Ý nghĩa của cây đào ngày Tết
Ý nghĩa hoa đào ngày Tết không chỉ là sắc hương hoa rực rỡ để tô điểm cho không gian ngày Tết, mà hoa đào còn bao hàm nhiều ý nghĩa đã được gửi gắm từ bao đời nay của người Việt xưa vào ngày Tết cổ truyền. Ý nghĩa cây đào ngày Tết như sau:
Hoa đào là tinh hoa ngũ hành: Vẻ đẹp tươi thắm và sắc độ của hoa đào từ xưa đến nay đã được xem như tinh hoa ngũ hành của trời đất. Ý nghĩa của đào trong phong thủy chính là nó có thể giúp xua đuổi bách quỷ cùng những điều không may, từ đó mang lại cho con người một năm mới bình yên và hạnh phúc.
Biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở: Hoa đào thường nở vào đầu đông xuân, mùa của sự sinh sôi nảy nở. Hoa đào khoe sắc cho một năm mới sẽ làm con người thêm hy vọng về một cuộc sống tốt lành hơn và sẽ gặp được may mắn hơn, mở ra một chặng đường tương lai phía trước nhiều thuận lợi.
Biểu tượng cho sự hòa thuận và gắn kết: Hoa đào còn là biểu tượng của tình nghĩa gắn kết và sự chung thủy. Hoa đào mang đầy giá trị nhân văn để gửi gắm những mong muốn cho một năm mới đầy sự gắn kết và hòa thuận giữa người với người.
Biểu tượng của sự an khang thịnh vượng: Sắc hồng của hoa đào được xem là màu sắc mang lại may mắn, sự ấm cúng, niềm vui, niềm tin, tình yêu và những hy vọng một năm mới hạnh phúc và bình an.
Cách chọn cây đào Tứ Quý
Để chọn được một cành đào đẹp, trước tiên bạn cần biết một cành đào đẹp thì có hoa cánh kép, màu thắm, cành đều, gốc thẳng. Thân đào có thể xù xì nhưng khoẻ, chắc. Cành vừa phải, dăm (nhánh nhỏ nhất của cành đào) nhỏ, nhiều hoa.
Đào đẹp là đào có dăm vút thẳng ra ngoài tán, nụ trải đều từ đầu tới cuối dăm. Những cành có dăm to thường ít hoặc thưa hoa.
Đào có nhiều giống: Đào bích, đào phai, đào trắng (bạch đào, rất hiếm); có đào thế, đào cảnh trồng chậu, đào cắt cành cắm lọ v.v…
Tên của các thế đào chủ yếu lấy theo chữ Nho như ngũ phúc, trực đổ, bạt phong, tam đa, long giáng…, còn hình dáng của các thế đào gợi lên ý nghĩa về biểu tượng cha – con, gia đình, các con vật trong truyền thuyết như long, phụng.
Khi chọn cần chú ý đào thế phải có đủ bộ tứ quý: Hoa, nụ, lộc và quả, bởi đó là biểu tượng cho sự đề huề, ấm no của gia đình.
Còn khi chọn đào cây cũng gần giống với đào cành là nên mua các cây có dăm nhỏ và ngắn, các nhánh chính tạo nên dáng cây xuất phát từ một điểm trên thân, như vậy cây sẽ đẹp, cân đối.
Với loại đào cành
Chọn cành to nhỏ tùy theo không gian trong nhà. Điều quan trọng nhất là tán đào phải tròn, các nhánh phân bố đều.
Không nên chọn cành có tán lệch và các nhánh đâm lên không cùng bắt đầu từ một điểm trên thân gốc. Bạn nên tìm mua loại cành có dăm nhỏ. Đào dăm nhỏ thường có nụ rất nhiều và mập mạp, khi hoa nở có cánh dày trông rất đẹp.
Cách tết khoảng 3-5 ngày bạn mới nên mua đào để lúc đào nở hoa rộ sẽ vào đúng mấy ngày Tết. Khi đã mua được cành đào như ý muốn, bạn nên đốt gốc trước khi cắm vào lọ và nhớ rằng nước phải sạch.
Nên cho vào lọ vài viên thuốc vitamin B1, một chút kali để có dinh dưỡng nuôi hoa.
Với đào trồng chậu
Bạn cũng nên mua các cây có dăm nhỏ và ngắn, các nhánh chính tạo nên dáng cây xuất phát từ một điểm trên thân. Như vậy, cây sẽ đẹp, cân đối.
Đào cây nở chậm hơn đào cành nên bạn phải chọn cây nở nhiều hoa vào lúc cận Tết. Nếu mua cây có ít hoa khi chỉ cách Tết vài ngày thì vào mấy ngày chính của năm, cây đào sẽ kém sắc hoa.
Để đào được bền, tươi lâu, với đào được trồng trong chậu, bạn nên tưới thường xuyên, giữ cây sạch, mát.
Khi cho cây vào chậu, tuyệt đối không được tưới quá nhiều nước, bởi đào là loại ưa ít nước, độ ẩm vừa phải, nếu không nó sẽ chết vì thối rễ.
Màu sắc hoa đào
Tuỳ theo loại đèn, màu tường, cách trang trí nhà mà mua loại đào cho phù hợp. Những nhà nhỏ, tường đèn tuýp nên dùng đào phai để tạo cảm giác sáng sủa, nhẹ nhàng.
Ngược lại, nhà rộng, thoáng dùng bích đào sẽ tạo được những điểm nhấn, cảm giác ấm cúng hơn.
Người có tuổi thường thích đào phai, nhưng theo dân gian, chỉ những nhà trong năm có tang mới cắm loại đào này.