Xung quanh “vết chân tiên” có nhiều truyền thuyết bí ẩn mà đến nay người dân nơi đây vẫn chưa lí giải được.
Tục lệ lạ của người dân
Làng cổ Thọ Sơn (nay là xóm 6) thuộc xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu (Nghệ An) từ lâu đã nổi tiếng khắp vùng vì có hòn đá rất kì lạ, trên bề mặt có in hình bàn chân người. Các cụ cao niên trong làng cũng không nhớ nổi hòn đá in hình bàn chân có từ bao giờ. Họ chỉ biết từ khi lớn lên đã thấy hòn đá rất to, rộng khoảng 10m2 nằm ngay dưới chân núi. Trên tảng đó có in hình bàn chân phải nằm chính giữa, rộng bằng bàn chân của người lớn. Điều kỳ lạ ở đây, mặc dù nằm trên bề mặt tảng đá nhưng 5 ngón chân được hiện diện rất rõ trên tảng đá. Người xưa đều cho rằng hòn đá nhất định in hình “bàn chân tiên” vì đơn giản “đá cứng như thế, không có chân người thường nào in dấu lên được”.
Gần tảng đá hình chân tiên có ngôi đền gọi là đền Mạo Sơn, nơi thờ một vị tướng của An Dương Vương. Tương truyền, ngày xưa khi vị tướng trên đường đánh giặc về thì bị thương nặng và mất tại nơi này. Dân làng Thọ Sơn đã chôn cất, lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông. Danh tính vị tướng thời xưa không được ghi rõ nhưng những câu chuyện truyền đời từ đời này sang đời khác vẫn được người dân nơi đây khẳng định đó là bàn chân của vị tướng thời xưa để lại. Các bô lão còn kể truyền thuyết khác về thời nước ta bị đô hộ, giặc ngoại xâm đã vơ vét rất nhiều vàng bạc nhưng không mang về được nên chôn cất dưới chân núi, vì vậy để đánh dấu vị trí chôn kho báu chúng đã khắc hình bàn chân tiên lên để sau này quay lại tìm kiếm.
Không biết đâu là câu chuyện về nguồn gốc vết chân tiên này nhưng từ đời này sang đời khác người dân nơi đây vẫn xem đó là nơi linh thiêng. Theo người dân nơi đây, thì có những câu chuyện thực tế chứng minh “vết chân tiên” cạnh đền Mạo Sơn rất linh thiêng. Họ kể lại rằng, trước đây có một người trong làng lên núi chặt củi đi ngang qua đã tiểu tiện vào tảng đá. Sau khi về nhà anh ta liền bị ốm nặng, chạy chữa khắp nơi nhưng mãi vẫn không khỏi. Lúc đó, anh mới chợt nhớ đến việc mình xâm phạm nơi được xem là linh thiêng. Nghĩ vậy gia đình phải soạn lễ vật lên để tạ tội nơi tảng đá. Sau đó, người này mới dần khỏi bệnh.
Từ đó dân làng lại càng tin vào sự linh thiêng của hòn đá đặc biệt, cứ vào ngày đầu tháng và rằm hàng tháng, người dân khắp nơi lại kéo về đây để thắp hương, cầu khấn những điều may mắn. Nhưng đặc biệt nhất là đến dịp lễ tết, hòn đá có “vết chân tiên” lại thu hút khách nhiều hơn. “Đa số họ đến đây để đặt bàn chân mình vào bàn chân đá với hy vọng lấy lộc đầu năm”, một cụ cao niên góp chuyện. Điều kỳ lạ là chỉ một cỡ chân trên đá nhưng người lớn hay trẻ em ướm vào đều vừa vặn, chưa có ai ướm chân vào mà không vừa cho dù chân có to đến đâu đi nữa.
Cụ Cao Danh Thanh bên cạnh tảng đá in hình bàn chân tiên đã bị vùi lấp.
Cụ Cao Danh Thanh (75 tuổi) một cao niên trong làng, sống cạnh tảng đá chia sẻ: “Ngày xưa cứ dịp đầu năm dân làng lại nô nức lên núi ướm chân lên tảng đá để bắt đầu một năm mới suôn sẻ, gặp nhiều may mắn, không khí lúc đó rất nhộn nhịp, vui vẻ. Khi còn nhỏ tôi cũng thường lên đây để xin được thông minh, học hành giỏi giang và khỏe mạnh”. Cụ Thanh còn cho biết thêm, không chỉ người ở làng Thọ Sơn mà người dân các làng khác nghe tiếng cũng đến để xin được một lần đặt chân lên đá cầu may, nhiều hôm người đến đông quá còn phải xếp hàng theo thứ tự. Ai ra về đều nở nụ cười trên môi.
“Đá thiêng” đánh dấu kho báu
Tại vị trí hòn đá ngày xưa, nay chỉ còn một phần nhỏ của tảng đá kỳ lạ nổi trên mặt đất, ngay sát đường đi của xã, phần còn lại bị lấp trong lớp đất sâu. Tục ướm chân theo đó cũng chỉ còn lại trong ký ức của dân làng. Khi được hỏi vì sao “đá thiêng” lại bị vùi lấp ông Thanh cho biết: Có rất nhiều chuyện kì lạ về việc hòn đá đột nhiên bị vùi mất. Chỉ qua một đêm ngủ dậy, dân làng đi qua nơi có hòn đá mới bàng hoàng phát hiện tảng đá to rộng bị vùi phần lớn trong đất, các dấu vết còn sót lại như một hiện trường mới bị phá hoại.
