Nước cam là thức uống được nhiều người yêu thích. Nước cam không chỉ thơm ngon mà còn chứa nhiều dinh dưỡng quan trọng với sức khoẻ. Vậy, uống nước cam tươi mỗi ngày có tốt không?
Thành phần dinh dưỡng của nước cam
Cam là loại quả ngon, một nguồn vitamin C thiên nhiên rất phong phú của nước ta.
Phân tích thành phần hoá học của cam người ta thấy: Trong 100g múi cam có 87,5g nước, 0,9g protid, 1,3g acid hữu cơ, 8,4g glucid, 1,4g xenluloza, 34mg canxi, 23mg photpho, 0,4mg sắt, khá nhiều vitamin A (dưới dạng caroten), vitamin B1, B2, PP và đặc biệt rất giàu vitamin C...
Uống nước cam tươi mỗi ngày có tốt cho sức khoẻ?
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, mỗi ngày người trưởng thành chỉ nên uống tối đa 200ml, vì trong đó chứa: 60mg vitamin C (tương đương với 100% nhu cầu vitamin C mà cơ thể của người lớn cần có trong 1 ngày).
Nếu vượt quá lượng này dễ thừa vitamin C, lâu dài sẽ không tốt cho cơ thể.
Cơ thể thai phụ mỗi ngày cần tới 80mg vitamin C nên có thể tăng lượng nước cam uống trong ngày, nhưng cần chia thành nhiều lần uống. Trẻ nhỏ chỉ nên uống lượng nước vắt ra từ 1/2 quả cam/ngày là được.
Dưới đây là những lợi ích bạn sẽ nhận được nếu uống nước cam tươi hàng ngày với lượng vừa đủ:
Cải thiện miễn dịch
Do hàm lượng vitamin C trong nước cam rất dồi dào nên việc uống nước cam sẽ giúp giảm nguy cơ bị cảm lạnh theo mùa, cải thiện chức năng cho hệ miễn dịch.
Không những thế, vitamin C trong nước cam còn chống lại gốc tự do nên làm chậm quá trình lão hoá và giúp cơ thể hấp thu tốt hơn một số khoáng chất như sắt, canxi,...
Uống nước cam còn là cách bổ sung collagen cho cơ thể để sửa chữa tổn thương ở tế bào đồng thời thúc đẩy mô mới phát triển.
Nước cam có tác dụng hạ huyết áp
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng uống nước cam trong thời gian dài giúp giảm nồng độ lipoprotein mật độ thấp (cholesterol xấu) và có tác động tích cực đến mức lipoprotein mật độ cao (cholesterol tốt). Ngoài ra, uống nước cam còn có khả năng làm giảm huyết áp tâm trương.
Giải độc
Nếu biết uống nước cam đúng cách sẽ giúp chức năng thận được cải thiện và giảm đau do sỏi thận gây ra. Mặt khác, axit citric và axit xitrat trong nước cam còn giảm nguy cơ hình thành và phát triển sỏi thận.
Đặc điểm của nước cam là tính kiềm hóa cao. Vì thế mà nó có thể hoà tan axit hình thành chất cặn bã ở thận và làm sạch máu. Đây chính là lý do nước cam được gọi là chất giải độc tự nhiên cho gan, thận và đường tiêu hóa.
Cải thiện hoạt động hệ tiêu hoá
Nếu uống nước cam đúng thời điểm thì hoạt chất có trong thức uống này sẽ ổn định quá trình tiêu hoá, giảm thiểu dịch vị và lượng axit dư thừa trong dạ dày. Nhờ đó mà giảm được viêm loét dạ dày.
Người hay bị tiêu chảy, táo bón có thể uống nước cam để cải thiện hoạt động của đường ruột. Tính kiềm và axit của nước cam cũng sẽ giúp hệ tiêu hóa được làm sạch tự nhiên.
Tăng lưu thông khí huyết
Hàm lượng lớn folate trong nước cam tham gia vào sự hình thành DNA, bảo vệ cho tế bào phát triển khoẻ mạnh. Đây còn là khoáng chất giúp chống lại gốc tự do và ngăn tổn thương cho tế bào.
