Nguyên nhân gây hôi miệng sau khi thức dậy
Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều gặp tình trạng hôi miệng sau khi ngủ dậy vào buổi sáng.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nha sĩ cho biết, nếu bạn không đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày có thể làm hơi thở có mùi.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác khá phổ biến như:
- Khô miệng: Nước bọt có tác dụng làm sạch vi khuẩn gây mùi hôi trong miệng. Khi ngủ nước bọt tiết ra ít hơn, khiến miệng có mùi hôi sau khi thức dậy.
- Một số loại thực phẩm: Thói quen ăn uống của chúng ta ảnh hưởng trực tiếp đến mùi hơi thở. Ví dụ hành, tỏi có thể là nguyên nhân gây ra hơi thở có mùi vào buổi sáng.
- Tình trạng sức khỏe: Người bị trào ngược dạ dày - thực quản có thể gây hôi miệng.
Một số phương pháp loại bỏ mùi hôi miệng
Không súc miệng sau khi đánh răng
Chúng ta vẫn tin rằng nước súc miệng có thể giúp loại bỏ triệt để mùi hôi miệng, tuy nhiên đôi khi lại không hẳn đúng.
Nước súc miệng sẽ làm cho hơi thở thơm tho trong một thời gian ngắn, nhưng nó cũng có thể khiến miệng bị khô miệng.
Nguyên nhân là do nước súc miệng đều chứa cồn, nó ảnh hưởng đến quá trình tiết nước bọt tự nhiên trong miệng.
Nước bọt tiết ra ít hơn vào ban đêm khiến các tế bào chết tích tụ trên lưỡi và nướu, khiến bạn thức dậy với hơi thở có mùi khó chịu.
Không há miệng khi ngủ
Khi há miệng ngủ chúng ta sẽ bị khô miệng, khiến vi khuẩn phát triển trong khoang miệng.
Há miệng khi ngủ còn có thể dẫn đến sâu răng, chảy máu chân răng, hôi miệng mãn tính do nó ảnh hưởng đến sự cân bằng pH trong miệng và thay đổi các loại vi khuẩn trong môi trường miệng.
Một số nha sĩ thậm chí còn đề xuất dùng miếng dán miệng để giải quyết vấn đề này.
Súc miệng bằng dầu dừa hoặc dầu ô liu
Phương pháp làm thơm miệng này xuất phát từ Ấn Độ, chứng minh lâm sàng cho thấy có thể làm trắng răng và cải thiện sức khỏe răng miệng của bạn.
Lấy một thìa dầu dừa hoặc dầu ô liu, súc miệng trong vòng 15-20 phút. Vi khuẩn gây hôi miệng sẽ bám vào dầu và hòa tan trong đó.
Có nhiều loại dầu khác nhau cho bạn lựa chọn, nhưng dầu dừa và dầu ô liu khá được ưa thích do có hương vị dễ chịu.
Cẩn thận với cà phê
Caffeine trong cà phê có thể làm khô miệng bằng cách làm chậm quá trình tiết nước bọt, dẫn tới hôi miệng.
Ngoài ra nhiều người quen uống cà phê với sữa, kem, các sản phẩm từ sữa cũng thường kích thích mùi hôi miệng.
Đừng quên chải lưỡi
Lưỡi của bạn cũng chứa rất nhiều vi khuẩn gây mùi. Bởi vậy khi đánh răng đừng quên chải sạch lưỡi.
Chú ý cách bạn thở
Bạn có thể không phát hiện mình có thói quen thở bằng miệng suốt cả ngày, nhưng thói quen này có thể là nguyên nhân gây hôi miệng.
Thở bằng miệng làm miệng bị khô, dẫn tới có mùi hôi. Ngoài ra thói quen này có thể dẫn tới nhiều vấn đề khác nhau như sâu răng và nhiễm trùng tai.