Vùng đất này xưa kia dân cư thưa thớt, phần đất dưới chân núi nơi có tảng đá in hình bàn chân tiên cũng rất hoang vu, cây cối rậm rạp ít người qua lại nên nguyên nhân tảng đá bị phá như thế nào không ai biết rõ. Liên tưởng đến những câu chuyện truyền tụng về kho báu của người Trung Quốc được chôn dấu từ xa xưa đến nay, các cụ cao niên nhận định có lẽ hòn đá in hình bàn chân chính là một vật đánh dấu kho báu. Nhiều khả năng đoàn khách lạ bí mật đến cách đây chừng 30 năm để tìm lại kho báu nên mới đào bới lòng đất phía dưới tảng đá. Lời đoán định này khiến cả làng xôn xao, trai tráng ngày ấy chia nhau theo các hướng để đuổi theo những người lạ mong tìm được câu trả lời nhưng đoàn khách bí hiểm đó đã ròi đi cách bí ẩn về một dấu vết được chôn hàng trăm năm dưới “đá thiêng”.
Nhiều người không tin vào chuyện kho báu, họ giải thích đơn giản bọn trộm chính là thủ phạm phá đá. Thấy người dân sùng bái, quý trọng hòn đá, thắp hương nên bọn chúng nghĩ phía dưới tảng đá đó có vàng bạc châu báu nên đã tìm đến đào bới, chứ chẳng liên quan đến đoàn người nước ngoài nào cả. Chưa có một nguyên nhân nào xác thực, đủ tin cậy nhưng có một điều đáng tiếc hòn đá đã bị vùi lấp, tục ướm chân trên đá cầu may cũng không còn.
Vậy là cả làng hoảng hốt tìm nguyên nhân, tuy nhiên vẫn không ai lí giải được tại sao chỉ trong vòng một đêm tảng đá lại bị vùi lấp nhanh như vậy. Sau đó một số người dân trong làng mới chợt nhớ đến những người Tàu đã đến và lên thăm tảng đá ngày hôm qua. Tất cả mọi người đều cho rằng đây là những đối tượng khả nghi nhất. Nhớ đến những câu chuyện người xưa kể lại, các cụ cao niên trong làng nhận định rằng có lẽ đoàn người Tàu đến để lấy kho báu mà cha ông họ ngày xưa đã cất giấu ở đây. Và bàn chân người trên đá là kí hiệu họ để lại chỉ vị trí của kho báu để sau này dễ tìm kiếm. Nghĩ vậy mọi người trong làng liền chia nhau theo các hướng để đuổi theo những người Tàu đó, tuy nhiên cho dù truy tìm rất lâu thì vẫn không thể tìm ra một dấu vết nào của những người lạ mặt. Đoàn người đã cao chạy xa bay ngay sau khi lấy được kho báu mà không để lại một dấu vết nào.
Vị trí của hòn đá có dấu chân tiên nay chỉ còn lại phần nhỏ.
Nhưng cụ Thanh cho biết có người lại kể rằng tảng đá bị phá và bị vùi lấp là do những kẻ trộm làm. Có lẽ bọn chúng nghĩ dưới tảng đá có vàng bạc châu báu nên đã lợi dụng đêm tối đến đào bới, tìm kiếm, chứ chẳng có đoàn người Tàu nào cả. Không biết thật giả thế nào nhưng ông Thanh chia sẻ từ khi tảng đá bị vùi lấp tục ướm chân vào hòn đá in hình bàn chân tiên vào đầu năm mới cũng không còn nữa.
Lần tìm về các phong tục của làng, ông Cao Nga, trưởng ban văn hóa xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu cho biết: “Hòn đá có in hình bàn chân ở làng Thọ Sơn là có thật, phòng văn hóa thông tin của huyện Diễn Châu cũng đã nhiều lần lên thăm và có ý định phục dựng lại tảng đá. Nhưng do nhiều vấn đề phát sinh nên công việc khôi phục hòn đá in bàn chân tiên vẫn chưa được thực hiện. Những câu chuyện ly kì về hòn đá đều là lời kể của dân gian trong đó có nhiều chuyện từ xa xưa truyền lại theo lối truyền miệng. Các sách vở tài liệu chính thống không ghi về kho báu và thực tế không tìm thấy bằng chứng nào liên quan”.
Mặc dù tảng đá kì lạ đã bị vùi lấp và tục ướm chân cũng chỉ còn là kỷ niệm trong ký ức của những bậc cao niên, nhưng làng Thọ Sơn vẫn tin tưởng nơi hòn đá an tọa chính là chốn “địa linh” đầy phép màu. Ngày lễ tết nào nơi đây cũng nghi ngút khói hương của khách thập phương và đón nhận lời cầu phúc của khắp nơi gần xa. Dân làng hiện đang không ngừng hi vọng vào một cái tết không xa tảng đá in hình bàn chân tiên sẽ được phục dựng và tục ướm chân vào dịp đầu năm sẽ được hồi sinh, mang lại nét sinh hoạt độc đáo cho người dân nơi đây.