Bảo hiểm xe máy khiến nhiều người ái ngại khi đòi hỏi quyền lợi bởi những thủ tục rườm rà. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, để được bồi thường bảo hiểm xe máy, nhiều trường hợp người dân không cần phải gọi cảnh sát giao thông.
Trường hợp bồi thường bảo hiểm xe máy không cần gọi cảnh sát giao thông
Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, việc bồi thường bảo hiểm xe máy theo quy định mới đã thông thoáng hơn. Theo đó, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, người dân chỉ cần liên hệ với đơn vị bảo hiểm mà không cần liên hệ cảnh sát giao thông, trừ trường hợp tai nạn nặng liên quan đến tử vong.
Theo quy định Nghị định 67/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 6.9.2023, khi tai nạn xảy ra, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải có trách nhiệm:
- Thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm vào đường dây nóng để phối hợp giải quyết, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn.
- Không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
- Chủ động thu thập và cung cấp các tài liệu quy định trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm thuộc trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm quy định tại Điều 13 Nghị định này.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình xác minh các tài liệu do mình cung cấp.
Nghị định 67/2023/NĐ-CP cũng quy định, khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm các biện pháp bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm; phối hợp chặt chẽ với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thứ ba và các bên liên quan trong vòng 24 giờ tổ chức thực hiện việc giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, cụ thể:
+ Trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:
- 70% mức bồi thường bảo hiểm ước tính theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tử vong.
- 50% mức bồi thường bảo hiểm ước tính theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tổn thương bộ phận.
+ Trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:
- 30% giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tử vong và ước tính tỉ lệ tổn thương từ 81% trở lên.
- 10% giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp ước tính tỉ lệ tổn thương từ 31% đến dưới 81%.
Sau khi đã thực hiện tạm ứng bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hoàn trả số tiền đã tạm ứng bồi thường trong trường hợp tai nạn được xác định thuộc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc không thuộc phạm vi bảo hiểm.
Bảo hiểm xe máy giá bao nhiêu?
Hiện nay, mức phí bảo hiểm xe máy bắt buộc (bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của phương tiện) được quy định tại Thông tư 04/2021/TT-BTC. Mức phí bảo hiểm tùy theo từng phương tiện như sau:
- Xe máy dưới 50 phân khối (dưới 50 cc), xe máy điện: 60.500 đồng / năm (đã bao gồm VAT)
- Xe máy (mô tô) trên 50cc: 66.000 đồng / năm (đã bao gồm VAT)
- Xe phân khối lớn (trên 175cc), xe mô tô 3 bánh, các loại xe khác: 319.000 đồng / năm (đã bao gồm VAT)
Khác với bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm xe máy tự nguyện có nhiều loại với quyền lợi bảo hiểm đa dạng, tùy thuộc vào sự lựa chọn của người mua. Mức giá sẽ phụ thuộc vào hợp đồng giữa người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.