Triều đại nào tồn tại ngắn nhất lịch sử Việt Nam?

( PHUNUTODAY ) - Bạn có biết triều đại nào tồn tại ngắn nhất lịch sử Việt Nam hay không, hãy cùng tìm hiểu.

Lịch sử triều đại tồn tại ngắn nhất Việt Nam

Theo sử cũ ghi lại, vào những năm 1396 – 1398 nước ta đứng trước nguy cơ bị giặc ngoại xâm lược từ hai đầu đất nước. Phía Bắc thì giặc Minh cho quân đánh chiếm xâm lược bờ cõi. Phía Nam, quân Chiêm Thành cũng có âm mưu thôn tính nước ta.

Lúc này, Hồ Quý Ly đang là một tướng sĩ dưới triều nhà Trần, ông đã đứng ra dùng sách lược mềm mỏng ngoại giao để hoãn binh quân giặc từ hai phía. Trong nước, ông đứng lên dẹp loạn những cuộc nổi dậy của các loạn thần, ông cũng đã tham mưu cho vua tôi nhà Trần rời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa để đảm bảo an toàn lâu dài.

trieu-dai

Khi vào Thanh Hóa, Hồ Quý Ly đã cho xây dựng cung Bảo Thanh (tức Ly cung nhà Hồ) trên một diện tích lớn. Phía trước là khoảng không gian bao la có sự che chắn của các dãy núi nằm bên sông Lèn (nhánh của sông Mã), phía sau dựa mình vào núi cao.

Công trình được đầu tư xây dựng công phu giống như một thành Thăng Long thu nhỏ để đón vua Trần vào Thanh Hóa, chuẩn bị cho việc xây dựng kinh đô mới là thành Tây Đô (thành nhà Hồ ngày nay). Những năm tháng này, cung Bảo Thanh trở thành hành dinh chống giặc và nơi đàm luận việc quân cơ của Vua tôi nhà Trần.

Vào năm 1400, Hồ Quý Ly đã phế truất ngôi nhà Trần, thiết lập vương triều Hồ, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, gần một năm sau nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương để làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm thực quyền.

Năm 1407, cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương bị quân Minh bắt. Triều đại nhà Hồ diệt vong sau 7 năm – bởi vậy đây là triều đại ngắn nhất Việt Nam. Song nhà Hồ đã để lại những dấu ấn trong lịch sử với những chính sách cải cách về kinh tế, văn hóa, giáo dục... như: chính sách hạn điền, hạn nô, phát hành tiền giấy, đề cao Nho giáo, phát triển chữ Nôm, mở mang trường học ...

Đặc biệt, triều Hồ rất chú trọng phát triển quân sự. Di tích Thành Tây Đô (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) xây dựng năm 1397, được đánh giá là tòa thành độc đáo nhất Đông Nam Á và đã được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2011.

ho-quy-ly

Nhà Hồ đã cải cách đất nước ở lĩnh vực nào?

Về hành chính, năm 1401 Hồ Hán Thương cho làm sổ hộ tịch trong cả nước. "Biên hết vào sổ những nhân khẩu từ 2 tuổi trở lên và lấy số hiện tại làm số thực, không cho phép người lưu vong mà vẫn biên tên trong sổ. Yết thị cho các phiên trấn hễ có người kinh nào trú ngụ thì đuổi về nguyên quán", sách Đại Việt sử ký toàn thư viết.

Năm 1403, ông cho di dân không có ruộng đến Thăng Hoa - vùng đất mới thu được sau khi Chiêm Thành dâng nộp năm 1402 (nay thuộc tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi). Cùng năm, nhà Hồ đặt ra cơ quan trông coi y tế là Quảng tế.

Về luật pháp, cuối năm 1401, nhà Hồ cho định quan chế và hình luật nhà nước Đại Ngu. Tuy nhiên, sử sách không nói rõ việc sửa đổi như thế nào so với thời Trần.

Về kinh tế, nhà Hồ cho lưu hành tiền giấy, cấm tiền đồng. Thực chất, việc đổi tiền được Hồ Quý Ly khởi xướng và thực hiện từ cuối thời Trần, năm 1396. Thể thức tiền giấy là tờ 10 đồng vẽ rong, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ một quan vẽ rồng. Kẻ làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất, tài sản tịch thu.

Việc đánh thuế của nhà Hồ có sự phân loại rõ ràng hơn so với trước đây. "Triều trước, mỗi mẫu thu 3 thăng thóc, nay thu 5 thăng. Bãi dâu, triều trước thu mỗi mẫu 9 quan hoặc 7 quan tiền, nay thu hạng thượng đẳng mỗi mẫu 5 quan tiền giấy, hạng trung đẳng mỗi mẫu 4 quan tiền giấy, hạng hạ đẳng 3 quan tiền giấy. Tiền nộp hàng năm của đinh nam trước thu 3 quan, nay chiếu theo số ruộng. Người nào chỉ có 5 sào ruộng thì thu 5 tiền giấy, từ 6 sào đến một mẫu thì thu 1 quan...", sách Đại Việt sử ký toàn thư viết. Nhà Hồ còn lập kho thường bình dự trữ thóc để ổn định kinh tế.

Về giáo dục, nhà Hồ cho thay đổi chế độ thi cử, bỏ cách thi ám tả cổ văn chuyển sang tứ trường văn thể.

Các cải cách của nhà Hồ được đánh giá là có giá trị thực tiễn, đi trước thời đại. Tuy nhiên vì bị mất lòng dân các thủ đoạn của Hồ Quý Ly khi cướp ngôi nên các cải cách thất bại. 

ho-quy-ly2

Triều đại nhà Hồ thất bại, nhà nước Đại Ngu chấm dứt trong cuộc chiến tranh với nước nào?

Năm 1404, trước họa xâm lăng của nhà Minh, nhà Hồ lo củng cố quân sự, như cho đóng thuyền đinh sắt, đóng cọc ở các cửa biển và những nơi xung yếu trên sông Hồng, đặt bốn kho quân khí để phòng giặc phương Bắc.

Trong khi đó, tháng 4/1406, nhà Minh sai Hàn Quan và Hoàng Trung đem 100 nghìn quân ở Quảng Tây sang. Qua một số trận giao tranh nhỏ, quân Hồ thắng trận, quân Minh phải rút lui. Tháng 9/1406, nhà Minh sai Trương Phụ, Trần Húc đem quân đánh vào cửa ải Pha Lũy (cửa khẩu Hữu Nghị ngày nay); Mộc Thạnh, Lý Bân cũng quân đánh vào cửa ải Phú Lệnh (gần thị xã Hà Giang ngày nay), tổng số quân khoảng 200.000.

Trước các mũi tiến công của địch, đội quân nhà Hồ chặn đánh ở một vài nơi rồi rút về giữ phòng tuyến Nam sông Hồng. Quân Minh thừa cơ hội đã tập trung binh lực vượt sông Hồng đánh chiếm thành Đa Bang (Ba Vì, Hà Nội). Tháng 1/1407, thành Đa Bang thất thủ, tuyến phòng ngự của quân nhà Hồ cũng tan vỡ nhanh chóng. Từ Đa Bang, quân nhà Minh tràn xuống chiếm cố đô Thăng Long.

Quân nhà Hồ lại một lần nữa rút lui xuống miền hạ lưu sông Hồng. Và sau một vài trận phản công thất bại, Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đem theo các thuộc hạ chạy ra biển rồi vào Hà Tĩnh. Quân Minh tiếp tục đuổi theo, đến Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cha con Hồ Quý Ly đều bị bắt. Nhà Hồ sụp đổ, sau 7 năm tồn tại.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link