Theo ông Trường, sau khi xuất ngũ năm 1989, ông Trường về quê lấy vợ và làm nghề sơn bàn ghế kiếm sống. Trong một lần đi sơn bàn ghế cho một ông lão buôn bán đồ cổ nổi tiếng trong huyện, được tiếp xúc với ông lão mê đồ cổ và tận mắt chứng kiến những món đồ độc đáo mà ông lão sưu tầm được khiến ông Trường vô cùng thích thú. Ông Trường bắt đầu đam mê đồ cổ và quyết định chuyển sang nghề buôn bán đồ cổ cho thỏa lòng đam mê.
Kỳ lạ thay, mua được bao nhiêu ông Trường cất hết tất cả trong nhà mà không chịu bán lại, hết vốn ông vay mượn tiền hàng xóm, anh em để len lỏi khắp các xã huyện lân cận để tìm kiếm đồ cổ. Có nhiều hôm, ông đi cả tháng dọc suốt theo dòng sông Hồng để nhặt nhạnh đồ cổ dù là những mảnh gốm, chiếc đĩa vỡ nhỏ nhất.
Cũng có những hôm, nghe ai nói ở trên Lạng Sơn, Bắc Giang, Yên Bái có người nhặt được món đồ cổ lạ, độc ông lại bàn với vợ bán gà, bán vịt để bắt xe lên tận nơi mua cho bằng được.
Ông Trường đang giới thiệu với PV về những chiếc đĩa cổ được gắn trong ngôi nhà. |
“Nhìn đồ cổ bị hư hỏng, bị bán ra nước ngoài, bị trôi lấp, tôi buồn lắm, không bảo quản đồ cổ mai này lấy gì để lại cho con cháu, làm sao để con cháu đời sau biết được tài hoa chế tác ra những hoa văn trên chén, đĩa, đồ gốm cổ của cha ông ta… Nghĩ vậy nên dù khó khăn nghèo đói thế nào, tôi cũng mua cho được những món đồ quý” - ông Trường bày tỏ.
Kể về những ngày tháng rong ruổi khắp các bãi dọc sông Hồng lượm lặt đồ cổ, ông Trường cười bảo: “Đúng là đam mê ngấm vào máu rồi đố mà từ bỏ được, có những hôm nắng chang chang nóng rát chân tôi vẫn đào bới từng đống cát lên để tìm đồ cổ, cho dù là một miếng gốm nhỏ nhất tôi cũng cất đặt cẩn thận để mang về nhà”.
Đến khoảng năm 1998, khi căn nhà cấp 4 cũ kĩ của ông Trường không còn có chổ để cất giữ đồ cổ, nhà lại nghèo không có tiền để mua tủ kính trưng bày nên ông Trường nghĩ ra cách gắn hết số đĩa cổ và toàn bộ cổ vật mình lên tường nhà. Cho đến nay ông Trường đã gắn lên tường, cổng và hòn non bộ nhà mình gần 9.000 chiếc đĩa cổ, 120kg xèng, 30kg tiền xu, khuy áo… tạo cho ngôi nhà một vẻ đẹp độc đáo và kỳ dị.
Theo ông Trường, trong gần 9.000 cổ vật tôi gắn lên tường nhà, có những chiếc đĩa có niên đại từ thế kỷ 17, 18, 19. Biết căn nhà của ông độc đáo, nhiều người đến trả tiền tỷ để mua nhưng ông vẫn nhất quyết không bán. “Bao nhiêu tiền tôi cũng không bán vì đó là tâm huyết cả đời của tôi. Tôi bảo các con nếu sau này tôi chết đi các con có tiền cũng không bao giờ được đập phá hay bán căn nhà này. Nếu có tiền cứ mua đất chỗ khác xây nhà để căn nhà lại bảo quản đồ cổ cho bố” - ông Trường chia sẻ.
Cho đến nay, khi các con đã lớn đi làm, ông mới có tiền để trả lại món nợ hơn 30 triệu đồng vay mượn để đi mua đồ cổ. “Nhiều lúc tôi phát điên vì ông ấy mê đồ cổ hơn vợ con. Không cho tiền đi mua, ông lại chạy đi vay hang xóm để mua cho được món đồ mình thích, thôi thì đành nhẫn nhịn chiều lòng cho ông ấy thỏa lòng đam mê đồ cổ vậy” - bà Hồ Thị Nga, vợ ông Trường, tâm sự.
Những hình ảnh của ngôi nhà độc đáo:
Phía trước cổng ngôi nhà độc đáo của ông Nguyễn Văn Trường. |
Cổng nhà được gắn bằng đĩa cổ rất độc đáo.
Ông Trường cho biết trong số cổ vật ông sưu tầm được chủ yếu là đĩa và bình gốm, nhiều cổ vật có niên đại từ thế kỷ 17,18,19.
Tường mặt trước ngôi nhà được gắn bằng chén, đĩa cổ.
Bên trong ngôi nhà độc đáo và kỳ dị bởi hàng trăm đĩa cổ.
Ngôi nhà hiện lên với vẻ đẹp rất độc đáo và cổ kính.
Ông Trường trong ngôi nhà của mình. Theo ông Trường, ông đã gắn gần 9.000 chén, đĩa… lên tường ngôi nhà, cổng và hòn non bộ.
Có những chiếc bình gốm, chén đĩa vở ông cũng mang về cất giữ cho bằng được.
Hiên nhà cũng được gắn chén đĩa.
Hòn non bộ phía trước ngôi nhà cũng được gắn đồ cổ rất độc đáo.
Theo ông Trường gắn hết đĩa, tiền xu, gốm tìm được lên tường là cách để ông bảo quản và lưu giử di sản cha ông để lại cho thế hệ sau.
Phía sau ngôi nhà cũng trở nên độc đáo bởi hang trăm viên đá tròn ông Trường nhặt được rồi mang về gắn lên tường.