Lá chanh, vỏ chanh có mùi thơm và vị ngăm ngăm đắng. Thêm lá chanh vào một số món ăn như một loại gia vị thì hầu như người Việt nào cũng biết. Nhưng dùng lá chanh hãm hoặc nấu lấy nước uống như một dạng trà thì chưa phải ai cũng biết. Dùng lá chanh không già không non rửa sạch để cho vào tách hãm như trà xanh, hoặc nấu trên bếp cho tới khi sôi rồi chắt lấy nước uống là một cách chăm sóc sức khỏe. Lá chanh thơm và cho nước màu xanh như trà, vị ngăm ngăm đắng chứ không phải vị chát như trà. Uống loại nước này có những công gì?
Trong Đông y, lá chanh vị cay ngọt, tính ôn có tác dụng hoà đàm, chỉ khái, sát khuẩn và tiêu đờm. Lá chanh thường được dùng là vị thuốc dân gian để trị ho, cảm lạnh, hen suyễn... Lá chanh có thể giúp giải cảm. Dưới đây là một số bài thuốc từ lá chanh trong bài viết "Vị thuốc lá chanh" của BS Nguyễn Huyền đăng trên báo Sức khỏe Đời sống:

"Chữa ho do lạnh:
Lá chanh tươi 5g, gừng tươi 3g. Tất cả rửa sạch, gừng thái lát, sắc với 400ml nước còn 100ml, khi uống cho thêm ít đường. Dùng trong 3-5 ngày.
Cảm sốt không ra mồ hôi: Lá chanh khô 30g (tươi 10g), sắc lấy nước uống trong ngày. Hoặc lá chanh 20g, lá cúc tần 15g, lá bưởi 5g, vỏ quýt 10g, sắc uống trong ngày. Dùng trong 2 -3 ngày.
Hỗ trợ điều trị hen phế quản:
Lá chanh khô 35g, dây tơ hồng 15g, tất cả sao vàng sắc với 3 bát nước, lấy 1 bát, ngày uống 2-3 lần. Dùng liên tục trong 10 ngày.
Giảm sưng đau do mụn nhọt (chưa có mủ):
Lá chanh 10g, lá gai tầm xoọng 8g, tinh tre 10g. Phơi khô, tán bột. Rắc lên nơi tổn thương có mụn nhọt rồi băng lại trong khoảng 8 -10 phút. Ngày làm 2 lần. Bài thuốc này giúp mụn nhọt giảm sưng đau nhanh chóng.

Mát gan:
Lá chanh, lá gai, lá cối xay (các vị đều khô), mỗi vị 12g. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát, chia uống 2 lần/ngày, nên uống sau bữa ăn sáng và tối. Thực hiện trong 15 ngày.
Nước xông giúp giải cảm, nhức đầu:
Lá chanh, lá bưởi, hương nhu, cúc tần, lá tre, mỗi vị 50g, bạc hà 20g, sả 2 củ, tỏi 3 nhánh. Tất cả rửa sạch, nấu nước xông cho ra mồ hôi. Phương thuốc này giúp nhanh ra mồ hôi, giảm nhức đầu và giải cảm rất hiệu quả.
Giúp mượt tóc, chóng dài:
Lá chanh, lá bưởi, hương nhu (các vị đều tươi), mỗi vị 30g, rửa sạch nấu nước, để ấm gội đầu. Tuần gội 1 lần"
Trong ẩm thực Việt Nam, lá chanh thường xuất hiện trong một số món ăn như gà luộc, xuýt gà, ốc luộc, nem trộm... Lá chanh không chỉ tạo thơm cho món ăn mà khi xuất hiện trong những món năn này thì chúng còn có công dụng hỗ trợ bảo vệ tiêu hóa ngăn ngừa bệnh tiêu hóa do thực phẩm chính gây ra. Ví dụ khi ăn thịt gà nhiều người có thể bị dị ứng, nhất là da gà có thể có vi khuẩn, việc dùng cùng lá chanh có thể giảm vị ngấy của thịt gà còn hỗ trợ giải độc da gà. Lá chanh giảm tình trạng bệnh tiêu hóa đặc biệt với người nhạy cảm dễ dị ứnng. Lá chanh có nhiều công dụng sát trùng, kháng viêm, chống oxy hóa, kháng nấm, hỗ trợ tiêu hóa, giảm đầy hơi chướng bụng, giảm tích tụ khí trong tiêu hóa. Bởi vậy kết hợp thịt gà với lá chanh để giúp món ăn trở nên an toàn hơn cho sức khỏe người dùng. Hoặc khi luộc ốc và chấm ốc luộc thường có lá chanh để tạo thơm khử mùi tanh và còn khử tính hàn của ốc, tránh bị đầy bụng, đau bụng chướng bụng.
Với những thông tin trên bạn có muốn dùng nước lá chanh không? Ngoài việc dùng lá chanh tươi có thể phơi sấy khô lá chanh dùng dần. Để tránh vị đắng khó uống, mỗi lần bạn có thể dùng khoảng 10 lá chanh để pha trà.