Khi biết uống nước cam đúng cách sẽ giúp cho máu cùng nhiều cơ quan khác hoạt động trơn tru hơn, kích thích hình thành tế bào hồng cầu mới đồng thời giảm quá trình oxy hoá xảy ra ở tế bào.
Giảm nguy cơ sỏi thận
Nước cam được biết là làm tăng độ pH của nước tiểu, đánh dấu nó có tính kiềm. Nghiên cứu cho thấy, pH nước tiểu càng kiềm thì khả năng hình thành sỏi thận càng thấp. Hơn nữa, có một lượng lớn kali citrate trong nước cam, khi liên kết với canxi sẽ tạo ra một số điều kiện nhất định khiến sỏi thận khó phát triển.
Cách uống nước cam có lợi nhất
Không thể phủ nhận nước cam chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Khi chúng ta cảm thấy khát nước hay ốm thì uống một ly nước cam rất hiệu quả giúp xua tan cảm giác mệt mỏi. Nhưng chúng ta cần phải uống nước cam đúng cách.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trong nước cam tươi chứa nhiều dưỡng chất giúp tăng cường sức khỏe, nhưng tiêu thụ quá nhiều cũng sẽ có những bất lợi.
Nước cam có nhiều calo và đường, đồng thời nó không phải là thực phẩm giàu chất xơ như nhiều loại trái cây khác nếu chỉ lọc lấy riêng nước ép mà không sử dụng bã.
Vì những lý do này, mọi người chỉ nên uống một lượng vừa phải, tiêu thụ không quá 1 cốc nước ép trái cây nguyên chất 100% mỗi ngày.
Mặc dù đường trong nước trái cây 100% là tự nhiên, nhưng việc duy trì thói quen uống nước trái cây ở mức 1 cốc mỗi ngày sẽ giúp kiểm soát lượng calo và giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến.
Ai nên hạn chế uống nước cam?
Nước cam có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải sẽ tốt cho tất cả mọi người và uống bao nhiêu cũng được.
Người bệnh đái tháo đường không nên uống nước cam hằng ngày
Mặc dù các chuyên gia đều khuyến khích người mắc bệnh đái tháo đường nên ăn trái cây họ cam quýt. Nhưng nước cam có chứa đường, lại thiếu chất xơ, chất cần thiết cho việc điều chỉnh lượng đường trong máu. Vì vậy, nếu uống nước cam hàng ngày có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu.
Người bệnh nên ăn cả múi sẽ tốt hơn là uống nước vì như vậy sẽ tăng thêm lượng chất xơ cho cơ thể. Và do nhiều đường nên chỉ uống 1-2 cốc nước cam/tuần chứ không nên uống thường xuyên, hàng ngày.
Mắc bệnh gan nhiễm mỡ nên hạn chế uống nước cam
Gan là cơ quan quan trọng của cơ thể nhưng không phải ai cũng có một lá gan khỏe mạnh. Gan nhiễm mỡ là một trong những vấn đề phổ biến nhất hiện nay, nếu không điều trị kịp thời lâu dần sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như xơ gan và thậm chí là ung thư gan.
Cam cũng là trái cây có hàm lượng đường tự nhiên cao, vì vậy những người có yếu tố nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ nên hạn chế uống nước cam. Thay vào đó nên ăn cam, quýt nguyên múi. Vì việc tiêu thụ nhiều đường fructose làm tăng sự phát triển của tình trạng bệnh. Không sử dụng nước ép cam đóng chai sẵn vì những sản phẩm này có thể chứa nhiều đường, không cung cấp nhiều vitamin vốn có trong nước cam và ít chất xơ.
Bị trào ngược dạ dày không nên uống nhiều nước cam
Nước cam tốt cho sức khỏe nếu sử dụng đúng cách và đúng liều lượng. Người bị trào ngược dạ dày không nên uống nước cam thường xuyên vì cam có tính axit, có thể dẫn đến kích ứng dạ dày. Nếu uống nước cam mỗi ngày, có thể bị ợ chua khó chịu, nghiêm trọng, có thể dẫn đến nôn mửa. Vì vậy, những người này nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn cam.