Cách phòng và phát hiện sớm viêm não Nhật Bản ở trẻ

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trẻ bị viêm não Nhật Bản sẽ bị biến chứng kéo dài, rất nặng trên cả hệ thần kinh và vận động. Trẻ có thể phải nằm một chỗ cả đời, thậm chí tử vong.

Viêm não Nhật Bản thường diễn ra vào cuối mùa Xuân đầu mùa Hè, hoặc cuối mùa Hè đầu mùa Thu nên các bậc phụ huynh cần cảnh giác.

Viêm não Nhật Bản gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm tỷ lệ trên 90% số ca mắc bệnh) trong đó đa số là trẻ từ 1-5 tuổi nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh.

Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm não Nhật Bản

Sau thời gian ủ bệnh từ 5 đến 15 ngày, bệnh sẽ xuất hiện theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn khởi phát (khoảng từ 1 đến 6 ngày)

Bệnh nhân có sốt đột ngột, thường kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn không vì lý do ăn uống.

Bệnh nhân sốt đột ngột, thường kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu.

Trẻ nhỏ chưa nói được thường quấy khóc, kém ăn rồi có biểu hiện chậm chạp.

Ở giai đoạn toàn phát

 Người bệnh tiếp tục sốt cao 38°C- 40°C, kéo dài; có biểu hiện của viêm màng não (đau đầu, cứng gáy, nôn và buồn nôn, táo bón). Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn ý thức (kích thích vật vã hoặc li bì, lờ đờ, lú lẫn, ngủ gà, yếu vận động tay hoặc chân, có thể đi vào hôn mê).

Thậm chí, người bệnh có thể co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, lưỡi, mi mắt hoặc toàn thân, liệt cứng kèm theo rối loạn thần kinh thực vật.

Nếu không được bác sỹ xử lý kịp thì tình trạng rối loạn ý thức tăng lên và tử vong do tăng áp lực nội sọ. Vì viêm não khiến não phù nề trong khi đó, hộp sọ không thay đổi thể tích. Phần não bị chèn ép vào vùng kiểm soát hô hấp, tim mạch nên bệnh nhân bị hôn mê, ngừng thở, dẫn đến tử vong.

Tỷ lệ tử vong từ 0,3% - 60% tuỳ theo việc phát hiện bệnh sớm hay muộn, trình độ kỹ thuật hồi sức cấp cứu chống phù não, suy hô hấp, trụy tim mạch và chống bội nhiễm.

Giai đoạn hồi phục

Nếu qua khỏi, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Một số trường hợp nặng có thể để lại di chứng liệt cứng ở chi trên hoặc chi dưới, liệt mặt hoặc di chứng rối loạn tinh thần, mất ổn định về tình cảm, thay đổi cá tính, chậm phát triển trí tuệ, não úng thủy hoặc sống đời sống thực vật

Vì thế, khi có dấu hiệu trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương thần kinh, cần đưa trẻ đi khám ngay.

Cơ chế lây truyền và cách phòng viêm não Nhật Bản

Ổ chứa vi rút viêm não Nhật Bản là một số loài động vật sống hoang dã như các loại chim, một số loài bò sát. Ngoài ra, một số loài súc vật nuôi gần người, quan trọng nhất là lợn, sau đó là trâu, bò, dê, cừu, chó, khỉ.

Bệnh viêm não Nhật Bản lây theo đường máu, do muỗi đốt hút máu động vật nhiễm vi rút rồi  đốt người, qua đó truyền vi rút cho người. Vi rút được truyền qua vết đốt của muỗi cái, từ tuyến nước bọt có chứa vi rút.

Cơ chế lây truyền viêm não Nhật Bản

Vì vậy để phòng tránh bệnh này cần lưu ý, sau khi bị nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản, lợn không bị bệnh, nhưng nguy hiểm ở chỗ nó trở thành kho chứa, duy trì vi rút trong thiên nhiên, đồng thời lại là nguồn cung ứng quan trọng nhất cho muỗi đưa vi rút viêm não Nhật Bản lây sang người.

Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh, nhưng chủ yếu vẫn là hai loài muỗi Culex Tritaeniorhynchus và Culex vishnui. Hai loài muỗi này thường sống ở ruộng lúa nước và chập choạng tối sẽ bay đến nơi có người và súc vật sinh sống để hút máu. Vì vậy, việc phòng bệnh sẽ là giải pháp tối ưu hơn cả.

Trước hết, cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng đãng. Loại bỏ các ổ nước tù đọng quanh nơi sinh hoạt, diệt bọ gậy để muỗi không có điều kiện sinh sôi. Nếu gia đình có khu vực chuồng trại chăn nuôi thì cần được vệ sinh thường xuyên.

Khi ngủ phải nằm màn, ngoài ra cần phun thuốc diệt muỗi.

Nhưng biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm văcxin phòng viêm não Nhật Bản nhằm tạo miễn dịch chủ động. Trẻ cần được tiêm chủng đúng lịch trình vì nếu không hiệu lực của văcxin, khả năng tạo miễn dịch của trẻ sẽ giảm, đôi khi còn mất tác dụng.

Tiêm văcxin phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ.

Đối với trẻ em dưới 5 tuổi nên tiêm cho trẻ khi được 12-15 tháng tuổi, theo lịch tiêm đủ 3 mũi của chương trình tiêm chủng mở rộng. Có thể tiêm nhắc lại sau 5 năm kể từ mũi tiêm thứ 3.

Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm văc xin viêm não Nhật Bản thì tiêm ngay càng sớm càng tốt, theo lịch tiêm đủ 3  mũi cơ bản. Mũi tiêm nhắc lại sau 5 năm.

Đối với người lớn, nếu chưa từng tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản nên tiêm ngay, theo lịch tiêm 3 mũi cơ bản. Nếu đã từng tiêm liều cơ bản thì chỉ cần tiêm nhắc lại 1 mũi.

Nên tổ chức tiêm trước mùa bệnh khoảng 1 tháng vì kháng thể bảo vệ bước đầu chỉ được tạo thành khoảng 3 tuần sau khi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản liều 2, và kháng thể bảo vệ cơ bản chỉ có sớm nhất 1 tuần sau khi tiêm văc xin mũi thứ 3.

Box

Lịch tiêm chủng vắcxin viêm não Nhật Bản:

- Liều gây miễn dịch cơ bản: Tiêm đủ 3 mũi :

+ Mũi tiêm thứ 1: ngày 0

+ Mũi tiêm thứ 2: ngày thứ 7 đến 14

+ Mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 là 12 tháng.

Liều lượng: với trẻ từ 12 đến 36 tháng tuổi tiêm 0,5 ml/mũi; với trẻ từ 3 tuổi trở lên tiêm liều 1 ml/mũi.

Đường tiêm : dưới da, mặt ngoài trên cánh tay.

- Liều tiêm nhắc lại: Nên nhắc lại bằng 1 mũi vắcxin viêm não Nhật Bản (liều 1 ml, dưới da) khoảng 5 năm sau liều gây miễn dịch cơ bản.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn