Vì sao một số người vẫn không thể tích hợp giấy phép lái xe vào VNeID?

11:38, Chủ nhật 22/10/2023

( PHUNUTODAY ) - Tích hợp giấy phép lái xe vào ứng dụng VNeID không phức tạp. Tuy nhiên, lỗi tích hợp thường xảy ra khi dữ liệu không đầy đủ hoặc thiếu thông tin.

Nguyên nhân không thể tích hợp giấy phép lái xe vào ứng dụng VNeID

Hiện tại, một số chủ phương tiện cho biết không thể tích hợp giấy phép lái xe loại thẻ PET hạng A1/B2 trên VNeID do không có thông tin trên hệ thống dữ liệu của Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cho biết hiện có khoảng 56,5 triệu bản ghi giấy phép lái xe (cả ô tô và xe máy) trên cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe toàn quốc.

tich-hop-thong-tin1

Để giải quyết vấn đề này, Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự Xã hội - Bộ Công an đồng bộ khoảng 35 triệu bản ghi giấy phép lái xe. Theo đó, đã xác thực thành công 31,3 triệu bản ghi giấy phép lái xe với dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm hệ thống định danh tự động tra cứu để hiển thị lên ứng dụng VNeID cho công dân và sẽ tiếp tục phối hợp với ngành công an đối soát 3,6 triệu giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, hiện có khoảng hơn 20 triệu bản ghi giấy phép lái xe bằng vật liệu giấy bìa được cấp ra từ trước năm 1995 đến tháng 7/2013. Hầu hết các giấy phép lái xe này đều là giấy phép lái xe mô tô và có giá trị không thời hạn. Những giấy phép này có dữ liệu không đầy đủ, thiếu thông tin.

Cách để người dân khắc phục, tích hợp giấy phép lái xe vào VNeID

Bước 1: Mở trình duyệt trên máy tính hoặc điện thoại và truy cập vào Cổng dịch vụ công của Cục Đường bộ Việt Nam, chọn thủ tục hành chính tương ứng và nhấn Đăng ký trực tuyến vào các dịch vụ:

"Dịch vụ công cấp độ 3 đổi GPLX": Áp dụng đối với người có GPLX do ngành GTVT quản lý (còn thời hạn hoặc quá hạn dưới 3 tháng).

"Dịch vụ công cấp độ 4 cấp GPLX quốc tế": Người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có GPLX quốc gia do Việt Nam cấp bằng vật liệu PET, còn giá trị sử dụng.

Lưu ý, nếu chọn dịch vụ công cấp độ 3, người dùng phải đến cơ quan chức năng để hoàn thiện thủ tục sau khi đã nộp hồ sơ. Ngược lại, dịch vụ công cấp độ 4 cho phép người dân thực hiện tất cả mọi thủ tục online và nhận GPLX mới tại nhà, tiết kiệm thời gian và công sức đi lại.

Bước 2: Trang mới hiện ra, người dùng nhập số GPLX vào khung trống, chọn nơi cấp và đánh dấu vào ô "Tôi không phải là người máy" rồi nhấn "Tìm kiếm".

tich-hop-thong-tin

Khi hoàn tất, mọi thông tin cá nhân sẽ hiển thị ở ngay bên dưới. Nếu không tìm ra thông tin nghĩa là bạn không thể đăng ký đổi GPLX qua mạng.

Bước 3: Ở các mục tiếp theo, người dùng hãy bổ sung các giấy tờ cần thiết, bao gồm ảnh chân dung, chữ ký, số hộ chiếu, địa chỉ email, ngày cấp, điện thoại, ảnh chụp hộ chiếu (trang có ảnh)...

Lưu ý, các mục có dấu * không được bỏ trống.

Bước 4: Kiểm tra kỹ toàn bộ thông tin rồi nhấn "Tiếp tục" để gửi hồ sơ.

Bước 5: Thanh toán lệ phí trực tuyến khi được yêu cầu. Lúc này, người dùng sẽ nhận được thông báo xác nhận và mã hồ sơ (dùng để tra cứu tiến độ xử lý).

Để tra cứu tiến độ hồ sơ, người dùng hãy quay ngược lại trang chủ, bấm vào tùy chọn "Tra cứu tiến độ hồ sơ" ở thanh menu phía trên. Nhập vào mã hồ sơ và số điện thoại cá nhân rồi nhấn "Tìm kiếm". Nếu mục tình trạng hiển thị đã xác nhận nghĩa là thành công, ngược lại, người dùng cần chỉnh sửa thông tin và gửi trở lại.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Mộc