Không một tấm huân chương hay bằng khen nào có thể bù đắp được sự hy sinh lớn lao đó của các anh, chúng ta và con cháu chúng ta phải đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc.

Tuy nhiên, cuộc sống đâu có phải ai cũng nhận thức được vấn đề đó. Hành vi dùng xương động vật giả làm hài cốt liệt sỹ của Nguyễn Thanh Thúy và Mẫn Thị Duyên là một hành động vô liêm sỉ đáng bị lên án và trừng trị một cách nghiêm khắc. Bởi hành vi bỉ ổi đó không chỉ xúc phạm đến anh linh những người đã khuất mà nó còn ảnh hưởng đến niềm tin của những người đang sống vào chính sách của Đảng, Nhà nước trong đó có những nhà ngoại cảm chân chính. Dó đó, tôi đồng tình với ý kiến cho rằng, đã đến lúc Nhà nước phải có những biện pháp thắt chặt cơ chế quản lý về những hoạt động có yếu tố tâm linh nói chung và những hoạt động tâm linh của các nhà ngoại cảm nói riêng.

Trở lại vụ án Nguyễn Thanh Thúy lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Thúy đã rất rõ ràng, việc chôn cất xương động vật đã được Thúy cùng đồng bọn tính toán, bàn bạc, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Bản thân Thúy đã đưa ra những thông tin không đúng sự thật về hài cốt liệt sỹ nhằm để các gia đình có hài cốt liệt sỹ đang nhờ Thúy tìm giúp tin đó là sự thật nên đã tự nguyện đưa tiền cho Thúy để Thúy chỉ nơi hài cốt đang yên nghỉ.

Như vậy, trước khi chiếm đoạt được tài sản, Thúy đã có hành vi gian dối. Hay nói cách khác, hành vi gian dối của Thúy chính là tiền đề, làm cơ sở cho hành vi chiếm đoạt tài sản sau đó. Tùy theo số tiền Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt được mà hành vi của Thúy sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản tương ứng của Điều 139 BLHS về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với các tình tiết định khung tăng nặng như: “Có tổ chức”, “Có tính chất chuyên nghiệp” với mức hình phạt nặng nhất có thể lên đến hai mươi năm tù hoặc tù chung thân.

Đối với ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), Cơ quan CSĐT cần phải tiếp tục điều tra làm rõ xem có hay không sự cấu kết giữa Thúy với một hay một số cá nhân nào đó trong NHCSXH. Nếu có thì đương nhiên, cá nhân đó cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng với Thúy với vai trò đồng phạm tương ứng. Ngoài ra, người đứng đầu NHCSXH nơi đã chi tiền cho Thúy còn có thể bị truy cứu hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” theo Điều 144 BLHS hoặc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 BLHS.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link