Bạn mắc chứng ngủ ngáy quá nhiều
Giấc ngủ ngon đóng vai trò quan trọng với sức khỏe thể chất một người. "Ngủ ngon" được hiểu là ngủ đủ giấc (ít nhất 6-8 tiếng/ngày với người trưởng thành) và ngủ sâu, không bị đánh thức nhiều lần khi ngủ. Đặc biệt, giấc ngủ ngon chỉ mang lại lợi ích khi ta không mắc chứng ngưng thở khi ngủ, không ngủ ngáy quá nhiều.
Tình trạng ngủ ngáy thường có liên quan đến béo phì, nằm ngửa cổ quá cao hoặc quá thấp khi ngủ, hút thuốc và uống rượu. Nó là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ và được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng" vì những ảnh hưởng gây ra cho giấc ngủ khiến cơ thể không thể nghỉ ngơi và ngủ sâu.
Khi ngủ ngáy nhiều, não thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu oxy, gây thêm căng thẳng cho các cơ quan cơ thể vào ngày hôm sau, tăng nguy cơ huyết áp cao, có thể dẫn đến đột quỵ và đau tim.
Thông thường, một người sẽ không biết bản thân ngủ ngáy nếu không có người khác tiết lộ. Nhưng nếu bạn nhận thấy rất mệt mỏi, khó tập trung hoặc đau đầu khi thức dậy, rất có thể ban đêm bạn đã ngủ ngáy quá nhiều.
Bạn uống cà phê trước khi ngủ
Cà phê có thể là "đóa hoa" lúc bình minh nhưng sẽ là "con dao" lúc đêm muộn, vì nó có thể cướp đi giấc ngủ đêm chất lượng của bạn.
Trong một nghiên cứu năm 2013, các nhà khoa học phát hiện những người uống cà phê, trà hoặc nước tăng lực sáu giờ trước khi đi ngủ thường ngủ ít hơn một giờ.
Cà phê làm cho ta tỉnh táo hơn bằng cách ngăn chặn các adenosine - thụ thể thúc đẩy giấc ngủ trong não, khiến ta không có cảm giác buồn ngủ. Nhưng khi cà phê hết tác dụng, các thụ thể adenosine bị tích tụ trước đó sẽ đồng loạt hoạt động khiến cơ thể trở nên mệt mỏi và buồn ngủ hơn.
Cơ thể bạn đang thiếu nước
Không phải ai cũng uống đủ lượng nước mỗi ngày. Ngay cả khi sống trong điều kiện đầy đủ nước sinh hoạt nhưng nhiều người vẫn quên cung cấp đủ nước cho cơ thể chỉ vì không cảm thấy khát.
Cơ thể rất cần nước để duy trì các cơ quan hoạt động. Thiếu nước có thể khiến bộ não và các cơ quan khác luôn trong tình trạng làm việc vất vả, chậm tốc độ đọc, chậm phản ứng và khiến ta mắc nhiều lỗi hơn. Không chỉ cơ thể cảm thấy mệt mỏi, mà cả tinh thần cũng sẽ đi xuống.
Mắc bệnh tiểu đường type 2 hoặc suy giáp
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường type 2 và thiếu ngủ là một vòng luẩn quẩn. Các chuyên gia cho rằng mất ngủ không chỉ là dấu hiệu của căn bệnh này mà còn có thể là một nguyên nhân.
Thiếu ngủ làm tăng sức đề kháng insulin, nồng độ hormone cao và tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể trở nên nặng hơn. Khi cơ thể nhạy cảm với insulin, lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp sẽ tiếp tục quay lại làm gián đoạn giấc ngủ.
Nếu bạn luôn cảm thấy rất mệt mỏi và phải thức dậy vào ban đêm để đi tiểu nhiều thì đó có thể là dấu hiệu của tình trạng này. Các triệu chứng khác bao gồm luôn cảm thấy khát nước, sụt cân, mờ mắt và các vết thương lâu lành hơn.
Ngoài ra, bị suy giáp cũng là nguyên nhân gây mệt mỏi mỗi sáng thức giấc. Do nồng độ hormone thyroxine thấp sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình trao đổi chất của cơ thể và làm chậm hoạt động của não bộ, khiến tâm trạng đi xuống.
Bạn không ăn đủ thịt đỏ
Không ăn đủ thịt đỏ, rau xanh đậm hoặc đậu có thể là nguyên nhân khiến bạn buồn ngủ, mệt mỏi. Những loại thực phẩm này đều rất giàu chất sắt - thành phần chính của hemoglobin - loại protein trong tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các bộ phận của cơ thể.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có quá ít khoáng chất có thể dẫn đến thiếu máu, có thể gây ra mệt mỏi, khó thở và nhịp tim không đều. Các nhà khoa học gợi ý rằng nên bổ sung sắt và ăn các thực phẩm giàu sắt nếu cảm thấy mệt mỏi.