Ý nghĩa của đĩa xôi thắp hương
Khi dâng đồ cúng, tổ tiên truyền dạy cần chọn những món đồ ngon, quý của mình dâng cúng thần linh tổ tiên. Xôi được nấu từ gạo nếp, loại gạo bổ dưỡng và ngon, quý. Gạo nếp là biểu trưng của văn minh lúa nước, là một sản vật quý của người Việt. Nếu gạo tẻ là một món ăn quen thuộc thì gạo nếp là đặc sản chỉ có trong ngày lễ. Gạo nếp khó trồng cấy, năng suất thấp so với gạo tẻ nên xa xưa gạo nếp là một món ăn không phổ biến như gạo tẻ. Hơn nữa xôi dẻo thơm biểu trưng cho sự dẻo dai, thơm ngon nên là món ăn trân quý. Vì thế người Việt dâng xôi cúng tổ tiên thần linh thể hiện lòng thành, trân quý của mình. Hơn nữa xôi dẻo ngon cầu mong sự sung túc no đủ, dẻo dai bền vững. Đĩa xôi thơm ngon kết dính thể hiện sự đoàn kết sum vầy, gia đình hưng thịnh bền vững.
Hơn nữa xôi nếp kết hợp với gà cúng là một sự kết hợp ẩm thực rất hài hòa ăn ý, tạo món ăn tinh tế ngon miệng khi ăn cùng nhau. Do đó xôi và gà thường được đi cùng với nhau khi dâng cỗ cúng.
Vì sao hay thắp hương xôi đỗ, xôi gấc mà không phải xôi trắng, xôi đỗ đen, xôi lạc?
Bản gốc của xôi truyền thống là xôi trắng chỉ có gạo. Khi đời sống phát triển thì đỗ, hạt sen, gấc... được thêm vào nấu xôi. Xôi cúng phổ biến nhất là xôi gấc vì màu sắc tươi rực rỡ làm đẹp ban thờ và mang ý nghĩa may mắn, thành công. Ngày nay nhiều người nấu thêm xôi ngũ sắc để thể hiện tính thẩm mỹ, đồng thời thể hiện ngũ hành, mang ý nghĩa may mắn, biểu trưng cho sự dồi dào tài lộc.
Dân gian ít cúng xôi trắng bởi màu trắng trong văn hóa Á Đông không mang lại cảm giác may mắn giàu có sung túc như màu đỏ, màu vàng. Thế nên xôi đỗ xanh, xôi gấc được dâng cúng phổ biến hơn. Xôi lạc, xôi đỗ đen thì bị kiêng cúng vì hạt lạc, hạt đỗ đen có tên gọi gợi lên sự xui rủi nên không được dùng dâng cúng mà chỉ dùng để ăn. Đỗ đen gợi lên sự không thuận lợi may mắn, đỗ lạc gợi tới sự lệch lạc, chệch hướng. Xôi trắng thường chỉ dùng trong lễ cúng trong dịp sang cát (bốc mộ) thể hiện sự tưởng nhớ người đã khuất.
Xôi cũng thường được cúng cùng với món chè, hoặc kết hợp xôi chè trong món xôi chè (xôi trộn với chè) để thể hiện sự ngọt ngon. Người Việt cúng xôi mong muốn những điều tốt lành như xôi và chè. Xôi vò thơm ngon nhưng cũng ít khi được làm đĩa dâng cúng bởi tính chất của xôi vò là hạt xôi tơi rời, nấu đặt vào đĩa thì chúng không kết dính. Do đó xôi vò thường được dùng dâng cúng khi kết hợp với chè trong món xôi chè chứ ít khi đóng đĩa riêng để cúng như xôi gấc, xôi đỗ xanh.
Lưu ý nấu xôi thắp hương
Bạn có thể nấu bằng nồi cơm điện hoặc nồi chõ nhưng nên chú ý lượng nước nấu hoặc thời gian ngâm gạo để xôi dẻo, không bị ướt quá để khi đơm vào đĩa sẽ có sự dẻo dai kết dính nhưng không bị nát.
Xôi thắp hương nên nấu xong, đơm vào đĩa và không được nếm, vì người Việt kiêng nếm đồ ăn trước khi dâng cúng, ý là để tránh việc bất kính người sống không được ăn trước ông bà tổ tiên.
*Thông tin mang tính tham khảo chiêm nghiệm