Trung Quốc mất những gì khi đặt giàn khoan trái phép?

11:21, Thứ năm 10/07/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Những gì Trung Quốc đang phải hứng chịu khi bất chấp tất cả để đưa giàn khoan trái phép vào biển Việt Nam lớn hơn rất nhiều những gì họ tiên lượng.

Những thiệt hại dễ thấy nhất chính là việc giàn khoan này đang hàng ngày ngốn cả núi tiền, kinh tế xuống dốc, khủng bố Tân Cương, quan hệ Mỹ-Trung tồi tệ, thế giới quay lưng…

Trung Quốc tốn cả núi tiền để duy trì hoạt động trái phép của giàn khoan

Theo tính toán, để duy trì giàn khoan phi pháp trên vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đang tiêu tốn hàng trăm nghìn USD mỗi ngày. Đó là chưa kể chi phí cho đội tàu dân sự, quân sự, trực thăng bảo vệ giàn khoan trái phép này và cản trở các tàu Việt Nam thực thi pháp luật.

trung quốc mất gì khi đặt giàn khoan trái phép

Vị trí giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Nhưng có một điều lạ lùng hơn, theo các chuyên gia quốc tế, đó là vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan không có dầu mỏ hoặc nếu có cũng không đáng kể. Vì vậy mà dù bỏ ra một khoản tiền lớn nhưng Trung Quốc vẫn chưa thu được một khoản lợi tài chính trước mắt nào. Tất nhiên, việc giàn khoan phi pháp trên có thể là một thông điệp mạnh mẽ về ý định độc chiếm biển Đông của Trung Quốc nhưng không thể phủ nhận nó là một "cỗ máy ngốn tiền".

Ông Ernest Bower, chuyên gia về Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Mỹ, nhận định: “Việc vận hành một giàn khoan vì mục đích thăm dò cách xa các nguồn hỗ trợ hậu cần thông thường khiến chi phí lên tới hàng trăm nghìn USD mỗi ngày”.

Nếu cộng thêm chi phí khoảng 925 triệu USD để Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc CNOOC hoàn tất việc đóng giàn khoan Hải Dương 981 này, thì tổng chi phí để “kẻ hàng xóm xấu bụng” này duy trì giàn khoan phi pháp trên biển Đông phải lên tới cả núi tiền.

Đối diện với bất ổn chính trị, khủng bố, suy giảm kinh tế

Trong thời điểm Trung Quốc gây ra nhiều tranh chấp, thậm chí xâm lấn biển đảo của nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam thì cũng là lúc nước này ngàng càng đối diện với nhiều bất ổn, thách thức trong nội bộ.

Hồi tháng 5, ngay sau khi Trung Quốc vừa đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam được ít hôm thì một vụ khủng bố Tân Cương đã xảy ra tại nước này. 39 người đã thiệt mạng khi một quả bom phát nổ tại một khu chợ tại Tân Cương thường có người Hán di cư lui tới. Trước đó 2 tháng, 29 người cũng bị đâm đến chết bằng dao khi những người Duy Ngô Nhĩ xông vào chém giết tại một nhà ga ở Côn Minh.

Trước những loạt vụ việc trên, các cuộc đụng độ trên phố giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán vẫn thường diễn ra tại Urumqi, thủ phủ của Tân Cương – Trung Quốc.

Trong bối cảnh bạo lực tiếp tục diễn ra ở khắp khu vực này cũng như khắp Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã phải đau đầu đưa ra nhiều biện pháp để đối phó và làm suy yếu sự phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ.

trung quốc mất gì khi đặt giàn khoan trái phép

Một hình ảnh khủng khiếp trong vụ khủng bố Tân Cương hồi tháng 5 tại Trung Quốc.

Bên cạnh khủng bố Tân Cương, Trung Quốc còn đối mặt với tình hình nghiêm trọng hơn đó là nền kinh tế đang đi xuống.
Theo số liệu Cục thống kê Trung Quốc vừa công bố hồi giữa tháng 5, sản lượng tại các nhà máy nước này chỉ tăng 8,7% tháng trước, thấp hơn dự báo 8,9% của các chuyên gia trong khảo sát của Bloomberg. Đầu tư vào tài sản cố định tăng 17,3 trong 4 tháng đầu năm, chậm nhất kể từ năm 2001. Trong khi đó, doanh số bán nhà tháng 4 giảm 9,9%.

Những số liệu trên là tín hiệu cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% năm nay. Các nỗ lực của Chính phủ nước này nhằm ngăn chặn suy giảm, như giảm thuế, tăng chi cho đường sắt và nhà ở đều chưa có kết quả.

Như vậy, sản lượng công nghiệp, tăng trưởng đầu tư và doanh số bán nhà đều dưới dự đoán, khiến giới chức Trung Quốc càng khó xử khi chưa muốn tung kích thích tiền tệ để hạn chế sự đi xuống của nền kinh tế nước này.
Học giả Trung Quốc phản đối vụ đặt giàn khoan tại vùng biển Việt Nam

Là một trong những học giả nổi tiếng ở Trung Quốc, người luôn giữ một quan điểm khách quan và triệt để phản bác “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” phi lý ở Biển Đông mà chính quyền Trung Quốc thường tuyên bố, ông Lý Lệnh Hoa đã có những bài trả lời phỏng vấn báo chí gây ấn tượng về vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam.

Bình luận về cách hành xử của Trung Quốc trong mấy ngày vừa qua, học giả Lý Lệnh Hoa cho rằng, là một trong những nước ký kết Công ước quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Bắc Kinh nên tuân thủ công ước này, đặc biệt là điều 74, điều 83 quy định về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm quan hệ xuyên quốc gia của Trung Quốc tại Đại học Khoa học và công nghệ Hong Kong David Zweig thì nhấn mạnh rằng, Trung Quốc không thể thuyết phục các quốc gia khác trong khu vực khi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông nếu trên thực tế nước này liên tục có hành động gây hấn và thái độ “trịnh thượng” của một nước lớn.

Còn PGS Wei Min thuộc Viện Nghiên cứu Á-Phi tại Đại học Bắc Kinh trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng thì nhận định, Trung Quốc sẽ là “nạn nhân lớn nhất” nếu như vụ việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa của Việt Nam không được giải quyết sớm…

Rõ ràng, ngay trong nội bộ Trung Quốc, không phải ai cũng đồng tình với cách hành xử của nước này trên Biển Đông, đặc biệt là vụ việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng thuộc Viện Biển Đông (Việt Nam) cho biết, bản thân ông đã có nhiều lần tiếp xúc với các học giả nổi tiếng của Trung Quốc và nhận thấy có không ít người có ý kiến trái ngược với chính sách “bá chủ Biển Đông” của chính quyền Bắc Kinh.

Thế giới quay lưng với Trung Quốc

Việc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản khiến quan hệ giữa 2 nước này đang ngày càng căng thẳng, nhất là sau khi Trung Quốc bắt giữ một số tàu của Nhật mới đây.

Việc Trung Quốc gây căng thẳng ở châu Á cũng khiến quan hệ Mỹ - Trung đi xuống trầm trọng. Trung Quốc không ngừng gia tăng chi tiêu quốc phòng và ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn trong các yêu sách chủ quyền, sẵn sàng gây hấn với các nước láng giềng để hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền đơn phương, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines đã khiến Mỹ phật ý.

Trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động gây hấn ở Biển Đông cũng như ở Hoa Đông, Ngoại trưởng John Kerry hôm 7/7 đã lên đường sang Trung Quốc để tham dự một cuộc đối thoại song phương, nhằm tìm ra phương hướng cho mối quan hệ Trung - Mỹ đang tồn tại nhiều bất đồng căng thẳng.

Một số nhà phân tích nói rằng, mối quan hệ Mỹ - Trung đang đứng trước thử thách khó khăn nhất kể từ năm 1972 tới nay. Giáo sư khoa học chính trị Robert Ross tại Đại học Boston nhận định: “Quan hệ Mỹ - Trung đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa và Đông Á ngày nay đang kém ổn định hơn bất kỳ lúc nào kể từ sau Chiến tranh Lạnh”.

Mới đây nhất, việc Trung Quốc phát hành bản đồ dọc nuốt gần trọn biển Đông đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới phẫn nộ.

Ngày 26/6, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về Đông Á, Daniel Russel cho rằng, hành động trên của Trung Quốc không chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế nước này trên trường quốc tế với tư cách là một cường quốc đang trỗi dậy, họ cần kiềm chế hành vi của mình.

Ông Charles Josse, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cũng tuyên bố: “Tấm bản đồ bản thân nó sẽ không mang lại lãnh thổ cho ai. Nếu không chúng ta đều có thể vẽ ra một phiên bản bản đồ của chính mình. Chính vì vậy mỗi tấm bản đồ cần phải dựa trên luật pháp quốc tế”.

Bình luận về sự việc phi lý này, Tiến si Christopher Roberts (Australia) nhận định: “Trong vài chục năm gần đây, hệ thống giáo dục Trung Quốc đã cấy vào đầu người dân nước này một niềm tin là biển Đông thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc. Đây là một hành động hết sức phi lý, vi phạm luật pháp quốc tế”.

Không chỉ đơn phương đưa hơn 90% diện tích biển Đông vào bản đồ mới, tấm bản đồ này còn vẽ bao trùm cả vùng biển, đảo mà Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật Bản và nhiều vùng lãnh thổ đang tranh chấp với Ấn Độ… Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đã phản đối mạnh mẽ bản đồ mới của Trung Quốc theo đó bản đồ phi lý này đã vi phạm lãnh thổ Ấn Độ khi đã coi bang Arunachal Pradesh ở Đông Bắc Ấn Độ là một phần của Tây Tạng.

Thậm chí, báo chí Hồng Kông, tờ South China Morning Post - tờ báo tiếng Anh nổi tiếng ở đặc khu hành chính này của Trung Quốc cũng đăng ý kiến độc giả phản đối và chỉ rõ sự phi lý của tấm bản đồ này.

Những ước tính hiện tại cho thấy trữ lượng dầu mỏ trên Biển Đông vào khoảng 11 tỷ thùng dầu và 5,38 nghìn tỷ m3 khí đã được khảo sát và có thể khai thác.

Lượng dầu này nhiều hơn cả trữ lượng dầu của Mỹ tại Alaska vào giai đoạn đỉnh điểm những năm 1970, và gấp hơn 2 lần lượng khí đốt tại các mỏ Hugoton ở Kansas, Texas và Oklahoma.

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: